Những tấm gương hiếu học

TP - Bố mất vì căn bệnh suy tim lúc ôn thi học kỳ 1, mẹ lại bị căn bệnh này hành hạ từ lâu, Quyên chỉ biết cố gắng học thật tốt để giúp mẹ vơi nỗi buồn và đấu tranh với bệnh tật. Còn nếu không quá khát khao, cố hết sức để được học, thì sinh viên Trần Ngọc Thức (sinh năm 1990, lớp quản trị kinh doanh K12A2, khoa Kinh tế trường Đại học Tây Nguyên) đã rời trường lớp từ lâu.

> Tiếp sức cho những tấm gương hiếu học
> Tiền Phong đến với vùng tâm bão ở Nghệ An, Quảng Nam

Nhặt phế liệu, quét rác thuê lấy tiền đi học

Nguyễn Thị Quyên (SN 1988) là con thứ hai trong gia đình, bố mẹ là công nhân xưởng chế biến chè xanh (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1999 mẹ Quyên mắc bệnh suy tim, năm 2001 bố Quyên cũng mắc phải căn bệnh đó. Càng ngày, cuộc sống của gia đình Quyên càng vất vả hơn khi phải dồn hết tiền cho bố, mẹ đi chữa bệnh.

Nhìn thấy bố mẹ vất vả lại bị căn bệnh tim hành hạ, ngoài thời gian học ở trường và ôn thi, Quyên dành hết thời gian để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, khi bệnh ngày càng nặng hơn. “Hồi còn học cấp 2, cấp 3 mình hay đi làm thuê tại các xưởng chế biến chè xanh tại xã, lên đồi hái quả chè mang đi bán cho các vườn ươm, hái quả sim trên rừng để bán vào mùa sim, trồng rau mang đi chợ bán vào cuối tuần, đóng bầu đất cho các vườn ươm cây, đi nhặt phế liệu để bán…

Việc gì mình cũng làm, cứ đến mùa vụ mình lại đi làm thuê kiếm tiền đi học và giúp đỡ bố mẹ. Lên đại học mình nhận quét rác ở giảng đường được 1 kì, đi bán hàng ở hội chợ, rửa bát ở cửa hàng ăn”, Quyên chia sẻ.

Năm 2006, Quyên bước vào cổng trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, sau 5 tháng bố Quyên qua đời khi đang ôn thi cuối kỳ 1. Đó là nỗi đau lớn nhất trong đời mà Quyên đã phải trải qua. Sự mất mát quá lớn, Quyên tự nhủ với mình là phải học thật tốt để bố được yên nghỉ cũng như động viên mẹ nuôi các em.

“Du học là một quyết định khá khó khăn, mình chỉ chọn duy nhất một trường bên Hàn Quốc để học Thạc sĩ khoa Y sinh học. Hồi bố mất, do phải học xa nhà mình đã không kịp nhìn mặt bố lần cuối cùng”, Quyên chia sẻ. Chia sẻ về kinh nghiệm du học ở Hàn Quốc, Quyên cho rằng: “Khi chuẩn bị đi du học cái đầu tiên là phải học tiếng trước. Ở đây, tiếng Anh cũng rất quan trọng nhưng bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu ra nước ngoài mà không biết được tiếng của họ. Đặc biệt các chương trình của họ giảng dạy bằng tiếng Hàn nên học giỏi tiếng Hàn cũng là chìa khóa cơ bản để tiếp thu kiến thức cũng như giao tiếp với mọi người”.

Hiện tại, công việc của Quyên khá tốt, được làm đúng chuyên môn công việc yêu thích. Công việc chính là xét nghiệm huyết thống ở người tại Cty Cổ phần Công nghệ sinh học Bionet Việt Nam. Hàng ngày, Quyên cố gắng làm việc chăm chỉ để nuôi sống bản thân mình và cùng mọi người nuôi em trai học đại học.

Thức hiếu học

Gương mặt khắc khổ của Thức đầy nỗi buồn lo. Ảnh: T.V .
 

Ba mẹ Thức cùng làm công nhân Công ty cao su Đắc Lắc. Mẹ Thức do sức yếu lại lao động cực nhọc nên 5 lần mang thai chỉ sinh được mỗi mình Thức. Ba Thức sau thời gian nghỉ mất sức lao động bị tai biến nằm liệt một chỗ, mọi chi phí sinh hoạt của cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương của mẹ. Năm 2010 mẹ Thức nghỉ hưu rồi phát hiện bị ung thư gan, mạng sống ngày càng mong manh.

Gánh nặng gia đình buộc Thức phải vừa học, vừa làm trong dây chuyền nước đóng chai của Công ty cao su, vừa xoay vòng chăm sóc cả ba và mẹ. Hàng tuần Thức đi làm từ thứ 2 đến thứ 6, còn thứ 7 và chủ nhật đi học.

Vì ba mẹ hay phải nhập viện đột xuất nên lịch đi làm của Thức cũng theo đó mà thất thường, phải tranh thủ làm bù giữa những đợt học, để được nhận mức lương từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/tháng phụ thêm tiền thuốc thang vào đồng lương hưu ít ỏi của mẹ, trả tiền cơm khi làm tăng ca hoặc gom góp đóng học phí.

Ông Trần Vinh Thắng, Tổ trưởng tổ sản xuất nước đóng chai nơi Thức làm việc cho biết đã nhiều lần đến thăm và biết rất rõ gia cảnh Thức quá khó khăn. Công đoàn Tổng Công ty và Công đoàn cơ sở đã hỗ trợ ít nhiều, nhưng chỉ như muối bỏ bể.

Kể về Thức, ông đầy thương cảm: Cậu ấy tính tình hiền lành, chịu thương chịu khó, sáng tạo trong công việc, sống hòa đồng. Nghèo khó vậy mà Thức vẫn quyết tâm theo học đại học tại chức, anh em chúng tôi hết sức khâm phục ý chí vượt lên hoàn cảnh của cậu ấy !

Tìm đến căn nhà nhỏ xíu của gia đình Thức ở khu tập thể Công ty cao su (hẻm 74 Ngô Gia Tự, phường Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột), chúng tôi gặp Thức với gương mặt khắc khổ, đôi mắt trũng sâu vì phải thức khuya dậy sớm, dáng dấp còm nhom và hai vai như trĩu dưới gánh nặng lo toan.

Thức tâm sự “Có đêm đi làm về, bước vào căn nhà tối om đầy mùi bệnh tật, nghe tiếng thở yếu ớt của ba mẹ mỗi người nằm một giường mà lòng dạ em rối bời buồn tủi, phải cố nén để khỏi òa khóc thật to …”

Trước tấm gương hiếu học của Thức chỉ mong bạn sẽ được các tấm lòng vàng chia sẻ, giúp đỡ kịp thời để Thức vừa đủ sức phụng dưỡng được cha mẹ, vừa có điều kiện học tập tốt hơn...

Theo Báo giấy