Nhọc nhằn những nữ phu đội cả tấn cá nơi cửa biển

TPO - Khi con thuyền cập bến với cá tôm đầy khoang, những nữ phu cá lại bắt đầu công việc đội cá lên bờ. Đằng sau những cuộc mưu sinh dài đằng đẵng ấy là bao nỗi buồn, nỗi đau chất chứa.
Khi bầu trời đang chìm trong màu đen đặc, ở một góc cảng Cửa Sót thuộc xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) những người phụ nữ có mặt từ sớm với bộ quần áo xộc xệch, chân mang dép tổ ong ngồi co ro cùng hướng mắt ra phía biển chờ thuyền về.
Họ là những nữ phu làm nghề bốc vác, đội cá thuê từ thuyền ở cảng cá Thạch Kim. Ở đây, nhóm nữ phu cá gồm 22 người cùng chung cuộc sống vất vả. Đa phần ngoài tuổi tứ tuần từ 40 - 75 tuổi, vì miếng cơm manh áo, họ miệt mài lặn lội mưu sinh nơi cửa biển. Mỗi ngày, những người phụ nữ này đội hàng tấn cá trên đầu, dẫu cực khổ, nhưng đây là nghề mưu sinh duy nhất nuôi sống cả gia đình.

Cảng cá Cửa Sót tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) lúc 4h sáng.

Khi những chiếc thuyền vừa cập bến, những nữ phu lại nhận thuyền và bắt đầu công việc "đội cá" lên bờ.

Trung bình mỗi ngày, một người nữ phu đội hàng tấn cá trên đầu lên bờ. Mỗi khay cá trung bình từ 30 - 50kg.
Nhóm nữ phu gồm 22 người, từ 50 - 75 tuổi. Bất kể nắng hay mưa, trừ lúc biển động, ngày nào họ cũng xuống biển lặn lội mưu sinh.
Những khay cá đầy tràn phải dùng sức của hai người đàn ông.
Chồng mất khi đi đánh cá nên nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Lý (57 tuổi), trú tại xã Thạch Kim phải ra cảng mưu sinh để nuôi gia đình.
“Cuộc sống sinh nghề tử nghiệp. Tôi từng nghĩ mình nên chọn nghề khác, nhưng vùng này có gì làm nữa đâu. Mỗi ngày đi làm về mệt, đau cổ và đầu nhưng chồng mất rồi, con cái thì đông tôi phải chịu khó làm thôi", bà Lý chia sẻ.
Không có thân hình vạm vỡ, to khỏe như cánh đàn ông, nhưng sự cố gắng, chịu thương, chịu khó đã giúp họ chống chọi lại với những cơn đau yếu về thể xác.
Bà Đậu Thị Thanh (53 tuổi), trú thôn Xuân Phượng (Thạch Kim) có thâm niêm làm nghề phu cá gần 30 năm nay. Mỗi ngày bắt đầu công việc từ 3h sáng, đến 10h trưa
Sau khi cá được khuân lên bờ, các chủ thuyền sẽ trả cho những nữ phu bằng hiện vật sản phẩm mà họ làm ra như tôm hoặc cá. 
Sau một buổi làm việc kiệt sức, nữ phu vui mừng khi được chủ thuyền trả bằng những sản phẩm hiện vật tươi, có giá trị.
Làm việc xong, những nữ phu tập trung sản phẩm mà mình được trả rồi bán lại cho thương lái. 
Mỗi ngày nếu kiếm được 80.000-150.000 ngàn đồng, nhưng lại có những ngày tiền công lại chẳng mua nổi bát bún.

Cuộc sống của những “nữ phu” cứ diễn ra như một quy luật. Khi những tia sáng đầu tiên trong ngày bắt đầu lên cũng là lúc họ hoàn thành xong mọi việc. 
Sau buổi lặn lội mưu sinh, nữ phu trở về nhà với với tấm lưng thấm đẫm nước. Với họ,
những món quà từ biển trao tặng là kỷ ức, là cuộc sống hiện tại và cũng là nơi nuôi
dưỡng cho tương lai.