> Giàu lên từ Hoàng Sa, Trường Sa
> Thương nhớ Hoàng Sa
Thiếu nữ vượt sóng
Hơn 50 tuổi, đôi vai bà Xu u lên, khuôn mặt rạm đen, lòng bàn tay chai sần- dấu tích của hàng chục năm đằng đẵng mưu sinh trên biển. Khắp làng chài Nghĩa An, bà Xu nổi tiếng là nữ ngư phủ kỳ cựu và duy nhất bám biển xa khơi. “Ở đây phụ nữ theo chồng đánh rập, đi biển gần bờ cũng có. Nhưng chẳng mấy chị em ngại vươn khơi. Đời mình, nghiệp biển nó vận rồi, bỏ không được”, bà Xu nói.
Gia đình truyền thống ngư phủ, cha Xu mong đứa con trai nối nghiệp nên sinh tới 13 chị em. Cuộc sống khó khăn, lần lượt các chị em qua đời. Xu là con thứ 8, gắn liền “thương hiệu” Tám Xu, còn “sót” lại với một chị, em gái và anh trai. Hơn chục tuổi, Xu có tướng tá to lớn khác người, dáng vẻ chắc khỏe nên một ngày giữa hạ, cha Tám Xu dắt con ra phía biển rồi rủ lên ghe, lo việc cơm nước, phụ thả lưới, móc câu, chèo ghe...
Chuyến biển đầu, Tám Xu như chết vật. Con sóng sốc ghe nhỏ chòng chành, Tám Xu nôn thốc, tái mét. Nhưng chỉ 2-3 lần, Xu quen dần, đảm đương công việc phụ trợ trên thuyền.
“Có đêm mưa lớn, thấy cha hì hục kéo từng sải lưới. Thương cha, tui tới kéo dùm. Lần đầu nhưng tui kéo điêu luyện, nhanh và gọn hơn cha nên ông gật đầu cho tôi làm thuyền viên mới”, Tám Xu kể. Lúc đó Xu trạc 15-16 tuổi. Cái tin Xu đi biển khiến nhiều người ngạc nhiên. Dọc làng chài, hiếm phụ nữ vượt sóng. Nhiều cánh trai trẻ hiếu kỳ xin theo ghe Tám Xu nhưng đều bị ngư nữ này ăn đứt ở khả năng kéo lưới, chèo thuyền.
Hỏi chuyện khó nhất với phụ nữ đi biển, bà Tám Xu tắc tủm cười: Thì chuyện tắm giặt, vệ sinh chứ đâu. Cánh đàn ông với nhau thì dễ rồi. Chứ mình phụ nữ nhiều thứ bất tiện lắm. Có điều, họ biết ý tạo không gian riêng cho mình. Bà Thành bảo: sợ nhất cái ngày “cữ” của chị em, nhiều người không để ý, ra gặp sóng là chỉ còn nước nhược người.
Các ngón nghề trên biển, hầu hết bà được cha truyền lại. Những năm tháng ấy, bà Xu thông thạo luồng lạch cá và tọa độ đánh bắt. Không ít chuyến biển, bà một mình lên cabin tự tay lèo lái. Ngày cha mất, bà Xu một tay cáng đáng cả gia đình, nối nghiệp ngư phủ. Tám Xu xin đi bạn các ghe thuyền lớn. “Chuyến biển nhanh thì vài ba ngày, có khi kéo dài hơn tuần lễ. Những ngày đầu phương tiện đánh bắt thô sơ, mọi người đi chủ yếu bằng kinh nghiệm. Thấy tôi tháo vát, nhiều tàu mời đi cùng”, bà Xu nhớ lại.
