Nghệ sĩ đa tài
Trong căn nhà nhỏ trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân), ông Hoài Minh Phương (tên thật Nguyễn Thế Minh) ngồi trên chiếc ghế sofa cũ, xung quanh là các hộp sơn đủ màu cùng cọ vẽ… Đây là nơi họa sĩ làm nghề vẽ bảng hiệu cho những khách hàng có nhu cầu.
Khi chúng tôi nhắc đến chuyện nghề, đôi mắt họa sĩ già như bừng sáng, giọng tươi vui ôn lại mối duyên vẽ bảng hiệu mà có lẽ chính ông cũng không ngờ. Ông tâm sự, ông vốn mê thơ và thích hội họa. Bằng chứng là tấm bảng hiệu được vẽ cách điệu trước nhà, trên đó có bài thơ do ông tự sáng tác: “Nghề vẽ mưa lạnh ướt vai em/ Xao xuyến hồn anh trọn nỗi niềm/Tình nhớ trong mưa chiều kỷ niệm/ Ngậm ngùi nghe nát vỡ con tim”. Ông dí dỏm khoe, nhiều bài thơ đã được gửi đăng báo, rồi cũng nhờ cái tính nghệ sĩ nên “cưa đổ” cô gái xinh đẹp về làm vợ.
“Có lần đi trên đường, tôi cảm thấy vui và xúc động lắm khi nhận ra một bảng quảng cáo mình vẽ cách đây chục năm về trước, nhận ra bởi vì vẽ bằng cọ luôn mang đậm một chất riêng, độc đáo, bền bỉ hơn so với dán bằng decal và nét vẽ của mình thì không thể lẫn được. Mình nhận vẽ cho khách mà họ hài lòng, tấm tắc khi cầm bảng hiệu cũng đủ để người làm nghề sung sướng cả tuần”.
Họa sĩ Hoài Minh Phương bộc bạch
Ngày ấy, khi đang học lớp 8, ông Phương được họa sĩ Hoa Huệ nhận làm học trò. Sau đó, ông còn theo họa sĩ Vũ Trọng Hợp để tiếp tục học hỏi và nuôi ước mơ trở thành họa sĩ. Sau năm 1975, do thời cuộc đưa đẩy, chàng thanh niên có tới 9 hoa tay ấy đã đi theo con đường vẽ chữ nghệ thuật trên biển hiệu để mưu sinh. “Lúc mới ra lập cửa tiệm này, hầu hết người ta chỉ biết bút danh Hoài Minh Phương khi tôi làm thơ. Từ đó, cái tên này trở thành tên tiệm tới nay” - họa sĩ bộc bạch.
Dù được đào tạo về mỹ thuật nhưng ông Phương thừa nhận, chưa bao giờ được chỉ dạy bài bản về nghệ thuật chữ hay thư pháp. Để có thể vẽ được những biển hiệu quảng cáo đẹp mắt và độc đáo, ông Phương tự học cách viết chữ nghiêng, sau đó sáng tạo với những thể nghiệm riêng của bản thân. Sau khi đã thành thục với các kiểu vẽ chữ cơ bản, ông nghiên cứu thêm cách đi nét dựa trên mẫu chữ “chân phương” trong sách chữ đẹp.
“Khi vẽ tay, tôi phải thực sự hiểu về khoảng cách chữ và cấu trúc của những con chữ. Điều quan trọng nhất nằm ở tư duy nghệ thuật của người họa sĩ. Bố cục và kiểu chữ phải có sự tương xứng, thế mới đẹp được” - ông Phương chia sẻ bí kíp về nghề.
Sống với nghề xưa
Để hoàn thành xong một bảng biểu quảng cáo, người họa sĩ phải thực hiện nhiều công đoạn. Bảng hiệu thường bằng gỗ hoặc nhôm. Đầu tiên, người thợ dùng sơn trắng để lót bề mặt tấm bảng. Khi sơn lót khô, họ dùng phấn hay bút chì kẻ chữ, phác thảo hình ảnh lên bề mặt bảng rồi bắt đầu tô sơn vào hình vẽ và chữ đã được kẻ sẵn. Mỗi biển hiệu sau khi vẽ xong ông đều xịt lên một lớp sơn chống gỉ, nên những bảng hiệu như thế có tuổi thọ lên đến 5 - 7 năm.
