Ước một lần được sum họp cả gia đình
Đối với những người đã chọn theo ngành Y, việc trực đêm, trực những lễ, tết là không tránh khỏi. Đặc biệt, tại những bệnh viện phụ sản, đội ngũ y - bác sĩ trực lại càng áp lực vì phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé khi chào đời.
Nhiều người có thâm niên hàng chục năm làm bà đỡ, do tính chất công việc nên họ chưa một lần được đón giao thừa chung với cả gia đình. Nữ hộ sinh Phạm Diễm Kiều (khoa Sinh, Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM) có gần 30 năm trong nghề và có không dưới 8 năm trực đêm giao thừa. Những ca trực với đủ cung bậc cảm xúc từ chạnh lòng vì không được ở bên những người thân yêu nhất vào thời khắc giao thừa đến niềm hạnh phúc vô bờ khi chứng kiến những thiên thần nhỏ chào đời lúc tiếng pháo hoa mừng năm mới nổ rền bầu trời.
Gần 30 năm làm hộ sinh, chị Kiều không thể nhớ được mình làm bà đỡ cho bao nhiêu sản phụ, đón bao nhiêu em bé. Công việc khiến chị ngày nào cũng túc trực ở bệnh viện, không có thời gian chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. “Mình đã theo nghề thì chấp nhận tất cả niềm vui lẫn nỗi buồn mà nghề mang lại”, chị Kiều nói.
Chị Kiều cho hay, khi đã chọn nghề Y thì phải chấp nhận trực đêm, trực tết. Chị tâm sự: “Chiều 30 tết là lúc mình thấy buồn nhất vì khi đó mọi người trang trí nhà cửa, đi mua sắm, chuẩn bị đồ lễ rước gia tiên thì mình phải dọn đồ vào bệnh viện trực. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện, gặp những đồng nghiệp cùng chung ca trực và những người phụ nữ cùng gia đình họ mong chờ giây phút được đón em bé thì mọi nỗi buồn lại tan biến”.
Kể về thời gian làm hộ sinh của mình, chị Kiều thoáng buồn khi chừng ấy năm chưa một lần gia đình chị được sum họp đầy đủ các thành viên trong đêm giao thừa. Chị làm trong ngành Y còn chồng chị làm Công an, do tính chất công việc nên ai cũng phải trực đêm, khi chị được nghỉ thì anh lại đi trực và ngược lại. Mỗi lần được xếp ca trực đêm giao thừa, chị phải chuẩn bị mọi thứ từ nhiều ngày trước cho chồng con. “Mình thì ba ca bốn kíp còn anh thì ngày trực ngày nghỉ, thành ra anh vừa về thì mình lại đi. Ngày bình thường cả hai phải thay phiên nhau chăm con, đưa đón con đi học. Còn ngày tết, năm nào anh cũng phải trực đêm, qua giao thừa mới được về nhà. Nhiều lúc thấy cũng tủi thân lắm!”, chị Kiều tâm sự.
Dù đôi lúc thấy chạnh lòng vậy, nhưng những giây phút chứng kiến những ông bố, bà mẹ hạnh phúc đón các thiên thần nhỏ chị cũng râm ran sung sướng. “Khi mình đón những em bé chào đời, chứng kiến niềm vui vỡ òa của gia đình sản phụ, được tặng những món quà ấm áp cho họ cũng là những giây phút mình cảm thấy ngập tràn hạnh phúc”.
Trải nghiệm
Nữ hộ sinh Nguyễn Mai Hằng, làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ tròn 20 năm, chị kể: Từ khi còn là sinh viên y khoa, chị được tham gia một ca trực từ chiều 30 đến hết ngày mùng 2 Tết. Đó cũng là lần trực đáng nhớ nhất của chị bởi lần đầu tiên chị phải xa gia đình để đón giao thừa ở bệnh viện. “Đêm đó khi đồng hồ điểm 0h, tiếng pháo hoa nổ trên bầu trời cũng là lúc mấy chị em thực tập ôm nhau khóc vì nhớ nhà”, chị Hằng nhớ lại.
Sau lần đầu tiên đầy cảm xúc ấy, chị Hằng còn có nhiều lần trực giao thừa nữa và nó để lại cho chị nhiều kỷ niệm khó quên. Chị Hằng kể: “Có trường hợp dù đau đẻ nhưng sợ sinh trước giao thừa nên hai vợ chồng không chịu vào bệnh viện sớm. Đến khi đau quá, gần đẻ tới nơi rồi thì người chồng chở vợ bằng xe máy chạy thẳng vào khoa phụ sản. Khi các nữ hộ sinh chạy đến hỗ trợ đưa lên phòng sinh, hỏi sao không đến bệnh viện sớm, người vợ mới nói, em sợ con em mất 1 tuổi”.
Với bác sĩ Phạm Thanh Hải, khoa Sinh, Bệnh viện Từ Dũ thì lần trực giao thừa đầu tiên cũng là lần vừa về bệnh viện làm việc vào năm 2004. Lúc đó bác sĩ Hải mới ra trường, được nhận vào làm việc một tháng thì đúng vào dịp Tết Nguyên đán. “Khi đó, mới ra trường nên háo hức được trải nghiệm việc đón không khí Tết tại bệnh viện. Dù đón giao thừa xa nhà nhưng rất ý nghĩa như được khám phá một điều kỳ diệu”, bác sĩ Hải chia sẻ.
Bao lần trực giao thừa đều để lại cho bác sĩ Hải nhiều kỷ niệm. Mỗi lần trực giao thừa đều có những câu chuyện buồn, vui. Những sự cố khẩn cấp cần xử lý. Những tình huống y khoa thập tử nhất sinh… Tất cả đọng lại trong thời khắc giao thừa ấy là tình cảm của một “từ mẫu”, đúng nghĩa. Theo bác sĩ Hải, không chỉ xử lý được những ca khó, việc được đón những em bé chào đời là niềm vui lớn của các y bác sĩ trong những ngày tết. “Vào lúc giao thừa, trong phòng sinh là tiếng khóc chào đời của bé, bên ngoài văng vẳng tiếng pháo hoa rộn ràng đem lại cho mình cảm giác vô cùng hạnh phúc và cảm thấy may mắn vì mình chọn được nghề này. Niềm vui nhân đôi khi cả mẹ và bé được an toàn khỏe mạnh”, bác sĩ Hải tâm sự.
Kể về thời gian làm hộ sinh của mình, chị Kiều thoáng buồn khi chừng ấy năm chưa một lần gia đình chị được sum họp đầy đủ các thành viên trong đêm giao thừa. Chị làm trong ngành Y còn chồng chị làm Công an, do tính chất công việc nên ai cũng phải trực đêm, khi chị được nghỉ thì anh lại đi trực và ngược lại.