Tuổi xuân sắc Tám Xu trôi theo con sóng. Lúc ngoảnh lại, cập kề 30, Xu vò võ một mình. Một thanh niên làng bên đi biển cùng Xu cảm phục, ngỏ lời yêu. Hạnh phúc chưa trọn, trong lần theo ghe vào tận vùng biển Ninh Thuận đánh bắt, anh chồng lạc giữa tâm bão, bỏ mạng. Xu lại một mình một cảnh, nuôi con mọn. Hết đi ở đợ giúp việc nhà cho người dân quanh vùng, Tám Xu lại quay về với biển.
“Tui tính bỏ nghề mấy lần, nhưng không bỏ được. Quen sóng nước, lên bờ lâu thấy nhớ”, bà Xu nói. Từ đó, Tám Xu gắn miết với biển. Đánh lưới mành, Tám Xu bắt cá nục, kéo cá cơm, theo bạn tàu đi đánh bắt dài ngày trên biển...
Ông Nguyễn Trung (45 tuổi), ngư dân xã Nghĩa An bảo: “Ban đầu thấy bà Xu đi biển cùng, cánh anh em tôi ngại ngại. Chuyện phụ nữ lên tàu xui nhiều hơn may. Nhưng rồi đi với bà vài chuyến, chuyến nào cũng lời to. Bình thường toàn cánh đàn ông trên tàu, hết giờ đánh bắt là buồn thúi ruột. Có bà í tán gẫu dăm ba câu, cả tàu thêm vui, khí thế”.
Bà Xu trần tình: Được cái phụ nữ kiên trì, ít nản lòng. Những chuyến lỗ, mình động viên bạn tàu cứ gắng gỏi, biển cả sẽ không phụ lòng. Theo mẹ, cậu con trai Tám Xu Nguyễn Ngọc Tĩnh (26 tuổi) gần chục năm nay bám biển mưu sinh. Tĩnh đi bạn tàu lớn đánh bắt ngang dọc vùng biển phía Bắc nghề câu mực, cá ngừ.
“Tài công” làng ngư nữ
Sáng sớm. Bến cá làng chài Sơn Trà (Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi) rộn rã. Bà Huỳnh Thị Thành (59 tuổi) thức dậy từ 3 giờ, tất tả chuẩn bị hành lý gồm khăn, nước uống, cơm đùm lên ghe nhỏ rồi rồ máy phóng ra biển. Trọn buổi đến xế chiều bà Thành rải lưới, kéo bắt vùng biển cách bờ vài ba hải lý. U60, từng đường lưới bà Thành vẫn thành thạo, chắc chắn. “Bữa ni già rồi, tui không dám ra xa. Ngang dọc vùng biển này, chẳng chỗ nào tôi chưa từng đặt chân tới”, bà Thành nói.
Hơn 40 năm qua, bà Thành nổi tiếng là người phụ nữ đầu tiên trong làng bám biển. Theo chân bà, hàng chục chị em bỏ bờ vươn khơi, thành làng ngư nữ nức tiếng nơi cửa biển Sa Cần.
Năm mới 15 tuổi, thấy ba là ông Huỳnh Thế cùng bốn người đàn ông trong làng chuẩn bị ra ghe, Thành rỉ tai ba xin đi theo. Mắt tròn mắt dẹt nhìn con ngạc nhiên, nhưng ông Thế gật đầu xem thử. Không ngờ, chuyến đầu con gái mới lớn chinh phục cánh ngư phủ lão luyện bởi khả năng chịu sóng, kéo lưới nhanh nhẹn, thành thạo. Ngỡ cho con theo vài chuyến cho vui, ai ngờ nghiệp biển gắn miết với Thành từ đó. Nhiều lúc, Thành thay cha quay máy, điều hành cả ghe lớn, thả kéo lưới, lặn mười mấy sải dưới nước...
