Cần sân chơi, sự đồng hành thực sự
Hơn hai năm qua, từ khi dịch COVID-19 diễn ra, khu, cụm công nghiệp được toàn xã hội dồn nguồn lực để bảo vệ, bởi, đây là thành trì kinh tế nhưng lại là nơi có các cá thể dễ tổn thương. Ở đó, công nhân nói chung, công nhân trẻ nói riêng nhận được sự chăm sóc, chạy chữa từ chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên đã nhanh chóng thoát dịch an toàn.
Gần 10 năm làm cho 4 công ty, rành rẽ sướng khổ của đời công nhân, điều anh Nguyễn Ngọc Cương (quê Lạng Sơn, đang trọ tại khu My Điền, thị trấn Nếnh, Việt Yên, Bắc Giang) mong nhất là Nhà nước kiểm soát để DN tuân thủ đúng pháp luật lao động, dần tăng lương, giảm giờ làm. “Tôi muốn có thu nhập ổn định và có thì giờ dành cho gia đình, con cái hay đi xem một bộ phim, một trận đá bóng. Còn bây giờ, làm thêm, tăng ca quần quật cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, tiền tiết kiệm được không đáng là bao” - anh Cương nói.
Không mặn mà thành lập các tổ chức đại diện cho công nhân ngoài Công đoàn
Bộ luật Lao động năm 2019 có cho phép thành lập các tổ chức đại diện cho công nhân không nằm trong hệ thống của Công đoàn Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Quyết, Chủ tịch Công đoàn các KCN Bắc Ninh cho biết: “Hiện không có doanh nghiệp nào tại Bắc Ninh đề nghị thành lập. Công đoàn hiện nay hoạt động hài hòa, ổn định, mang lại sự tiến bộ cho công nhân và cả doanh nghiệp nên người ta tin tưởng, không muốn thành lập tổ chức khác” - ông Quyết nói.
Anh Lò Văn Thắng, công nhân KCN Vân Trung (Bắc Giang) đến từ tỉnh Yên Bái chia sẻ, anh có hai con nhỏ, phải gửi về quê cho ông bà. Ngày nào, hai vợ chồng cũng nhớ, thương con. Anh mơ ước: “Nhà nước cho xây thật nhiều nhà ở xã hội giá rẻ cho công nhân thuê hoặc mua. Nhà xã hội đó cần có nhà trẻ để chúng tôi đưa cháu về đây nuôi dạy, không phải đi thuê nhà chật chội nữa”.
Có người chỉ cần đoàn hội tạo cho họ một sân chơi, một nơi giải trí sau giờ làm. Như chị Lê Thị Nga, công nhân công ty lắp ráp sạc điện thoại ở Bắc Giang muốn công ty, công đoàn công ty tạo điều kiện cho công nhân đi nghỉ mát, tham gia các hoạt động thể thao, ca nhạc… để cân bằng công việc và cuộc sống.
Sức ép của cơm áo gạo tiền khiến cho công nhân không có thời gian quan tâm đến các hoạt động đoàn thể. Tuy nhiên, khi trao đổi, tâm tình kỹ lưỡng, họ vẫn mong muốn đoàn thể giúp đỡ họ như trên và muốn tham gia trực tiếp vào các đoàn thể. Chẳng hạn, như trường hợp của La Văn Hóa, sinh năm 2000, quê ở huyện Lộc Bình, Lạng Sơn. Hóa kể, em kết nạp Đoàn ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lộc Bình và gắn bó với Đoàn nhiều năm, từng tham gia dọn vệ sinh đường phố, nghĩa trang liệt sỹ... Tháng 2 năm 2020 đến nay, Hóa đi làm công nhân ở Công ty Newing Hồng Hải (Bắc Giang) và em không được tham gia hoạt động đoàn thể nào. Nguyện vọng của Hóa là muốn công ty có tổ chức Đoàn thanh niên để “ngoài công việc, em muốn được vui chơi, học tập qua các hoạt động của Đoàn”.