Vừa trò chuyện, ông vừa thị phạm với chúng tôi bảng vẽ còn dang dở. Ông cẩn thận dùng thước đo để tạo khung chữ. Đôi tay người họa sĩ già run run nhưng khi cầm cọ, đi những nét tạo hình lại vô cùng chắc chắn, mạnh mẽ. Từng con chữ nghiêng nghiêng hay đổ bóng dần hiện ra. Công việc này kéo dài cả tuần và có thể hơn tùy theo kích cỡ lớn, nhỏ của bảng hiệu. Những nét vẽ của ông luôn theo lối “cổ”. Với ông, đó không chỉ là hình vẽ, chữ vẽ mà còn là một góc hồn của Sài Gòn xưa.
Trước đây, ai muốn mở tiệm kinh doanh phải có tấm bảng nền vàng, chữ đỏ treo ở phía trước. Lúc đó, công việc của ông đắt khách đến mức chỉ ngủ 4 tiếng/ngày. Lượng khách đặt bảng hiệu có khi hẹn đến một tháng sau mới lấy. Còn bây giờ, có tháng hầu như chẳng có ai đến đặt bảng. Hơn 2 năm qua, dịch bệnh càng làm công việc thêm khó khăn hơn - ông Phương ngậm ngùi.
Dẫu đã có những ngày khó khăn đến mức phải lấy cháo thay cơm, nhưng trong 50 năm gắn bó với nghề, ông chưa bao giờ nghĩ tới việc từ bỏ nghề vẽ đã nuôi sống cả gia đình mình. “Nghề nào cũng có một thời hoàng kim. Theo thời gian, cái gì cũng phải thay đổi, qua đi. Tuy nhiên vì yêu nghề, yêu cái màu thời gian, tôi vẫn muốn gắn bó với việc vẽ bảng hiệu thủ công dù gặp vô vàn khó khăn. Nhưng giờ, nếu không được làm nghề thấy bứt rứt lắm” - lão họa sĩ nói như trút tâm can.
Dẫu là dân Sài Gòn nhưng tới giờ, gia đình ông Hoài Minh Phương với 6 người, gồm 3 thế hệ vẫn ở nhà thuê với giá 5 triệu/tháng.
Thả hồn trong nét vẽ
Đã có một thời gian dài tinh thần ông xuống dốc do không tìm được người nối nghiệp. Gần đây, anh Nguyễn Thế Quang, người con trai thứ 3 của ông đã quyết định theo nghề làm bảng hiệu và chịu học nghề khiến ông Phương vui khôn xiết. “Trước, tôi làm công việc khác nhưng thấy ba mẹ đã lớn tuổi, tôi muốn ở gần chăm sóc nên theo nghề ba luôn từ đó, cũng là cách giữ cái nghề mà ba mình đã gắn bó suốt cuộc đời” - anh Quang tâm sự.
Đang trò chuyện, chị Thu Trang, chủ tiệm cà phê Sài Gòn Nhớ ở tận quận 4 tìm đến đặt ông Phương làm thêm bảng hiệu cho quán: “Tôi cải tạo quán cà phê theo phong cách xưa, từ bảng hiệu đến menu, hình vẽ trong quán đều được vẽ tay. Dù các dịch vụ bây giờ có thể in bảng hiệu, đổ bóng theo lối xưa nhưng không có hồn. Trong khi những bảng hiệu của bác Phương đều được vẽ bằng tay, tác phẩm có độ bền chắc cao và người vẽ luôn tỉ mỉ trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất nên tôi rất vừa ý”.
Người họa sĩ già cho rằng, dù suy hay thịnh thì vẽ cọ sẽ cho người ta cảm giác gần gũi, chân thật và mỗi họa sĩ sẽ truyền tải một đường nét, thần thái riêng nên không lẫn vào đâu được. Theo ông, nghề vẽ cọ đang có chiều hướng quay lại, độ “phủ sóng” của kiểu bảng hiệu này ngày càng dễ bắt gặp hơn. Cũng như thời kỳ thịnh vượng nhất, hình ảnh, kiểu chữ bay bướm tùy theo “gu” của chủ cửa tiệm qua đôi tay điệu nghệ của người vẽ đã tạo nên nét đẹp khó lẫn vào đâu được của những tấm bảng hiệu vẽ tay.