Ngày nay, bột ngọt được sản xuất từ những nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên như mía, sắn, ngô, củ cải đường... thông qua phương pháp lên men tự nhiên bằng vi sinh vật (tương tự như phương pháp dùng để sản xuất bia, giấm, sữa chua, nước tương). Tại Việt Nam, hai nguyên liệu chính dùng để làm bột ngọt là mật mía đường và tinh bột sắn (khoai mì).
Bột ngọt mang đến vị umami (còn gọi là vị ngọt thịt, vị ngọt từ đạm thực phẩm), giúp nối kết và hài hoà các vị khác nhau trong món ăn. Chính vì vậy, đây là gia vị phổ biến không chỉ trong bếp ăn gia đình mà còn trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn băn khoăn về việc sử dụng bột ngột sao cho hợp lý bởi một vài thông tin cho rằng dùng quá nhiều bột ngọt có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Vậy chúng ta cần sử dụng bột ngọt thế nào cho hiệu quả, lượng dùng bao nhiêu thì vừa đủ và nêm gia vị này vào món ăn khi nào là tốt nhất? Căn cứ theo khoa học và các tài liệu chính thức từ các tổ chức y tế trên thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Uỷ ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu (EC/SCF), Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ (FDA); liều dùng bột ngọt hàng ngày ADI (acceptable daily intake) là “không xác định”. Theo Bộ Y tế Việt Nam, thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012, bột ngọt nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm và cũng không quy định liều dùng hàng ngày.
Bột ngọt không phải là dưỡng chất, mà chỉ là gia vị.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, cần phải hiểu rằng bột ngọt không phải chất thiết yếu mà mỗi ngày cơ thể cần phải ăn cho đủ. Bột ngọt không phải là dưỡng chất, mà chỉ là gia vị. Vì thế, để món ăn ngon và đậm đà hơn, chúng ta có thể nêm nếm bột ngọt với liều lượng tùy theo khẩu vị của từng người. Do đó, bột ngọt cũng như những gia vị khác, chúng ta nên sử dụng đúng chức năng chất điều vị với liều lượng dùng phù hợp theo khẩu vị, sao cho món ăn ngon và đảm bảo dinh dưỡng.