Những cái nhất không mong muốn

TP - Nhìn nhận uống rượu bia là một thói quen khó bỏ, thậm chí lượng tiêu thụ liên tục tăng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đặt mục tiêu trước mắt, khuyến cáo người tham gia giao thông uống có trách nhiệm, có kế hoạch.

> Đã uống rượu bia thì không cầm lái
> CSGT chặn trước nhà hàng xử phạt người uống rượu lái xe

Kiểm tra nồng độ cồn tại Hà Nội. Ảnh: Bảo An.

Ngày 1/10, Ủy ban An toàn giao thông (UB ATGT) Quốc gia phát động chiến dịch tuyên truyền và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Đây được coi là lời tuyên chiến chính thức với nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Con số tiêu thụ rượu bia trong nước tuy không mới nhưng vẫn làm người nghe giật mình: Năm 2010, cả nước tiêu thụ 2,7 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu. Tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 10 - 15%. Ước tính, năm 2013, Việt Nam đạt ngưỡng 4 tỷ lít bia (theo kế hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2015 sản lượng bia trong nước mới đạt 4 tỷ lít).

UB ATGT đánh giá, lượng tiêu thụ bia rượu của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật; châu Á là châu lục nhiều bia rượu nhất thế giới). Bia Heiniken được phân phối trên 170 nước, nhưng mức tiêu thụ của Việt Nam đứng thứ 3.

Đề cập đến chủ trương cấm cán bộ công chức uống rượu bia vào buổi trưa, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho rằng hiện có tỉnh quy định cấm, có tỉnh không gây khó khăn, thiếu thống nhất trong kiểm soát. Thiếu tướng Tuyên đề nghị Chính phủ nên quy định chung về vấn đề này. Các đại biểu tham gia lễ phát động cũng phản ánh, ngay cả cán bộ ngành công an, GTVT... vẫn thường uống rượu bia buổi trưa.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách UB ATGT Quốc gia nói: “Chúng ta giữ nhiều vị trí nhất về bia rượu nhưng đây là những cái nhất không ai mong muốn”. Theo ông Hiệp, chỉ tính riêng chi phí cho bia, với 4 tỷ lít, nhân với 10.000 đồng/lít, mỗi năm cả nước tốn đến 40.000 tỷ đồng. UB ATGT công bố, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) do rượu bia chiếm khoảng 40% số vụ; 62% nạn nhân TNGT nhập viện có cồn trong máu. Nghiên cứu từ Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, 60% ca chấn thương sọ não có nguyên nhân từ rượu bia.

Trả lời PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, nguyên là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên dẫn con số 75% nạn nhân TNGT do rượu bia ở độ tuổi dưới 40 để dẫn chứng về mức độ tham gia bia rượu rồi gây TNGT của giới trẻ hiện nay.

“Bắt tay” với các hãng rượu bia

Chuyên gia giao thông Bùi Huynh Long nêu một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn uống rượu bia tăng là do quản lý quảng cáo, kinh doanh rượu bia lỏng lẻo. Ông Long ví dụ, nhân ngày Tết thiếu nhi vừa qua, tại một quán rượu Hà Nội còn căng biển quảng cáo mời uống thử rượu.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp báo tin mừng là có 5 hãng bia mới in cảnh báo tác hại của rượu bia lên sản phẩm. Nhưng đáng tiếc là, các nhãn hàng này thuộc các hãng nước ngoài, làm theo cam kết của họ trên toàn thế giới và khuyến cáo theo kiểu gượng ép. Ông Hiệp chứng minh bằng lon bia Heiniken với các dòng khuyến cáo mà “muốn đọc phải dùng đến kính lúp”. Ông Hiệp cho biết, tới đây, UB ATGT Quốc gia sẽ làm việc cùng các nhà sản xuất rượu bia trong nước để thực hiện việc này.

Đại diện lực lượng được trông chờ nhất để dẹp “đệ tử lưu linh” trên đường phố, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng CSGT cho biết: Không thể trông đợi chiến sỹ CSGT xung phong tham gia xử lý rượu bia mà phải phân công. “Có người uống rượu bia vào rất dễ tính, vui vẻ khi bị xử phạt nhưng nhiều người rất ngang ngược sẵn sàng lăng mạ CSGT nên anh em rất ngại” - ông Tuyên nói.

Nói về biện pháp kiểm soát gần các quán bia được CSGT triển khai, Thiếu tướng Tuyên cho rằng, dư luận đôi khi có cách nhìn thiếu thiện cảm về “nghiệp vụ” này của CSGT, coi đó là hành động “rình rập”. Ông Tuyên đề nghị tới đây, dư luận cần ủng hộ vì đây là việc làm tốt cho xã hội.

Xác định đây là “cuộc chiến” lâu dài, thậm chí có thể lâu hơn việc triển khai đội mũ bảo hiểm (hơn 10 năm), ông Hiệp cho biết, mục tiêu đặt ra trước mắt là tuyên truyền để người sử dụng rượu bia có trách nhiệm, uống có kế hoạch. Ủy ban đưa ra các khuyến cáo cụ thể như: Đã uống rượu không lái xe; thuê hoặc nhờ người thân chở về sau khi uống, cắt cử một người không uống để điều khiển xe, uống say ngủ lại nhà người thân.

Theo Báo giấy