Nguyên TBT Lê Khả Phiêu kể:
Anh Mân nói, 20 năm qua, trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, một bộ phận đảng viên thoái hóa biến chất vẫn không giảm, tính chất nghiêm trọng hơn.
Tại ĐH VI của Đảng vào mùa đông năm 1986, trong phần về Xây dựng Đảng có nói: Một số đảng viên, cán bộ phai nhạt lý tưởng. Đến ĐH VII thì nhận định một bộ phận đảng viên, cán bộ thoái hóa biến chất, cũng đã đề ra một số biện pháp.
Rồi tới giữa nhiệm kỳ ĐH VII thì nhận định: Một bộ phận đảng viên, cán bộ thoái hóa biến chất, trở thành 1 trong 4 nguy cơ. Ý anh nói tính chất đã tới mức nghiêm trọng. ĐH VIII tiếp tục làm… ĐH X cũng nêu lại vấn đề này, nhưng vấn đề then chốt là Xây dựng chỉnh đốn Đảng vẫn chưa đạt yêu cầu.
Trong thời gian Đại tướng Chu Huy Mân lâm bệnh trọng, nằm điều trị Quân Y viện 108, nguyên TBT Lê Khả Phiêu đã nhiều lần tới thăm.
Tuy nằm trên giường bệnh, vị tướng tài ba của quân đội, người đảng viên lão thành cách mạng (ông vào Đảng năm 1930) vẫn dành những giờ phút minh mẫn cuối cùng của cuộc đời mình để gửi gắm những ước nguyện tràn đầy tâm huyết cho sự nghiệp của Đảng, vì dân vì nước.
Về tính chất nghiêm trọng của vấn đề, anh phân tích: Tình trạng kéo dài, phổ biến ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp kể cả cấp cao và có cả vấn đề tổ chức cũng thoái hóa.
Cần xác định tính chất rất quan trọng của vấn đề là: Nó phá hoại sức chiến đấu, làm giảm khả năng lãnh đạo, bản chất cách mạng bị biến dạng, uy tín và thanh danh của Đảng bị hạ thấp, cuối cùng đương nhiên hiệu quả lãnh đạo của Đảng và nhà nước bị yếu đi…
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kể tiếp:
Vốn là chỉ huy chiến trường, anh Mân nhắc đi nhắc lại: Đánh giá địch có đúng mới có quyết tâm đúng. Đánh giá đúng bệnh thì mới có quyết tâm chữa bệnh.
Nếu đánh giá không đúng thì không có quyết tâm chữa. Ngay cả cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng nếu đánh giá đúng thì phải làm cho tốt, như một cuộc tấn công, có điểm có diện… có phương pháp, sơ kết tổng kết hẳn hoi và để cho dân góp ý… Muốn làm phải làm kiểu ấy, chứ làm như lâu nay sẽ không đạt kết quả.
Đây là thực hiện mong muốn của Bác Hồ, và cũng là thiết tha chờ đợi của nhân dân. Cuộc đấu tranh này không chết người như cuộc đấu tranh ngoài chiến trường chống quân xâm lược, nhưng gặp khó khăn không nhỏ bởi chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ cản trở thường ngoan cố, tìm thế lực để bao che.
Có lần anh Mân nói với mình: Đấu tranh ra sao đây giữa 2 con người trong 1 con người (mặt tích cực và tiêu cực). Kết quả cuối cùng là ai có đủ lòng tin vào Đảng, vào tổ chức, có bản lĩnh thì người đó sẽ tránh xa được thoái hóa biến chất, đẩy chủ nghĩa cá nhân ra khỏi con người mình để trở thành người cách mạng chân chính, tự nguyện đi theo ngọn cờ cách mạng của Bác Hồ, của Đảng cho đến khi tắt thở.
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu cho biết: Ngày 25/6/2006, tôi đang ở Thanh Hóa thì đồng chí thư ký của anh Mân điện cho tôi, nói là anh Mân muốn gặp tôi, anh cứ sợ tôi về không kịp...
Về Hà Nội, tôi vào thăm anh, đến bên giường anh đang nằm, tôi nắm tay anh, mắt anh mở to và anh nói ngay: “Anh Phiêu đã về, thế là tôi mừng, bệnh của tôi chắc là khó thuyên giảm, những điều tôi nói và thư ký đã viết lại và bản trước hôm 19/5/2006 tôi đã ký, tôi thấy sung sướng, khi mình sắp xa các đồng chí, bạn bè, người thân, mình chỉ còn “lời tâm huyết cuối cùng gửi cho Trung ương”.
Tôi nói chen lời anh: “Thư anh gửi cũng là lời tâm huyết với dân, với đồng chí, đồng đội nữa đấy anh ạ”. Anh Mân cười và nói: “Cảm ơn anh Phiêu”.
Và anh tâm sự: “Tôi được kết nạp vào Đảng tháng 11/1930 và ngày kết nạp đứng dưới cờ Đảng tôi đã tuyên thệ”. Anh đọc cho tôi nghe nguyên văn những lời tuyên thệ đó.
Anh Mân nói tiếp: “Tôi tâm sự với anh và nói lại cái quá khứ và đôi nét quá trình của tôi và anh thông cảm cho”.
Hai bàn tay anh lại nắm chặt hai bàn tay tôi và anh nhắc lại: “Khi tim tôi ngừng đập, xin anh giúp tôi gửi bức thư của tôi tới đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đó là tâm huyết của một lão thành cách mạng gửi lên Đảng và mong Nghị quyết của Đại hội X, trong đó vấn đề xây dựng, củng cố Đảng sẽ đạt kết quả cao nhất”.
Sau đó vài giờ, cơn đau ập tới làm anh không nói được nữa.
Việt Hùng (lược ghi)