Những ngôi chùa tại Trường Sa
> Hào sảng lính đảo Trường Sa
> Xây cột cờ Tổ quốc trên đảo Lý Sơn
> Quân dân Trường Sa vì chủ quyền đất nước
Từ xa xưa, trên các đảo giữa Biển Đông của nước ta, đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên để cầu Trời, khấn Phật phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Trên cơ sở tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người xưa, ba ngôi chùa đã được tôn tạo là Chùa Song Tử Tây, Chùa Sinh Tồn và Chùa Trường Sa Lớn.
Chùa Song Tử Tây
Chùa tọa lạc trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo xa nhất trong Quần đảo Trường Sa, là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa.
Chùa Song Tử Tây được xây dựng theo phong cách truyền thống, có tam quan hai tầng tám mái, chính điện ba gian hai chái, hai nhà tả hữu vu, vườn chùa trồng nhiều loại cây đặc sản của Trường Sa như cây phong ba, cây bàng vuông.
Chùa Song Tử Tây, hợp với ngọn Hải đăng và Tượng đài Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo, thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, dân sinh, tâm linh và lịch sử, tiêu biểu, thuần túy Việt Nam trên biển Đông.
Chùa Sinh Tồn
Chùa Sinh Tồn nhỏ hơn chùa Song Tử Tây, tọa lạc sát cạnh khu dân cư trên đảo Sinh Tồn, có diện tích khoảng 500m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng điển hình đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, một gian hai chái, tường bao trổ hoa, và vườn chùa xinh xắn, với những cây phong ba, cây bồ đề được trồng trong sân chùa.
Chùa Trường Sa Lớn
Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc giữa khu trung tâm thị trấn Trường Sa, trên đảo Trường Sa lớn, khuôn viên chùa khá rộng, vuông vức.
Qua sân chùa và vườn chùa là tòa chính điện một gian hai chái, mái cong, có đầu đao. Phật điện chùa Trường Sa Lớn có pho tượng Phật bằng đá quý mầu trắng, gốc là Phật ngọc chùa Vàng ở Myanmar, là món quà của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại nhà chùa.
Đặc điểm chung của những ngôi chùa trên Quần đảo Trường Sa là đều hướng về thủ đô Hà Nội, xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian hai chái, hay ba gian hai chái, mái cong có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển.
Phật điện được trần thiết uy nghi với những pho tượng được chế tác công phu bằng đá quý và gỗ quý. Cửa võng, hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng; viết bằng chữ quốc ngữ.
Cùng với điện thờ Phật, các ngôi chùa ở Trường Sa đều có các ban thờ Anh hùng, Liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Những câu đối ở các chùa trên Quần đảo Trường Sa đều mang ý nghĩa sâu sắc, như: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ”; “Cá đọc kệ được thành tiên/ Rồng nghe kinh mà mộ đạo”; “Mây lành che Đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”; “Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/ Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh”… đã thể hiện chủ quyền thiêng liêng của người Việt.
Đối với những người có mặt trên đảo, cũng như với cả dân tộc ta, biển đảo là một phần đất nước linh thiêng từ nghìn xưa, có Trời, Phật, Thánh, Thần bảo hộ, che chở.
Được giới thiệu qua cuốn sách ảnh “Chùa Việt Nam” của các tác giả: Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long, biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm, những ngôi chùa trên Quần đảo Trường Sa không chỉ biểu hiện các tín ngưỡng truyền thống của người Việt ở vùng xa xôi này của đất nước, mà còn thể hiện tình yêu nồng nàn của nhân dân cả nước với đồng bào và thiên nhiên của vùng đất đầu sóng ngọn gió này, gắn liền với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Nguyễn Văn Kự
Nhân Dân