Những sự kiện khoa học 2017 không thể bỏ qua

TPO - Những sự kiện khoa học nổi bật trong nước và quốc tế năm 2017 đã được ghi nhận.

Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Chiều ngày 19/6, Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Luật có thay đổi, chỉnh lý một số nội dung. Trong đó có những nội dung quan trọng như chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ; các công nghệ cần khuyến khích, hạn chế, cấm chuyển giao; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, các biện pháp khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường.

Chính phủ ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngày 4/5, Thủ tướng ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ chính của Bộ Khoa học và Công nghệ: Tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chủ trì, phối hợp các bộ ngành, địa phương triển khai có kết quả Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Đài thiên văn Nha Trang chính thức hoạt động cuối tháng 9/2017

Đài Thiên văn Nha Trang trực thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm  Khoa học và Công nghệ Việt Nam đặt trên Hòn Chồng (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), là một phần của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Một số nghiên cứu có thể được thực hiện với kính và thiết bị đi kèm gồm: quan sát sao biến quang, từ đó có thể nghiên cứu tính chất của khí quyển; đo phổ vạch từ các ngôi sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao…

Kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam

Ngày 19/11/1997 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin và truyền thông Việt Nam khi diễn ra Lễ ấn nút mở cửa Internet. Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới và nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng cao nhất tại châu Á.

Hàn Quốc xây nhà máy sản xuất động cơ máy bay tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Ngày 21/9, Công ty Hanwha Techwin (Hàn Quốc) tổ chức lễ khởi công nhà máy Hanwha Aero Engines tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Đây là dự án đầu tư đầu tiên tại Việt Nam liên quan đến ngành công nghiệp động cơ hàng không. Nhà máy sẽ sản xuất các cấu kiện, linh kiện động cơ cho một số hãng hàng không hàng đầu thế giới, như: General  Electric (GE), Pratt & Whitney (PW) và Rolls-Royce.

Trước đó ngày 7/7, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy của Hàn Quốc với tổng mức đầu tư 200 triệu USD (giải ngân trong ba năm) và có kế hoạch đầu tư thêm 60 triệu USD trên tổng diện tích 96.789 m2.

Va chạm giữa hai vì sao chết

Năm 2017, các nhà khoa học dò ra sóng hấp dẫn của Einstein từ một nguồn mới - sự va chạm của hai ngôi sao chết, hay còn gọi là sao neutron. Nhóm nghiên cứu cũng xác nhận những vụ va chạm như vậy dẫn tới việc sản sinh ra vàng và bạch kim tồn tại trong vũ trụ.

Sứ mệnh cuối của tàu vũ trụ Cassini

Tàu vũ trụ Cassini bắt đầu chuyến thám hiểu Sao Thổ năm 2004. Trong 13 năm hoạt động, nó đã thay đổi hiểu biết của chúng ta về hành tinh và mặt trăng. Chuyến thám hiểm giúp phát hiện các vòi phun nước từ mặt trăng Enceladus của Sao Thổ, xác nhận một đại dương ẩn dấu dưới bề mặt băng. Nó cũng giúp phát hiện các biển và hồ mê tan trên mặt trăng Titan lớn nhất của sao Thổ.

Tuy nhiên khi các thùng nhiên liện dần cạn, để ngăn chặn khả năng Cassini đâm vào hai mặt trăng có thể tồn tại sự sống quay quanh Sao Thổ - Titan và Enceladus, NASA buộc phải ngừng sứ mệnh của con tàu này. Ngày 15/9, Cassini lao vào bầu khí quyển, bốc cháy dưới áp suất và nhiệt độ cao của khí quyển Sao Thổ, vỡ ra thành hàng triệu mảnh.

Phát hiện thêm nhiều "trái đất"

Trong số 3.500 hành tinh được ghi nhận tồn tại ngoài Hệ Mặt trời, có một số hành tinh khá 'kỳ quặc'. Trước kia, đó là hành tinh mang tên J1407b có vành đai bụi lớn gấp 200 lần so với vành đai quanh sao Thổ. Nhưng năm nay, các nhà thiên văn học phát hiện ra một hệ thống hành tinh với bảy hành tinh có cùng kích cỡ với Trái Đất. Những hành tinh này quay quanh một ngôi sao chủ. Điều thú vị là, ba trong số các hành tinh có thể có nước trên bề mặt, một dấu hiệu quan trọng của sự sống.

Họ hàng gần đây của con người
 
Vào tháng Bảy, các nhà nghiên cứu công bố năm hóa thạch cổ đại tại Bắc Phi cho thấy loài người - Homo sapiens - xuất hiện sớm hơn ít nhất 100.000 năm so với khái niệm trước đó. Những phát hiện này gợi ý rằng loài người chúng ta không tiến hóa trong một "cái nôi" duy nhất ở Đông Phi. Thay vào đó, con người hiện đại có thể đã tiến hoá theo cùng một hướng trên toàn lục địa.

