> Nông dân lớp 8 sáng chế 4 loại máy móc
Sáng tạo từ bùn
Phan Lộc Bảo Chiêu, SN 1986, kỹ sư nông nghiệp (Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Thuận) chưa hết hào hứng khi nói về đợt tập huấn kỹ thuật làm phân hữu cơ cho nông dân. Chỉ cần khoảng đất nhỏ, có mái che, người dân có thể trộn bùn đen với phụ phẩm nông nghiệp như rơm, lục bình và chế phẩm sinh học có tên sinh học EM thành phân hữu cơ thay thế phân hóa học.
Bảo Chiêu cho biết, hàng trăm hộ dân các huyện lân cận TP Phan Thiết đã được tập huấn chế tạo phân bón từ phế phẩm để bón cây trồng do anh nghiên cứu.
Sau 2 năm lội ruộng, làm vườn cùng bà con, Bảo Chiêu mới bắt tay nghiên cứu đề tài sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bùn và phế phẩm nông nghiệp. Giải pháp có thể tiến hành nhỏ, lẻ theo quy mô hộ gia đình nên rất dễ làm.
Ý tưởng được hình thành từ thực tiễn người dân Bình Thuận thường đào hào, rạch xung quanh vườn nhằm tưới nước cho cây Thanh Long, sau mỗi vụ mùa, lượng bùn dư thừa rất lớn. Phương pháp tạo phân bón của Bảo Chiêu giúp giảm ô nhiễm môi trường do phế thải nông nghiệp, đồng thời cải tạo đất, giảm giá thành mua phân lân hóa học.
Chữa cháy tự động
Nguyễn Đức Nhân, SN 1980, giảng viên Khoa điện Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nông nghiệp Quảng Bình được tuyên dương với đề tài xây dựng hệ thống báo và chữa cháy tự động.
Một lần cùng vợ trực ở cây xăng dầu thì một chiếc xe khách chạy hướng Nam - Bắc bốc cháy ngay trên quốc lộ 1A, cách cây xăng vợ chồng anh trực chừng 50m. Anh mang bình cứu hỏa mini ra dập lửa, nhưng khói bốc mù mịt, không xác định được vị trí cháy, may mắn hành khách thoát chết, không cứu được chiếc xe. Từ đó, anh mày mò nghiên cứu tìm phương pháp chữa cháy bằng hệ thống báo và chữa cháy tự động.
Sau 6 tháng thử nghiệm, nghiên cứu tại các khu vực có nguy cơ cháy cao như chợ, siêu thị, nhà cao tầng, anh tìm ra giải pháp khắc phục được một số nhược điểm của phương pháp báo cháy, chữa cháy hiện nay là xác định chính xác vị trí đám cháy. Hệ thống báo, chữa cháy do anh nghiên cứu, nếu phát hiện có khói hoặc nhiệt độ trên 50oC, đầu cảm biến nhiệt sẽ hú hiệu bằng loa, đèn; có khả năng tự động cắt nguồn điện, tránh chập điện, ngăn đám cháy lan rộng...
Tại Festival Sáng tạo trẻ, đề tài của Nhân được đánh giá có tính ứng dụng thực tiễn cao, dễ lắp đặt ở mọi địa hình, giá thành rẻ. Anh Nhân cho biết, hiện trong các công trình nhà ở, chợ, siêu thị đều có hệ thống chữa cháy mini, chỉ cần lắp thêm bộ cảm biến nhiệt, máy bơm nước…sẽ hiệu quả hơn.
Bẫy côn trùng
Nguyễn Bá Tư, xuất thân là nông dân, hiện làm giảng viên ĐH Thủ Dầu 1 (Bình Dương), chế tạo thành công sản phẩm đèn bẫy côn trùng từ những vật liệu đơn giản, rẻ tiền như tôn hoa, vỏ bình nước uống.
Vốn con nhà nông ở Thanh Hóa, lại trọ học ở nông thôn để nghiên cứu các giống cây trồng, Bá Tư thường chứng kiến nhiều loại sâu bọ phá hoại mùa màng khiến người dân vừa tốn tiền phun thuốc trừ sâu vừa ảnh hưởng sức khỏe, môi trường. Anh nảy ra ý tưởng bắt sâu bọ thay cho việc dùng thuốc trừ sâu từ kinh nghiệm dân gian từng dùng đèn dầu, đốt lửa và chậu nước để dụ côn trùng bay tới.
Sau nhiều ngày thử nghiệm, sản phẩm đèn bẫy sâu bọ phát sáng bằng điện ra đời và chỉ một đêm đã bẫy được hàng ngàn côn trùng đủ loại.
Sản phẩm được nghiệm thu tại phường Xuân Phú (TP Huế) từ năm 2008 đến nay có hiệu quả diệt tới 80% côn trùng. Sản phẩm hiện còn được ứng dụng dụng trong sản xuất rau an toàn tại xã Thạnh Hội (Tân Uyên, Bình Dương) và anh đang tìm đối tác để đầu tư sản xuất sản phẩm bán ra thị trường.