Những tai nạn tàu ngầm hạt nhân thảm khốc trên thế giới

Tàu ngầm USS Thresher của Mỹ gặp sự cố trong khi thử nghiệm lặn ở độ sâu tối đa và phát nổ khiến toàn bộ thủy thủ đoàn 129 người thiệt mạng vào năm 1963.
Phần còn lại của tàu ngầm nguyên tử Kursk sau vụ nổ. Ảnh: Wikipedia

Hoạt động của tàu ngầm là đầy rủi ro. Những tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất cũng có thể chìm ở đáy đại dương nếu thủy thủ đoàn bất cẩn trong vận hành hay có lỗi về công nghệ. Tạp chí National Interest đã thống kê 5 tai nạn tàu ngầm hạt nhân thảm khốc nhất trong vài thập niên trở lại đây.

Tai nạn tàu ngầm hạt nhân đầu tiên

Ngày 10/4/1963 tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Thresher (SSN-593) gặp sự cố khi thử nghiệm hoạt động ở độ sâu 400 m. Vụ tai nạn khiến 129 thủy thủ thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn tàu ngầm có số người chết cao nhất và cũng là thảm kịch đầu tiên đối với tàu ngầm hạt nhân.

Báo cáo của Hải quân Mỹ cho biết, tàu ngầm gặp sự cố khi thử nghiệm lặn xuống độ sâu 400 m. 5 phút trước khi mất liên lạc, tàu cứu hộ tàu ngầm Skylark nhận được thông báo từ tàu Thresher rằng họ đang gặp trục trặc kỹ thuật. Tàu Skylark tiếp tục nhận được một số tin nhắn ngắt quãng cho đến khi hệ thống định vị thủy âm ghi nhận tín hiệu cấp cứu từ tàu ngầm.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Thresher trong một nhiệm vụ trên biển vào năm 1961. Ảnh: Hải quân Mỹ

Cuộc điều tra của Hải quân Mỹ cho thấy động cơ điện cung cấp năng lượng cho máy bơm làm mát chính gặp trục trặc khiến lò phản ứng hạt nhân ngưng hoạt động. Do tàu đang ở độ sâu lớn, nơi có nhiệt độ nước biển rất thấp, dẫn đến hình thành băng trong đường ống dẫn khí của khoang dằn. Bên cạnh đó, lò phản ứng ngưng hoạt động nên tàu không có điện để bơm nước ra khỏi khoang dằn giúp tàu nổi lên.

Thresher chìm theo quán tính và phát nổ ở độ sâu khoảng 730 m do áp lực nước vượt quá khả năng chịu đựng của thân tàu. Sau thảm họa tàu ngầm SSN-593, Hải quân Mỹ đã áp dụng chương trình SUBSAFE để bảo chất lượng cho tàu ngầm từ thiết kế cho đến vật liệu chế tạo.

USS Scorpion (SSN-589)

Ngày 22/5/1969, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Scorpion, lớp Skipjack của Hải quân Mỹ mất tích cùng với 99 thủy thủ cách 643 km đảo Azores, thuộc Bồ Đào Nha về phía tây nam.

Điều gì xảy ra với con tàu đến nay vẫn là một bí ẩn. Người ta chỉ biết rằng, tàu không thể trở về cảng vào ngày 27/5/1969. Hải quân Mỹ phát động một chiến dịch tìm kiếm, nhưng cuối cùng thông báo tàu mất tích vào cuối tháng.

Đến cuối năm 1969, một tàu khảo sát đại dương của Hải quân Mỹ phát hiện tàu ngầm SSN-589 chìm ở độ sâu 3.048 m. Hải quân Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về tai nạn, nhưng một số nguồn tin nhận định, vụ nổ vô tình của ngư lôi Mark 37 là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch.


