> “Đừng nói ít tiền thì không làm được phim tử tế”
Truyền thống hay đương đại?
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 kéo dài từ 14/10 đến 16/10 với 139 phim ở các thể loại phim truyện nhựa, phim truyện video, phim tài liệu video, phim tài liệu nhựa, phim tài liệu khoa học và phim hoạt hình, nhưng ai cũng chú ý đến 23 phim truyện nhựa, được xem như là tâm điểm để đánh giá thành công của LHP qua phim đoạt Bông Sen Vàng.
Những người viết huyền thoại được cho là ứng cử viên nặng ký nhất.
Với slogan “Điện ảnh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”, đây cũng sẽ là tiêu chí làm “thước đo” để xem phim nào trong số 13 phim kia đủ “chuẩn” để đoạt BSV.
Ba phim chưa công chiếu, xem như khó biết được nó như thế nào để “đo”, nên chỉ có thể so sánh 10 phim còn lại. 10 phim nhưng thấy cả một sự phong phú về thể loại và chủ đề. Có phim truyền thống lịch sử chiến tranh cách mạng, có phim lịch sử + dã sử võ hiệp kỳ tình, có phim võ hiệp + dã sử + viễn tưởng +… , một số phim tâm lý về cuộc sống xã hội đương đại trong giới showbiz Việt, học trò, trí thức, xã hội đen.., phim khác thì mang tính hài hước để phản ánh chủ đề gia đình... Nghĩa là một bức tranh toàn cảnh nhiều màu sắc Hỉ- Nộ- Ái- Ố của phim Việt trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.
Có thể nói nếu mang hết 4 tiêu chí ra để “đo” thì không có phim nào có đủ “chuẩn” cả 4, ngay cả nếu “chín bỏ làm mười” để “đo” vài tiêu chí thì cũng không đạt “chuẩn” của từng tiêu chí một cách hoàn hảo.
Nhà có 5 nàng tiên, Lấy chồng người ta, Cưới ngay kẻo lỡ, chỉ có thể là phim giải trí có tính thị trường, cho dù nó phản ảnh một vấn đề đang được quan tâm về gia đình - hôn nhân - bình đẳng giới - bạo hành gia đình… Nhưng những “chiêu”, “trò” để câu khách làm cho phim trở nên thiếu sự sâu sắc, đôi khi còn gây phản cảm như cách kể câu chuyện tình tay ba đầy bạo lực trong Lấy chồng người ta.
Phim Đường đua, tưởng chừng là có sự sáng tạo mới mẻ trong nghệ thuật, thì tính nhân văn của phim lại gây ức chế cho người xem, bởi bạo lực quá tàn bạo trong phim.
Chưa kể, nhân vật trong phim được thể hiện như một người không còn niềm tin vào những tốt đẹp của cuộc sống, bị đẩy đến đường cùng, hành xử như một kẻ không giết người không được.
Dành cho tháng sáu, chỉ là phim “xinh xinh” dễ thương về một đam mê thể thao tuổi học trò, nhưng yếu toàn diện cả về nghệ thuật thể hiện lẫn cách kể câu chuyện, nó thuộc loại phim “sinh viên” chưa đủ sức cho một LHPVN mang tính chuyên nghiệp cao.
Hai phim của đạo diễn Victor Vũ (Thiên mệnh anh hùng và Scandal - Bí mật thảm đỏ), đứng về “nghề” thì khá chắc tay, kỹ thuật làm phim tốt, nhưng nội dung của phim vẫn cần có những điểm phải nhìn lại.
Thiên mệnh anh hùng, phim lịch sử “mượn”ý tưởng của một tiểu thuyết về nhân vật và sự kiện lịch sử, nhưng nó chỉ là phim võ hiệp kỳ tình xem đẹp mắt mang tính giải trí nhiều hơn ý nghĩa lịch sử.
Scandal - Bí mật thảm đỏ, phim về mặt trái giới showbiz Việt, đề tài đương đại, nhưng xét tổng thể nó cũng là một phim giải trí, vì tính nhân văn để đưa đến thông điệp Chân - Thiện - Mỹ của giới nghệ sĩ không rõ ràng, mà chỉ toàn âm mưu và sự đố kỵ, chưa kể những cảnh bạo lực ghê người, như lấy giày gót nhọn đập vào mặt đối thủ…
Phim Lạc lối, có thể nói là sự xuống tay của đạo diễn Nhuệ Giang, câu chuyện trong phim khó thuyết phục được cho dù là “phim”, có trí thức nào ngoài đời (cho dù thiếu vắng đàn bà), mà có thể “lên giường” với cô mua đồng nát lần đầu đến nhà và sau vài câu chuyện phiếm vớ vẩn. Rồi những câu chuyện không ra thực, không ra ảo làm cho phim không có một liên kết nhất quán nào, chưa kể cách làm phim vẫn chưa có gì gọi là sáng tạo để phim hấp dẫn.
