Người thủ lĩnh đoàn tận tâm
Thôn Mào Sán Cáu là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Quảng An, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh). Nằm cách trung tâm xã 10km, người dân trong thôn chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, nhận thức không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ lâu, thôn đã được xếp vào danh sách những thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi.
Lỷ A Tài sinh ra trong một gia đình người dân tộc Dao, lớn lên từ những sản vật của đồi núi. Với cương vị là một bí thư chi đoàn, Tài luôn đau đáu một tâm niệm, phải cố gắng làm sao thoát khỏi cái nghèo, giúp dân làng có được cuộc sống ấm no. Cũng từ đó, Tài luôn mày mò những cách làm mới, công nghệ mới học được để áp dụng vào sản xuất chăn nuôi.
Thấy được tiềm năng đất đồi rừng của địa phương, năm 2014 anh bắt tay vào trồng keo, quế. Đến năm 2015 anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện cùng với vốn tiết kiệm của gia đình xây dựng mô hình nuôi bò kết hợp phát triển trồng rừng. “Ban đầu, chả ai tin là tôi thành công, dân làng họ chỉ nghĩ khai thác từ rừng sẵn có chứ không bao giờ nghĩ phải đi trồng rừng. Cũng may có các anh chị đoàn cơ sở động viên giúp đỡ tôi mới vượt qua những khó khăn ban đầu” – Tài tâm sự.
Từ quy mô nhỏ lẻ, đến nay gia đình Tài đã mở rộng quy mô trồng quế, keo lên trên 10ha, nuôi 10 con bò thịt. Tài còn tạo việc làm theo thời vụ cho trên 10 thanh niên từ việc trồng rừng với thu nhập từ 2 – 3,7 triệu đồng/người/tháng. “Từ ngày đi trồng rừng cho anh Tài, tôi có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Anh thường chỉ cách chọn cây giống và giúp đỡ chúng tôi vay vốn từ ngân hàng để phát triển kinh tế” – anh Lỷ A Phòng, một thanh niên trong thôn chia sẻ.
Nhìn dáng vóc mảnh khảnh, đôi tay thoăn thoắt dọn dẹp chuồng trại cho đàn bò, chúng tôi mới thấu hiểu niềm đam mê với công việc của Tài như thế nào. “Khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Song được sự hỗ trợ, động viên từ Đoàn xã Quảng An giúp tôi tiếp cận nguồn vốn vay ưa đãi, cùng với đó được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật nên đến nay mô hình kinh tế của gia đình phát triển ổn định, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập trên 100 triệu đồng”.
“Trước đây, chúng tôi chỉ chăn nuôi theo cách truyền thống, sáng mở chuồng cho tự đi kiếm ăn, tối lại đóng chuồng. Từ khi được A Tài chỉ cho cách chăm sóc, bò nhà tôi lớn nhanh hẳn” – bà Lỷ Sỉn Thái, người dân trong thôn chia sẻ.
Trong sự đổi thay của xã vùng cao Quảng An hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ của những người trẻ tuổi như anh Lỷ A Tài. Anh đã và đang hiện thực hóa ước mơ được cống hiến tuổi trẻ, khẳng định bản thân trên con đường lập thân lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Thoát nghèo nhờ miến dong
Xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Người dân nơi đây chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí nhìn chung còn thấp, điều kiện phát triển kinh tế lại chưa cao, chủ yếu sản xuất và canh tác phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên cuộc sống chưa ổn định.
Nình A Lộc, Bí thư Đoàn xã Đại Dực, sinh ra trong một gia đình đông anh em, từ nhỏ đã phải bươn chải đủ nghề nhưng cuộc sống cũng không cải thiện. Luôn suy nghĩ, trăn trở tìm ra giải pháp và hướng phát triển kinh tế, Dực quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật quyết làm giàu từ mảnh đất quê hương.
Nhắc đến Đại Dực, người ta nghĩ ngay đến nghề làm miến dong. Miến ở đây rất trong và dai, có mùi thơm tự nhiên vì được làm từ cây dong riềng trồng tại bản địa. Nghề làm miến dong có từ rất lâu đời nhưng dần bị mai một vì miến dong thủ công không thể cạnh tranh cùng miến dong công nghiệp.
Năm 2006, khi huyện Tiên Yên có chủ trương hỗ trợ giống cấy dong riềng và khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống làm miến dong, Lộc hăng hái vận động gia đình và nhiều hộ dân trong xã hưởng ứng đưa vào trồng và đạt năng suất cao. Nhưng trồng ra sản phẩm lại không tiêu thụ được vì trong xã chỉ có 4 hộ gia đình sản xuất miến dong, Lộc phải đi khắp các huyện để rao bán mong gỡ gạc chút vốn bỏ ra.
Không nản, anh nhận thấy cây dong riềng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, lại là nguyên liệu chính để sản xuất miến dong nên tiếp tục mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách chọn giống cây, từ đó vận động, hướng dẫn bà con tiếp tục trồng cây dong riềng. Đồng thời anh đứng ra thu mua tất cả củ dong của bà con làm nguyên vật liệu chế biến.
Năm 2012, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng với nguồn vốn của gia đình, Nình A Lộc xây dựng khu nhà xưởng rộng 100m2 và trang bị dây chuyền sản xuất, chế biến miến dong với số vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng. Năm 2013, nhờ sự hỗ trợ của UBND huyện Tiên Yên, miến dong Đại Dực đã được đăng ký bao bì sản phẩm trở thành thương hiệu Miến dong Tiên Yên. Không chỉ tìm cách làm giàu cho gia đình, anh Lộc còn hướng dẫn bà con trong xã cách trồng, chăm sóc cây dong riềng sao cho đạt hiệu quả cao. Từ hiệu quả của gia đình anh, nhiều hộ khác cũng học tập làm theo. Hiện toàn xã đã có hơn 400 hộ trồng cây dong riềng.
Ngoài ra anh Lộc còn tạo việc làm cho 20 thanh niên trong thôn vào làm tại cơ sở sản xuất của gia đình, có mức thu nhập ổn định khoảng 3,5 triệu đồng/ tháng. Nhờ đó, nhiều thanh niên trong xã đã giúp gia đình thoát nghèo. Với những thành tích trong việc phát triển kinh tế và giúp đỡ bà con nhân dân, anh Nình A Lộc đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của của T.Ư Đoàn.
“Đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên, hướng cho thanh niên những mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương. Hỗ trợ các bạn các thủ tục vay vốn, kết nối các doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ thêm về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh... Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay là nhờ nghị lực của chính các bạn, biết vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu cho chính bản thân và quê hương”
Chị Đỗ Thị Lệ Quyên, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân, viên chức và đô thị Tỉnh Đoàn Quảng Ninh