“Tui đi được vài ba năm, thì ba cho lên lái thử. Nói thiệt, lúc đó mình vừa mừng vừa lo. Xưa nay ai dám cho đàn bà phụ nữ lên cabin cầm lái. Cánh đàn ông coi đó là tối kị, sợ không dám đi. Nhưng cha thuyết phục bạn tàu. Tôi cũng muốn thử sức mình. Cứ thế, mỗi ngày ổng lại truyền thêm nghề biển cho tôi”, bà Thành nhớ lại. Sau đó, bà Thành lên chức tài công (lái ghe, thuyền trưởng). Làng chài cả trăm chiếc ghe thuyền, nhưng chỉ ghe Huỳnh Thế có nữ thuyền trưởng.
Thấy Thành đi biển, chị em làng chài Sơn Trà rục rịch xin theo. Thành nhiệt tình truyền vẽ cách chống say, lái ghe, thả lưới, dò luồng lạch cá... Dăm ba chị em trên tàu say sóng bí tỉ, Thành tỉnh bưng.
“Chị em làng chài này có được truyền thống nghề biển như hôm nay, công lớn nhờ chị Thành”, chị Trần Ly (45 tuổi) chia sẻ.
Hơn chục năm trước, trong lần thả lưới vùng biển Bình Sơn, bà Thành gặp gió lớn, thổi thốc tận biển Quảng Ngãi. Bà Thành cố lách ghe theo hướng gió, tấp vào trụ neo, chờ chục tiếng đồng hồ cho sóng lặng, rồi nổ máy vào bờ.
Có lần thả ghe vùng biển xã Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam), thuyền, bà Thành bị nước tạt ngập nửa ghe. Cả cánh đàn ông, phụ nữ trên tàu hoảng loạn, bà Thành bình tĩnh chỉ huy mọi người tốc lực tát nước khỏi ghe, cứu đắm. Gần tiếng sau, chiếc ghe trồi cao lên mặt nước, thoát nạn...
Năm 1974, chồng mất, ghe hỏng, khó khăn cùng quẫn, bà Thành từng tính chuyện bỏ biển, nhưng rồi “quen đường cũ”, bà lại đạp sóng, vươn biển.
“Bình thường mỗi ngày tôi đánh bắt gần chục tiếng. Làm riết, nó quen. Mùa biển thuận lợi, được vài trăm nghìn một chuyến. Nhưng nhiều lúc trắng tay. Một số chị em thấy khổ, nghỉ biển. Làng ngư nữ không còn khí thế như xưa. Lắm lúc đánh bắt giữa đêm trăng sáng vằng vặc, nhìn biển đẹp mê hồn mà lòng thêm trống trải”, bà Thành bộc bạch.
Thân cò giữa đêm sóng
Làng chài Thuận Phước (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) giờ nhường chỗ cho những khu đô thị, công trình cao ốc, thương mại nhưng vẫn còn hàng chục phụ nữ theo chồng, trai tráng mưu sinh biển đêm. 57 tuổi, bà Nguyễn Thị Liên (tổ 37, P.Thuận Phước) có hơn 30 năm lênh đênh đánh bắt trên biển. Hết đi gần bờ, bà theo tàu lớn ngang dọc vịnh Đà Nẵng đánh bắt cá vài ba ngày trời.
“Mình làm biển, rồi lấy chồng nghề biển. Cả gia đình giờ cũng theo nghề biển luôn. 3 đứa con lập gia đình riêng cũng đóng tàu ra biển”, bà Liên bảo.
Theo chị Trần Thị Toan, nữ ngư phủ làng chài Thuận Phước, đàn bà đi biển là chuyện thường ngày ở phố thị này. Cả phường có vài chục tàu công suất lớn, riêng phụ nữ đi biển không dưới 20 người. Gần 20 năm quăng quật “thân cò” giữa biển đêm, chị Toan nếm đủ thăng trầm nhưng vẫn đầy nghị lực.
“Có lúc tưởng mình bỏ mạng do gặp sóng lớn. Nhiều đêm trắng tay. Đời ngư phủ cơ cực nhưng bù lại cũng có khi trúng lớn. Xây được căn nhà, con cái được ăn học cũng nhờ biển cả”-chị Toan nói.