Lửa Phật (đạo diễn Dustin Nguyễn) đáng lý ra phim này có “tỳ vết” phạm luật, cho dù đã được “giải nạn”, nhưng ở mặt nào nó vẫn là phim “phạm quy”.
Nếu không “phạm quy” thì phim cũng là một sự lộn xộn của một câu chuyện hoang đường, không ra viễn tưởng, không ra đương đại, phim lại gần như “không quốc tịch” bởi rất khó nói câu chuyện xảy ra ở Việt Nam…
Và ngay cả phần võ thuật, nó cũng không tạo cho người xem cảm thấy đó là những màn biểu diễn tinh hoa võ thuật Việt…
Cuối cùng, ứng viên “nặng” ký duy nhất là Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, được chiếu mở đầu cho tuần lễ khai mạc phim dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.
Xét về nội dung, không có gì bàn cãi, vì đây là câu chuyện mang tính lịch sử truyền thống cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ huyền thoại của dân tộc, có tính giáo dục cao.
Xét về nghệ thuật, phim có cách làm khá ấn tượng trong các hình ảnh về chiến tranh, kỹ xảo tương đối tốt hơn các phim chiến tranh từ trước tới giờ của Việt Nam. Nhưng xét tổng thể, phim vẫn có nhiều “sạn”, vẫn là motip làm phim chiến tranh cũ, với công thức gian khổ - bom đạn - hy sinh - chủ nghĩa anh hùng tập thể - tình yêu trong chiến tranh…
Cách “kể” vẫn bị lặp lại nhiều, không có điểm nhấn tạo sự xúc động, ám ảnh, chưa có sự đột phá trong làm phim chiến tranh để thấy có một phim chiến tranh hoàn toàn mới mẻ.
Giám khảo là người quyết định?
Ai cũng hiểu, Ban giám khảo(BGK) là quyền lực tối cao định đoạt số phận của phim đoạt BSV, cho dù phim có thể có những “điều tiếng” trong công chúng và giới truyền thông, bởi BGK luôn đúng với những lý do của riêng họ.
Nhìn vào thành phần của BGK Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 lần này, với đại đa số là những người lớn tuổi, không có một gương mặt nào trẻ (dù là ở độ tuổi 40), thì rất khó cho một sự đột phá táo bạo để BSV vào một phim có hơi thở đương đại, cho dù có khá nhiều phim do đạo diễn trẻ làm và phần lớn phim làm ra dành cho công chúng trẻ.
Phần khác, trong BGK lại không có một nhà phê bình lý luận điện ảnh chuyên nghiệp nào, để có khả năng phân tích một cách chính xác những ưu - khuyết của phim, mà chỉ là những người có kinh nghiệm trong từng vai trò của mình trong điện ảnh, như: NSND - Đạo diễn Đào Bá Sơn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch BGK, nhà văn Chu Lai, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, đạo diễn Hồ Quang Minh, nhà quay phim Phạm Thanh Hà, nhà giáo ưu tú Nguyễn Trung Phan, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, NSND Lan Hương, đạo diễn âm thanh - đại tá Hoàng Anh.
Có thể hiểu ngầm, BGK sẽ chọn phim theo cảm tính nhiều hơn, chọn phim có sự “an toàn”, có ý nghĩa giáo dục tư tưởng nhiều hơn là mạo hiểm cho một phim mang tính giải trí thị trường, cho dù về phần “nghề” có thể tốt, bởi LHP quốc gia không phải là giải nghề nghiệp như Cánh Diều.
23 phim nhựa tranh giải Bông Sen Vàng
-Phim hài hoặc phim được liệt vào “thảm họa” có thể chỉ là góp vui chiếm 10 phim: Đam mê, Hello cô Ba, Hit: Hoàng tử và Lọ lem, Mùa hè lạnh, Ranh giới trắng đen, Săn đàn ông, Yêu anh! Em dám không?, Hiệp sĩ guốc vông, Giấc mộng giàu sang, Cát nóng.
-Ba phim chưa được chiếu cho truyền thông và công chúng: Sau ánh hào quang- Lê Hữu Lương, Khùng- Đỗ Mai Nhất Tuấn, Và anh sẽ trở lại- Đinh Tuấn Vũ
- 10 phim nặng ký: Những người viết huyền thoại, Scandal - Bí mật thảm đỏ, Dành cho tháng 6, Đường đua, Thiên mệnh anh hùng, Lửa Phật, Lạc lối, Nhà có 5 nàng tiên, Lấy chồng người ta, Cưới ngay kẻo lỡ.