Núi băng khổng lồ tách khỏi Nam Cực

Một trong những tảng băng trôi lớn nhất tách khỏi thềm băng Larsen C của Nam Cực vào tháng Bảy. Các nhà khoa học đã theo dõi sự phát triển của vết nứt lớn trên thềm băng trong suốt hơn một thập kỷ. Khối băng trôi khổng lồ ước tính bao phủ diện tích khoảng 6.000 km vuông - khoảng một phần tư diện tích xứ Wales.

Các tảng băng tách khỏi Nam Cực là hoạt động tự nhiên. Tuy nhiên giới khoa học cho rằng thềm băng Larsen C có kích cỡ nhỏ nhất kể từ cuối kỷ băng hà khoảng 11.700 năm trước . Họ cũng cho rằng cần có các nghiên cứu trong tương lai để tìm hiểu việc thềm băng đáp ứng với việc khí hậu ấm lên như thế nào.

Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR

Các nhà khoa học Mỹ hồi tháng 1 sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR để tạo ra phôi thai lai giữa lợn và người. Công nghệ CRISPR được ví như "chiếc kéo thần" có thể cắt bỏ một đoạn ADN và thay thế bằng chuỗi ADN mong muốn, giúp điều trị các bệnh di truyền.

Đến tháng 7, nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon tuyên bố áp dụng thành công công nghệ CRISPR để can thiệp vào phôi người, khắc phục được đột biến ở phôi thai tạo từ tinh trùng của một người đàn ông mắc bệnh tim di truyền.

Phát hiện phòng trống trong Đại kim tự tháp Giza

Tháng 11, nhóm dự án ScanPyramids phát hiện một căn phòng lớn dài ít nhất 30 m bên trên Grand Gallery, hành lang dốc nối liền "Phòng vua" và "Phòng hoàng hậu" trong Đại kim tự tháp Giza. Họ tìm thấy căn phòng bí mật bằng nhiều công cụ tiên tiến, trong đó có việc sử dụng hạt muon có nguồn gốc từ tia vũ trụ để xâm nhập các lớp đá.

Hiện các nhà nghiên cứu đang chế tạo một robot thăm dò giống khí cầu có thể thâm nhập những công trình cổ đại qua lỗ khoan rộng 3,5 cm. Sau khi lọt vào căn phòng trong kim tự tháp và phồng lên, nó sẽ bay xung quanh để khám phá những điểm khó tiếp cận và hạn chế tối đa hư hại đối với các đồ tạo tác hoặc cấu trúc ẩn.

Trí tuệ nhân tạo chiến thắng con người trong môn cờ vây

Đầu năm nay, phần mềm AlphaGo sử dụng công nghệ DeepMind của Google đã ghi một dấu mốc mới khi chiến thắng huyền thoại cờ vây thế giới Lee Se-dol (Hàn Quốc). AlphaGo đã đúc kết hàng nghìn năm kiến thức của con người về trò chơi và tự phát minh ra những nước đi mới chỉ trong ba ngày.

Chiến thắng của AlphaGo đánh dấu sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI). Stephen Hawking, giáo sư vật lý lý thuyết kiêm nhà vũ trụ học người Anh, hồi giữa tháng 10 cảnh báo AI có thể trở thành thảm họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại nếu vượt ngoài tầm kiểm soát.

SpaceX phóng tên lửa và tàu vũ trụ tái sử dụng

Công ty tên lửa tư nhân SpaceX của tỷ phú Elon Musk phóng thành công tên lửa Falcon 9 tại bãi phóng thuộc căn cứ Cape Canaveral, Florida, Mỹ vào ngày 31/3. Đây được coi là vụ phóng mang tính cách mạng, đánh dấu lần đầu tiên một tên lửa được tái sử dụng thành công để đưa vệ tinh liên lạc lên quỹ đạo cách Trái Đất 35.000 km. Tên lửa Falcon 9 trong vụ phóng lần này đã từng được sử dụng và hạ cánh vào ngày 8/4/2016.

Việc chế tạo tầng đầu tiên của tên lửa đẩy thường tốn hàng chục triệu USD. Chúng đều được thiết kế để cháy trong khí quyển, chìm xuống đại dương hoặc rơi xuống mặt đất sau khi đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Nhưng tầng dưới của tên lửa đẩy Falcon 9 có thể tự hạ cánh trên mặt đất hoặc trên tàu biển. Giám đốc vận hành SpaceX Gwynne Shotwell cho biết việc tái sử dụng tầng đẩy có thể giúp tiết kiệm khoảng 30% trong tổng số 63 triệu USD chi phí phóng Falcon 9.

Hôm 15/12, lần đầu tiên trong lịch sử SpaceX phóng thành công tàu vũ trụ tái sử dụng trên một tên lửa cũng tái sử dụng. Tên lửa Falcon 9 chở tàu vũ trụ Dragon rời khỏi bệ phóng ở căn cứ Cape Canaveral, chở theo gần 2.200 kg hàng hóa và vật liệu lên Trạm Vũ trụ Quốc tế.