>> Đại học Paris 11 tôn vinh giáo sư Ngô Bảo Châu
Nhà xuất bản Dân Trí vừa ra cuốn sách: Ngô Bảo Châu '"một Nobel toán học”. Qua cuốn sách này, các bạn trẻ hôm nay hiểu thêm cụ thể hơn về ký ức cuộc sống khó khăn mà ấm áp, tình cảm với các thầy cô từng thắm thiết trong anh.
Dưới ngòi bút của tác giả Hàm Châu, những trang viết gợi mở những điều chưa từng được biết về cuộc sống, về quá khứ, hiện tại, tương lai của giáo sư Ngô Bảo Châu.
Nhà toán học lẫy lừng lớn lên trong bom đạn
Ngô Bảo Châu lên sáu tháng tuổi, thì xảy ra trận Nixon cho máy bay chiến lược B-52 tập kích Hà Nội, ném bom trải thảm xuống phố Khâm Thiên, xóm bãi Phúc Tân. Vòm trời đêm Hà Nội sáng rực đạn pháo cao xạ và tên lửa phòng không. Xác B-52 rơi cả vào cả làng hoa Ngọc Hà. Máy bay “cánh cụp cánh xòe” trúng đạn pháo, lao xuống sông Hồng. Cả thành phố rung chuyển vì bom. Tháp đồng hồ ga Hàng Cỏ bị đánh sập…
Theo tác giả sách: "Mẹ con Ngô Bảo Châu ngày ấy sống nhờ trong nhà ông bà ngoại tại số 47 phố Hàng Bài, ngay cạnh rạp chiếu bóng Tháng Tám. Ngay trong buồng ngủ, ông nhờ người đào một cái hầm trú ẩn dành cho hai mẹ con Châu tránh bom. Máy bay Mỹ từng ném bom vào cơ quan Tổng Đại diện Pháp, ngay giữa phố Trần Hưng Đạo, cách nhà ông bà chỉ mấy trăm mét."
Ông Hàm Châu kể lại: "Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Huy Cẩn, thân sinh ra Ngô Bảo Châu không có nhiều thời gian kèm cặp con như nhiều người khác. Nhưng, trong những bước ngoặt quan trọng của anh Châu, như khi chuyển từ bậc tiểu học lên bậc trung học cơ sở, rồi từ bậc trung học cơ sở lên bậc trung học phổ thông, và cả về sau này nữa, ông luôn nêu ra những định hướng đúng cho anh Châu. Chẳng hạn, theo ông chỉ bảo, anh Châu đã thi vào lớp chuyên toán Trường Trưng Vương, nơi có thầy Tôn Thân dạy toán nổi tiếng."
Về tuổi thơ và gia đình mình, trong bài phát biểu tối 29-8-2010, GS Ngô Bảo Châu nói: “Tôi sinh ra trong chiến tranh chống Mỹ và lớn lên trong hoàn cành kinh tế khó khăn của thời kỳ hậu chiến. Tuy không ai thích thú chuyện ôn nghèo kể khổ, ta vẫn không thể không nhớ lại những yếu tố lập thành con người ta, cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngay khi còn bé, tôi đã hiểu rằng bố mẹ phải nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi tôi khôn lớn. Sinh ra trong một gia đình trí thức truyền thống, việc học hành của tôi luôn là ưu tiên số một của bố mẹ.”
Điều quan trọng từ nỗ lực của Ngô Bảo Châu là anh luôn thắp sáng niềm tin. Ngô Bảo Châu từng nói khi trả lời phỏng vấn: “Tôi không ngần ngại đem tặng vinh quang từ huy chương này cho các bạn trẻ Việt Nam với mong muốn rằng phần thưởng này cùng với ý nghĩa của nó sẽ như một niềm tin...”
Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy...
Tác giả Hàm Châu nhận xét: "Về trường học, các lớp chuyên toán Trưng Vương là những lớp chuyên toán cấp THCS tốt nhất cả nước lúc bấy giờ. Nhiều học trò cũ của chuyên toán Trưng Vương như Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hòa, Nguyễn Thị Thiều Hoa… đã đoạt giải cao trong các Olympic toán quốc tế."
Cũng theo tìm hiểu của tác giả Hàm Châu, 18 tuổi vào nghề, 19 tuổi, thầy Tôn Thân được xếp vào loại A1 trong kỳ thi giáo viên dạy toán giỏi của thành phố Hà Nội. 25 tuổi, thầy được chọn về dạy toán ở lớp 6 chuyên toán đầu tiên của thành phố Hà Nội đặt tại Trường Trưng Vương.
Tác giả cuốn sách cho biết: "Sau bảy năm dạy chuyên toán bậc THCS, khi gặp tôi, thầy Thân tâm sự: “Đối với những học sinh giỏi và xuất sắc về toán, việc dạy toán không thể tiến hành một cách bình thường, đơn điệu.’ Thầy thường nói: “Thầy dạy các em là vì thầy được học trước các em. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến của các em mà chính thầy cũng không nghĩ tới. Trước chân lý khoa học, mọi người đều bình đẳng. Nhờ vậy không khí lớp học vừa nghiêm vừa sôi nổi.”
Trong bài phát biểu ngày về nước được vinh danh, Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng từng nhắc lại một kỷ niệm về thầy Phạm Hùng trong thời gian học chuyên toán bậc THPT: “Tôi đến học thầy trong căn buồng 8 mét vuông, lúc nào cũng nghi ngút mùi thuốc bắc vì thầy hay đau ốm. Nhưng thù lao duy nhất thầy Hùng nhận từ bố mẹ tôi đôi khi chỉ là cân đường, là vỉ thuốc bổ.”
Ngô Bảo Châu nói: "Nếu kể đến công lao dạy dỗ anh nên người, thì phải kể cả các thầy giáo, cô giáo dạy tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, không chỉ các thầy dạy toán, mà cả các cô dạy văn đã thông qua môn văn dạy anh “bài học khó nhất là bài học làm người”.
Một bất ngờ lớn là nhà toán học của chúng ta lại rất yêu văn học, Ngô Bảo Châu từng trả lời phỏng vấn: “Những lúc không làm toán thì tôi đọc sách văn học. Nói chung, văn học không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Ở nhà tôi, chưa kiểm kê, nhưng tôi dám chắc sách toán không nhiều hơn sách văn đâu.”
Những người bạn của Ngô Bảo Châu nhận xét: "Đi bao nhiêu nước, tính cách của Châu vẫn thế, không hể thay đổi, vẫn khiêm nhường, đúng mực, điềm tĩnh, chân tình. Chính anh từng khẳng định nhiều lần: “Tôi sẽ giữ quốc tịch Việt Nam dù ở đâu.”
Ai đó đã nói rằng “Hiệu ứng Ngô Bảo Châu” đã tạo phấn khởi rộng khắp quả không sai. Bây giờ, tên anh được nêu ở nhiều nơi từ mỗi lớp học đến cả buổi vinh danh các Nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2010 mới đây... Và qua cuốn sách mới ra về anh, biết thêm Ngô Bảo Châu còn là một học trò biết ơn thầy cô đến thế thì người đọc càng thêm nể phục.
Theo Nguyễn Anh
Thông Tấn Xã Việt Nam