Hẳn có nhiều người mới nghe sẽ thấy lạ. Bởi cỏ - một mặt hàng tưởng chừng xa lạ đối với một đô thị lớn như Sài Gòn, nhưng thực chất lại rất quen thuộc với những người dân ngoại ô thành phố này.
Tại Hóc Môn, Củ Chi hiện là một trong những địa phương nuôi bò sữa qui mô vào hạng lớn nhất nhì cả nước. Đó chính là nguyên nhân khiến những chợ cỏ nhỏ bé, tự phát nằm dọc các con kênh như kênh Xáng, kênh bà Hồng, kênh Võng, ven sông Sài Gòn… bỗng nhộn nhịp người mua kẻ bán, từ sáng tinh mơ cho tới lúc hoàng hôn.
Theo thống kê hiện nay TP.HCM, có khoảng 70.000 con bò sữa được nuôi tập trung ở khu vực Hóc Môn, Củ Chi. Vì vậy, lượng cỏ tiêu thụ cho số lượng bò này mỗi ngày là rất lớn, lên đến hàng trăm tấn.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, 36 tuổi, trú tại ấp Tam Đông 1 (Thới Tam Thôn, Hóc Môn) cho biết, nhà anh nuôi 16 con bò sữa thuộc giống bò nhập từ Ấn Độ. Vì vậy, mỗi ngày anh phải cho chúng ăn gần 80 kg cỏ. Với số lượng như vậy, không có gì lạ khi ngày nào anh cũng đi ra chân cầu Bà Hồng, nằm trên đường Bùi Công Trừng (xã Nhị Bình, Hóc Môn) để mua cỏ. Ở chợ cỏ này, mỗi bó cỏ có giá bán 10-15 ngàn đồng, tùy theo loại cỏ.
Theo chân anh Ngọc ra khu chợ cỏ này vào khoảng giữa trưa. Tại đây, chúng tôi thấy có tất cả 6 chiếc ghe dài chừng 5 đến 8 mét, chở đầy cỏ. Một chủ ghe cho biết, anh làm nghề bán cỏ này đã gần 10 năm rồi. Hàng ngày hai vợ chồng giong ghe, thuyền đi cắt cỏ ở những cánh đồng hoang vùng Hóc Môn, Củ Chi... rồi men theo sông Sài Gòn, các kênh rạch khác, đưa ghe về đây, bán cỏ cho những người nuôi bò. Bây giờ đang là mùa mưa, cỏ nhiều và non nên một ngày, vợ chồng anh cắt bán được 2 ghe cỏ. Mỗi ghe được khoảng 100 đến 120 ngàn đồng. Trừ các khoản chi phí xăng dầu, có thể bỏ dư ra chừng 150 ngàn đồng, một số tiền kha khá.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu là mùa khô, những chợ cỏ ở Sài Gòn chỉ thường tập trung ở một vài địa điểm, như cầu Bà Hồng, cầu Bà Năm, cầu Xáng… Nhưng mùa mưa này, ghe thuyền có thể đi vào nhiều nơi nên bất kỳ đoạn kênh rạch nào nằm sát với đường nhựa, thuận tiện cho cả người bán, lẫn người mua là có những chợ cỏ xuất hiện. Nghĩa là tại những nơi đó, ghe cỏ có thể đi tới, cập bến để bán và những người mua cũng có thể chạy xe máy, xe ba gác tới chỏ cỏ về một cách dễ dàng là được.
Còn ở những khu chợ lâu năm, đã thành quen thuộc thì có khi, người bán cứ tự động đưa cỏ đến, chất lên vệ đường rồi người mua đến chở về bởi những giao dịch khác, họ đã quen hoặc nói với nhau qua điện thoại từ trước rồi. Về tiền công, có khi cả tuần hoặc sau mỗi đợt thu hoạch sữa, chủ chăn bò mới trả tiền cho người bán cỏ.
Đó cũng chính là lý do hàng chục chợ cỏ hình thành ở những đoạn kênh rạch, chân cầu trong khu vực thành phố này. Nó vừa là nơi tạo việc làm cho những người nông dân đi cắt cỏ, vừa là nơi những người chăn bò ưa thích tìm đến... Âu cũng là nét đẹp trong sinh hoạt cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây.
Đưa cỏ lên bờ.
Khách hàng mua cỏ về nhà.
Nhộn nhịp những khu chợ cỏ mùa mưa.