Tàu ngầm K-8

Đây là một tàu ngầm tấn công hạt nhân thuộc Đề án 627A Kit (lớp November) do Liên Xô chế tạo. Ngày 8/4/1970, trong quá trình tập trận, đám cháy xuất hiện do dầu tiếp xúc với không khí tái sinh bên trong tàu. Đám cháy nhanh chóng lan qua hệ thống điều hòa không khí khiến tình hình không thể kiểm soát.

Tàu ngầm K-8 của Liên Xô trong một nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Submarines 

Thuyền trưởng ra lệnh tắt lò phản ứng và rời bỏ tàu. Khi một tàu kéo đến hiện trường, 52 thủy thủ trở lại tàu trong nỗ lực đưa tàu về căn cứ. Tuy nhiên, tàu bị đứt neo và mất kiểm soát trong điều kiện biển động mạnh. 52 thủy thủ trở lại tàu thiệt mạng do ngộ độc khí CO2.

Tàu ngầm K-8 chìm cùng với 4 ngư lôi hạt nhân ở độ sâu 4.680 m và cách Tây Ban Nha 490 km về phía tây bắc. Việc những quả ngư lôi mang theo đầu đạn hạt nhân nằm dưới đáy biển có thể dẫn đến thảm họa rò rỉ phóng xạ gây hại cho môi trường.

Sự cố tàu ngầm K-278 Komsomolets

K-278 là tàu ngầm duy nhất thuộc Đề án 685 Plavnik (lớp Mike). Tàu được chế tạo để thử nghiệm công nghệ. Komsomolets là một trong những tàu ngầm hiệu suất cao nhất từng được chế tạo, tàu có thể lặn sâu tới 914 m. Mục tiêu của Đề án 685 để thử nghiệm công nghệ tự động hóa và áp lực đối với thân tàu chế tạo bằng titan.

Ngày 7/4/1989, một đám cháy xảy ra không rõ nguyên nhân kéo theo một loạt sự cố khác khiến tàu bị chìm. Thủy thủ đoàn đã nỗ lực khắc phục sự cố, nhưng 42 trong tổng số 69 thuyên viên đã thiệt mạng. Ban đầu chỉ có 4 người tử nạn do ảnh hưởng trực tiếp từ đám cháy, số còn lại thiệt mạng do tiếp xúc với khí độc.

Nếu hoạt động cứu hộ diễn ra kịp thời, số người thiệt mạng có thể giảm xuống. Lò phản ứng cùng 2 đầu đạn hạt nhân chìm theo tàu ở độ sâu 1.676 m ở biển Barents có thể dẫn đến một thảm họa rò rỉ phóng xạ khi lớp kim loại bao bọc bên ngoài bị nước biển ăn mòn.


Vụ nổ tàu ngầm Kursk

Thảm họa tàu ngầm tồi tệ nhất theo thống kê của National Interest là vụ nổ tàu ngầm nguyên tử K-141 Kursk thuộc Đề án 949A Antey, lớp Oscar-II của Nga. Con tàu có lượng giãn nước 16.000 tấn đã bị phá hủy trong một vụ nổ lớn vào ngày 12/8/2000 khiến toàn bộ thủy thủ đoàn 118 người thiệt mạng.

Cuộc điều tra kéo dài 2 năm cho kết luận, nhiên liệu hydrogen peroxide (HTP) dùng để đẩy ngư lôi Type-65-76A phát nổ dẫn đến thảm kịch. Một lượng lớn nhiên liệu đã rò rỉ qua một mối hàn lỗi trên vỏ ngư lôi gây ra vụ nổ đầu tiên tương đương 100-125 kg TNT. Vụ nổ thứ 2 tương đương 5-7 tấn TNT xảy ra sau đó 135 giây nhấn chìm tàu và khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Nhiên liệu HTP rất dễ bay hơi và phải xử lý rất cẩn thận để đảm bảo an toàn. Sau thảm họa tàu ngầm Kursk, Hải quân Nga đã quyết định loại bỏ nhiên liệu HTP sử dụng để đẩy ngư lôi và thay bằng nhiên liệu khác an toàn hơn.

Theo Theo Zing