Su-57 một chỗ ngồi, hai động cơ kết hợp các chức năng của máy bay cường kích và máy bay tiêm kích, sử dụng công nghệ mới, kết hợp với cấu hình khí động học để đảm bảo rằng nó có mức độ phản xạ radar và tín hiệu hồng ngoại thấp. Trong khi đó, với nhiều loại vật liệu composite, Su-57 có khả năng bay siêu âm. Với những tính năng trên, tiêm kích thế hệ năm của Nga rất nhanh và dường như khó theo dõi.
Rostec, tập đoàn công nghệ cao của Nga, cũng nhấn mạnh rằng Su-57 được trang bị thiết bị vô tuyến-điện tử tiên tiến nhất, bao gồm một máy tính được mô tả là "phi công thứ hai", hệ thống radar được bố trí trải khắp thân máy bay.
Ngoài tốc độ cao và tín hiệu phản xạ radar thấp, Su-57 là một máy bay được trang bị tốt và có khả năng chiến đấu cao.
Trong Triển lãm Hàng không MAKS tháng 8/2013 ở ngoại ô Moscow, nhà sản xuất đã giới thiệu các nền tảng vũ khí của chiếc tiêm kích tàng hình này bao gồm các loại tên lửa có thể được lắp vào khoang chứa vũ khí lớn bên trong thân hoặc treo dưới cánh và thân.
Sukhoi Su-57 có hai khoang chứa vũ khí bên trong lớn được bố trí song song, chạy gần hết chiều dài máy bay. Mỗi khoang này có thể mang tới 4 tên lửa dẫn đường bằng radar K-77M. So với phiên bản trước đó của K-77 (NATO định danh là AA-12 Archer), tên lửa K-77m có kích thước lớn hơn và hoạt động bằng radar quét mảng điện tử, cho phép bắt bám mục tiêu rất nhanh ở khoảng cách lên đến 160km. Máy bay cũng mang theo một cặp tên lửa dẫn đường hồng ngoại tầm ngắn K-74M2 dưới cánh.
Cũng có thông tin cho rằng Su-57 sẽ được trang bị các biến thể mới của loại tên lửa không - đối - không tầm trung Vympel NPO R-77.
Cho đến nay, khoảng hơn một chục chiếc Su-57 đã được sản xuất trong đó có 10 nguyên mẫu / thử nghiệm. Vào tháng 11, Tass đưa tin rằng Bộ Quốc phòng Nga sẽ nhận các máy bay được sản xuất hàng loạt và sẽ nhận thêm 4 chiếc nữa vào năm tới.
Tỷ lệ giao loại máy bay chiến đấu mới dự kiến sẽ tăng lên 15 chiếc mỗi năm với 76 chiếc được giao cho quân đội Nga vào năm 2028.
Nga cũng đã tiến hành bay thử động cơ giai đoạn hai của Su-57, có tên mã là Item 30, cho phép máy bay chiến đấu này bay với tốc độ siêu âm mà không cần sử dụng thiết bị đốt sau. Các động cơ mới sẽ được sản xuất nối tiếp tại Hiệp hội Sản xuất Động cơ UEC-Ufa - một phần của tập đoàn United Engine Corporation thuộc Rostec.
Việc phát triển dòng máy bay Su-57 không phải là không có vấn đề. Vào tháng 12/2019, một chiếc Su-57 rơi và phát nổ trong một buổi huấn luyện ở vùng Viễn Đông của Nga. Máy bay này được cho là chiếc Su-57 đầu tiên trong lô máy bay được sản xuất hàng loạt, dự kiến chuyển giao cho Không quân Nga cùng tháng đó.
Vào tháng 8/2020, tại Diễn đàn Kỹ thuật và Quân sự Quốc tế Army-2020, phiên bản xuất khẩu Su-57E của dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này đã được trình diễn lần đầu tiên. Các nhà khai thác nước ngoài tiềm năng bao gồm Algeria và Ấn Độ, nhưng cũng đáng chú ý là có cả Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã bị Mỹ đưa ra khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu tấn công Lockheed Martin F-35 Lightning II vì mua hệ thống phòng không S-400 do Nga chế tạo.