Ai vượt rào vào với công nhân
Việc thành lập các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các DN ở KCN nói chung và các DN FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) nói riêng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho hay, trong các KCN tại Bắc Giang hiện có 19 tổ chức Đảng với 340 đảng viên, trong đó có đến 7 tổ chức thuộc các DN FDI. Công đoàn trong các KCN tại Bắc Giang hiện có 186 tổ chức, với 138.000 công đoàn viên; mỗi năm tăng khoảng 10 tổ chức.
Ông Ngọc chia sẻ, việc phát triển tổ chức Đảng trong DN FDI không quá khó khăn. Cách thức được áp dụng tại Bắc Giang là chọn ra những người xuất sắc trong tổ chức Công đoàn để bồi dưỡng, kết nạp họ và đưa họ làm nòng cốt để phát triển Đảng. Ông Ngọc chia sẻ kinh nghiệm: “Phát triển Đảng và các tổ chức chính trị xã hội trong DN FDI rất đặc thù. Chúng ta phải giúp các chủ DN nắm bắt tâm tư tình cảm của công nhân, tuyên truyền cho công nhân các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Chúng ta hiểu công nhân để bảo vệ, giúp đỡ họ nhưng cũng là để giúp đỡ DN”.
Ngoài sự phát triển của tổ chức Đảng, Công đoàn, ngày 28/5/2022 vừa qua là một dấu mốc của hoạt động Đoàn trong KCN tại Bắc Giang. Hôm đó, Tỉnh Đoàn Bắc Giang phối hợp cùng Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các KCN tỉnh tổ chức “Ngày hội tháng Năm” tại Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, KCN Quang Châu với hơn 4.000 người tham gia. Giải bóng đá, các trò chơi dân gian, các hoạt động khám bệnh, tư vấn, phát thuốc, cắt tóc miễn phí, sửa xe, thay dầu miễn phí... được tổ chức tại ngày hội đã tạo sự bùng nổ cho các công nhân và cả chủ sử dụng lao động.
Anh Thân Trung Kiên, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang hào hứng kể: “Lãnh đạo công ty Crystal Martin nói, họ không ngờ mấy “ông” Đoàn Thanh niên nhìn thế mà lại tổ chức sự kiện rất chuyên nghiệp. Từ trước, các hoạt động của Đoàn dành cho công nhân chủ yếu làm ngoài hàng rào các DN FDI, đây là lần đầu tiên vào được trong nhà máy của họ. Để phát triển Đoàn trong KCN cần theo chân Đảng, Công đoàn. Nhưng, để vào một cách thuyết phục, phải làm để cho công nhân và doanh nghiệp thấy” - anh Kiên nói. Và tuyệt vời hơn, quyết định thành lập Chi đoàn Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam - chi đoàn trong DN FDI đầu tiên tại Bắc Giang được công bố ngay tại ngày hội.
Anh Nguyễn Đức Sâm, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, địa bàn công nghiệp hóa tốc độ cao đã liệt kê hàng loạt công việc mà Đoàn đã đồng hành cùng công nhân trẻ, như: Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tư vấn các nguồn vốn. Đoàn còn kêu gọi kinh phí, nhu yếu phẩm cho công nhân khó khăn, tuyên dương các chủ nhà trọ, thanh niên công nhân tiêu biểu… Anh Sâm cũng nhìn nhận, hoạt động Đoàn chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân.
Hiện nay, nam nữ công nhân vẫn tham gia một số hoạt động Đoàn ở địa phương nơi DN đóng nhà máy hoặc công nhân thuê trọ. Trong đó, nhiều cơ sở Đoàn ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã triển khai, làm tốt mô hình câu lạc bộ thanh niên nhà trọ để tập hợp, hỗ trợ công nhân. Tuy nhiên, sự phối hợp, liên hệ giữa công nhân và tổ chức đoàn theo cách thức này vẫn không thường xuyên, ít hiệu quả vì công nhân làm theo ca kíp khác nhau, chất lượng tập hợp thanh niên bị ảnh hưởng. Để khắc phục việc này, chỉ có cách thành lập tổ chức Đoàn trong các DN trong KCN.