Tôi nhớ lại câu chuyện cảm động của bà cụ hôm đoàn tình nguyện đến khám sức khỏe miễn phí. Bà nói rằng, khi nghe thông tin có hoạt động khám bệnh cho bà con, nhưng nghĩ đến quãng đường xa vất vả, phải nhờ con cháu đưa đi, khám xong lại không có tiền mua thuốc nên bà chần chừ mãi không đi. Sau đó, bà được cán bộ xã tuyên truyền đây là đoàn khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí của Đoàn Thanh niên nên bà mới dám bảo con cháu chở xuống để khám...
Chuyện của bà cụ khiến tôi có chút buồn và trăn trở, bởi những hạn chế trong công tác tuyên truyền tới người dân ở những vùng khó khăn về đi lại, thông tin liên lạc, trình độ dân trí. Tôi tự hỏi, không biết còn bao nhiêu trường hợp như bà, rồi bao nhiêu hoạt động do mình tổ chức có ý nghĩa nhân văn, thiết thực như vậy nhưng lại chưa được thông tin, tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả đến bà con?
Chứng kiến những trường hợp như vậy, tôi càng thôi thúc bản thân cần tổ chức, kết nối nhiều hoạt động ý nghĩa đến gần với bà con hơn nữa. Đầu chiến dịch hè đến nay, mặc dù còn khó khăn, kinh phí hoạt động của đơn vị hạn hẹp, nhưng tình cảm của người dân địa phương, cùng sự chung tay hỗ trợ của xã hội, chúng tôi có thêm động lực để triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ, chăm lo cho đoàn viên, thanh thiếu nhi yếu thế tại địa phương.
Từ một cô gái miền xuôi, lặn lội hơn 400 cây số để đem con chữ đến với các em học sinh vùng cao, đến nhiệm vụ làm cán bộ Đoàn chuyên trách, tôi trở thành một người "đa-zi-năng", khi là giáo viên, khi là ca sĩ, MC, diễn viên, vũ công... Sau mỗi chuyến đi "3 cùng", chúng tôi thường quây quần bên nhau tâm sự chuyện nghề, chuyện đời, chia sẻ bao chuyện buồn vui.
Cứ thế, tình yêu với Đoàn trong tôi càng được bồi đắp, tiếp lửa để tiếp tục cống hiến sức trẻ, góp phần thổi bùng khát vọng vươn lên của lớp thanh niên nơi vùng cao miền biên viễn.
(Chị Nguyễn Lê Hà Thanh - Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng)