>> Nhà thơ Tế Hanh dừng cuộc dạo chơi
Thế là chúng tôi lên xe đi tiếp.
Mưa bụi. Thi thoảng mới có chút gió nhẹ. Thế mà lạnh, tôi cảm nhận được một chút rùng mình của ông khi ông ôm chặt tôi hơn. Xe vẫn chạy chậm, rất chậm. Một chiếc Honđa 81 vượt qua, cô gái ngồi trên xe còn kịp quay lại nói:
- Kheo khéo kẻo cụ ngã, anh!
Nhà thơ chắc không trông rõ được khuôn mặt ửng hồng của cô gái, ông vẫn rủ rỉ kể về Êđixơn và Vinhi. Qua kính xe, tôi thấy gương mặt ông như rạng rỡ hơn giữa những gương mặt khác đang chập chờn lướt đi.
Tôi lắng nghe ông và cứ thảng thốt nghĩ: Sao mình lại được đi với ông - Tế Hanh - một nhà thơ được nhiều người trìu mến, một cách gần gũi thế nhỉ? Tôi không dám gọi ông là bác, là chú, là anh cho thật rõ. Tôi ấp úng. Còn ông, thì hình như chỉ cần biết tôi cũng là một người viết, thế là đủ. Đến cổng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, ông bảo:
- Em chờ anh ở đây.
Tiếng ông ấm và ngọt, có cả âm sắc miền Trung lẫn trong cái dịu nhẹ của xứ Bắc, tôi thấy như vậy, và cái tâm trạng trên như tan biến đi.
Giờ tan tầm. Người từ trong toà nhà đồ sộ túa ra. Khi biết ông cụ một tay cầm cái túi vải cũ kĩ, một tay vịn cầu thang, vẻ hơi rờ rẫm vừa đi ngược chiều lên tầng trên chính là nhà thơ Tế Hanh, họ xúm lại quanh tôi và hai người trông xe ở cổng. Có tiếng kêu của ai đó: “Thật à? Ông Tế Hanh Quê hương tôi có con sông xanh biếc đó a?”. Một người khác: “Cụ lên tìm người quen hỏi một tài liệu gì đó cho người cháu sắp đi nước ngoài đấy, chẳng biết có được không?”.
Nhà thơ, ông là ai?
Xuân Diệu: Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi...
Chế Lan Viên: Anh nhớ em như đông về nhớ rét...
Còn ông - Tế Hanh, đâu như từ 1937 đã viết:
Tôi sống mê man tránh tẻ buồn
Miệt mài, hể hả, đắm say luôn
Tôi thâu tê tái trong da thịt
Hương đất, hương đồng chẳng
ngớt tuôn...
Và năm 1978, trong và sau những ngày chữa bệnh mắt, được hôm đỡ đau, ông tần ngần lững thững đi quanh hồ Thiền Quang gần nhà mà nghe, mà cảm, mà nghĩ... rằng:
Tôi tưởng tượng mặt hồ trang giấy đẹp
Mà cuộc đời phơi phới trải trước tôi
Để trên đó tháng ngày tôi viết tiếp
Những câu thơ tha thiết hiến dâng đời.
Có bao nhiêu tình yêu trong ông? Có mấy cuộc tình trong ông? Ông kể, đôi khi chen vào mấy tiếng: “Nói riêng để em biết...”. Tôi không dám cười. Còn ông dõi về phía xa xa, như để lục tìm từ trong khoảng không gian mờ đục kia một dáng hình, một khuôn mặt. Ông hầu như chưa bao giờ có giọng khuyên bảo, “uốn nắn” ai một điều gì, nhiều người vẫn nói về ông như vậy. Song, như sợ tôi chưa hiểu, chưa thông cảm nổi, ông bảo: “Làm nhà văn, nhà nghiên cứu, cần biết nhiều, biết cặn kẽ. Có cái biết để mà ngẫm, không nói ra, em có thấy thế không?”. Tôi đỡ lời:
- Vâng, quả là có những chuyện biết rồi đấy, mà phải bao nhiêu lâu sau mới cắt nghĩa được.
Giọng ông âm vang hơn một tí:
- Đừng sốt ruột và vội vàng. Có một “nhà” đã gọi thơ mình thuở Nghẹn ngào - Hoa niên là thơ học trò đấy. Gọi thế là dễ dãi trong suy nghĩ và tếu táo không phải lối. Chỉ có thơ hay và thơ dở, hoặc thơ làng nhàng đọc được thôi, làm gì có thơ học trò? Chẳng phải nhiều bài thơ được truyền tụng mãi của các nhà thơ Âu châu và Trung Hoa, và của cả Việt Nam nữa, đã được ra đời từ lúc tác giả còn rất trẻ đấy sao!
Lúc này, trong tiền sảnh ở gác hai của Nhà xuất bản Hội Nhà văn như đã vắng hết người. Ông vẫn ngồi nghiêng sang tôi, như không biết mỏi. Hai chén nước sôi chắc là nguội ngắt từ bao giờ mà mới nhìn, dễ tưởng là hai chén “cuốc lủi”. Ông nhẹ rút từ trong túi ra tập Thơ tình hay nhất. Giọng ông đều đều, ấm ngọt mà có gì thật xa vắng:
- Mấy ông này đã thành người thiên cổ rồi. Trong tập này chỉ còn có tôi còn sống.
Tôi biết là ông rất điềm tĩnh khi nói câu này. Có một niềm vui se sắt nào đó dậy lên trong buổi chiều xuân vắng lặng, khi ông hơi cười mà nói tiếp:
- Tôi bây giờ vẫn cầm bút được, nhưng viết ra chữ khó đọc - em có biết chữ Nhất Linh không? - Chữ ông ấy loà xoà như cỏ rối. Nhưng còn viết cho nhau được, còn có cái để tặng, cũng quý rồi.
Tôi nói với ông về cái chu trình khoảng 20 năm một trong đời thơ của ông với hy vọng: Vài ba năm tới, là thêm một chu trình sáng tạo, ông sẽ có thêm những bài lưu dấu với đời.
Xuống xe, trước khi vào nhà, ông cầm tay tôi lắc lắc:
- Sẽ có lúc cần, anh gọi, em sang nghe anh đọc rồi viết hộ nhé! Anh cảm ơn, cảm ơn.
Tế Hanh - tác giả của các bài thơ nổi tiếng Nhớ con sông quê hương, Quê hương qua đời ngày 16-7 tại Hà Nội. Ông sinh năm 1921, tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tế Hanh sớm nổi tiếng từ trước cách mạng với giọng thơ trong trẻo, tinh tế, được lưu danh trong tập phê bình nổi tiếng về phong trào Thơ Mới “Thi nhân Việt Nam” (Hoài Thanh).
Là người trọn đời sống với thơ, ông để lại hàng chục tập thơ, trong đó có nhiều bài thơ được các thế hệ say mê. B.T