May sao lại đủ duyên xem Những người khốn khổ trình diễn trực tiếp tại Nhà hát Lớn Hà Nội hẳn hoi. Suất thứ 8 của đợt diễn thứ hai (đợt đầu cuối tháng 11 năm ngoái), khán phòng vẫn kín chỗ. Sẽ còn đợt tiếp vào tháng Tư tới cho cơn khát nhạc kịch Broadway của khán giả Hà Nội và cả nước nói chung. Có vài người tôi biết đã bay từ TPHCM ra Hà Nội để xem vở này.
Ngạc nhiên đầu tiên là các nghệ sĩ hát hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sẽ rất tiện với những ai đã xem (nhiều lần đến thuộc) vở này rồi. Còn tôi thì vẫn phải tranh thủ liếc lên màn hình phụ đề tiếng Việt ở trên cao. Phát âm tiếng Anh của các nghệ sĩ thì phải hỏi người bản ngữ chứ tai tôi nghe khá ổn. Nói chung nghe tiếng Anh hay Pháp thì vẫn hay như thường, nhưng tôi vẫn muốn được trải nghiệm một phiên bản tiếng Việt để có thể thoải mái thâm nhập không gian nghệ thuật tác phẩm, cũng như chiều sâu cảm xúc của nhân vật. Và tôi tin các nghệ sĩ cũng chia sẻ mong muốn ấy.
Dù sao bản gốc của vở vẫn là tiếng Pháp, và nó đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Bao gồm cả tiếng Việt, trong khuôn khổ vở tốt nghiệp cuối 2017 của đạo diễn trẻ Trần Minh Tuấn tại trường SKĐA TPHCM. Từ vài trang kịch bản được MC Nguyễn Minh chia sẻ, tôi thấy bản dịch khá ổn: “Trong tim tôi mong ngày kia anh đến/Hai ta chung đôi cùng xây đắp ngày mai/ Nhưng mơ bao nhiêu chỉ là mơ ước/Mưa giông ngang qua ta đã phải chào thua…” (trích đoạn Tôi mơ một giấc mơ của Fantine). Điều thú vị là bản này do các diễn viên kịch cứng cựa như Đại Nghĩa, Vân Trang, Công Dương… thể hiện. Chắc hẳn sẽ là một sự tò mò lớn với công chúng nếu nó được công diễn.
Trở lại Những người khốn khổ tại Hà Nội, người bạn đi cùng tôi - một giọng thính phòng có thương hiệu - khẳng định nghệ sĩ ta nhìn chung hát còn hay hơn nhiều phiên bản nước ngoài. Bởi nước ngoài vẫn lựa chọn diễn viên trình diễn nhạc kịch hiện đại (musical) dựa trên cả các kỹ năng múa, diễn xuất, thậm chí ngoại hình. Còn diễn viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam nếu không phải opera xịn thì giọng cũng thuộc hàng tinh tuyển.
Và bất ngờ tiếp theo với tôi chính là giọng hát của các diễn viên. Nếu ở Rock Symphony - một dự án kết hợp chơi các hit pop rock cùng dàn nhạc giao hương gây tiếng vang năm trước, các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch còn đang phát lộ tiềm năng nhạc nhẹ thì ở vở này, nhiều người đã thực sự chín. Những vai khó như Jean Valjean hay Fantine đòi hỏi ca sĩ phải diễn bằng nhiều loại giọng khác nhau, trong và ngoài khuôn khổ opera. Có thể gây khó cho nghệ sĩ nhưng lại cực kỳ dễ chịu với khán giả. Chả thế mà cả thế giới say mê Broadway nói chung, Những người khốn khổ nói riêng.
Nghe nhạc kịch kiểu musical thú vị ở chỗ có nhiều loại kỹ thuật thanh nhạc vốn không cùng hệ nhưng lại đứng chung sân khấu. Chẳng hạn Thanh Bình trong vai Jean Valjean khá cổ điển mực thước như tính cách đàn ông từng trải, trong khi Lê Phác Marius vẫn giữ chất pop pha RnB trong trẻo đúng kiểu thanh niên đang tuổi yêu. Ngô Hương Diệp có thể coi là ngôi sao của đêm diễn khi phô diễn được chất giọng dầy, sâu, hút truyền tải đủ nỗi niềm nhân vật. Nói chung khi các nghệ sĩ opera chuyển sang hát pop với sự hỗ trợ của tăng âm thì sao nhạc nhẹ cũng phải nghe ngóng đấy!
Tôi đồ rằng những người đang hát vở này trên sân khấu kia thực sự là “những người sung sướng”. Được hòa nhập vào dòng chảy của nghệ thuật hiện đại, được thể nghiệm những kỹ năng mới. Sướng nhất là được khán giả hưởng ứng rút ví chứ không phải hạ cố cầm vé mời đến lấp chỗ trống. Một điều trước đây là xa xỉ với những nghệ sĩ chọn con đường thính phòng nhạc kịch nay đã thành hiện thực. Chưa kể trong mùa vẫn COVID này, niềm hạnh phúc đó còn được nhân lên. À mà khán giả cũng có thể được xếp vào thành phần khá sung sướng đấy, vì tầm này nhiều nơi trên hành tinh ra đường cũng khó.
Hết vở rồi, nghệ sĩ chào xong rồi, khán giả vẫn kiên nhẫn ở lại. Và thế là một hồi Do you hear the people sing (Anh có nghe tiếng dân chúng hát) và One day more (Một ngày nữa) lại vang lên trong sự sung sướng của đôi bên. Không hẳn musical tổng hòa nhiều thứ nghệ thuật dễ xem, dễ nghe, dễ cảm là vị cứu tinh của những đơn vị đặc thù như các nhà hát ca vũ kịch mà hình như thời của sân khấu lớn đã đến. Từ ballet kinh điển như Hồ thiên nga, Kẹp hạt dẻ cho tới Kiều hay Rock Symphony đều được đón nhận nồng nhiệt thời gian gần đây. Thêm nữa, những trải nghiệm gián tiếp dù qua hệ thống nghe nhìn tối tân đi chăng nữa cũng không thay thế được trực tiếp tại nhà hát. Bõ công các nghệ sĩ bấy lâu rèn nghề giữ nghiệp.