Nhìn thẳng

TP - Trong giáo lý của một vài tôn giáo lớn, chủ đề về những chuyện vấp ngã đạo đức ở con người thường hay được quan tâm soi xét. Và như tất nhiên, những soi xét ấy luôn được nhìn từ một tình thương nồng hậu không ồn ào đẫm đầy tinh thần bao dung vị tha.

Có lẽ do cẩn thận như thế, nên vấp ngã được chia ra thành nhiều mức độ. Hoặc đấy mới chỉ là mong manh “lạc”, là non nớt “lầm”, nặng hơn sẽ là sơ suất “lỗi” còn hơn nữa thì là “tội”.

Ngay cả vấn đề “tội” cũng phân thành những lẽ trọng khinh. Và tùy theo mức phạm nặng nhẹ, sẽ là những hình thức tự sám hối tương hợp. Người biết sám hối thường thường nghiêm khắc chân thành vật vã một mình, “tiên trách kỷ hậu trách nhân”.

Sẽ là chua chát giả dối nếu người đó chỉ ở mức lầm lỗi, sau khi được những người cao thượng chí tình khuyên nhủ, bỗng lồng lộng thống hối chỗ đông nhan nhản người với thể tích nước mắt mang kích cỡ tội trọng.

Đêm 15/10 vừa rồi, cô bé diễn viên đáng thương Thùy Linh, khi khóc trên truyền hình có nức nở. “Em chỉ phạm lỗi chứ không phạm tội”. Cô bé đã đúng.

Ông đạo diễn trung thực ngồi cạnh tang tóc trầm trầm giọng, những người làm chương trình muốn nhìn thẳng sự thật với mục đích chia sẻ. Ông đạo diễn nhân hậu càng có vẻ đúng. Đây là lần đầu tiên chương trình “Nhật ký Vàng Anh” không phát phim nên những hình ảnh kể trên đương nhiên là không hư cấu. Nó thật như đoạn clip có sex thật đã bị một kẻ (với bất cứ lý do nào cũng là cực kỳ đê tiện) tung lên mạng vài ngày trước đó.

Vậy mà trước một hiển nhiên nghẹn ngào sự thật như thế, kha khá người lương thiện ngồi xem chợt gượng gạo như gờn gợn bị giả. Cũng có thể họ bị ngợp bởi sự ngập tràn rưng rưng những thao tác sẻ chia.

Cũng có thể do thói quen đơn giản họ hay trong trắng nghĩ, khi hối lỗi con người ta thường kín đáo tự dằn vặt. Hoặc lý do khách quan hơn, đây vốn là chương trình dành cho trẻ em, nên dễ dàng hoành tráng vụn vặt “lỗi” trở thành thăng hoa cao cả “tội”.

Ở những chương trình kiểu như thế này, nơi có sáng choang ánh đèn, có long lanh hoa thắm, có rầm rập người đi lại thì người ta được phép đem ăn năn ra diễn. Tất nhiên, diễn giải một sự thật đau lòng là vô cùng khó, nhất là khi phải diễn giải với đám nhờ nhỡ tuổi “teen”.

Đã có một bà mẹ giải thích cho một bé gái đang học lớp 6, lúc nó băn khoăn hỏi “Mẹ ơi, sao mấy hôm nay mọi người cứ ồn ào quanh chuyện chị Vàng Anh của con”. Bà mẹ lưỡng lự ngập ngừng khe khẽ thầm thì “Con ạ, vì chị ấy đã đóng một phim không ngoan”.

Phim “Nhật ký Vàng Anh” với trẻ con phổ thông được coi là phim ngoan. Vì thế, với bất cứ lý do nào làm nó bớt ngoan cũng là một chuyện rất có lỗi. Mong rằng cô bé Thùy Linh đã biết vậy. Làm cho một trẻ con không thêm ngoan có khi còn day dứt hơn nhiều làm cho một người lớn bị hư. Chỉ cần nhìn hai cậu bé trai diễn cùng Linh ấm ức khóc vì thương bạn là đã đủ.

Theo kinh nghiệm của tình thương, trước lỗi lầm của một người còn trẻ, hãy nên thong thả chầm chậm an ủi chia sẻ trong tĩnh lặng. Thế nhưng, những ông đạo diễn tốt bụng vì quá sốt ruột lại không thể chờ như vậy.

Dường như họ hiểu thời lượng cảm thông nhang nhác giống thời lượng quảng cáo, phải phát sóng tức thì, kể cả “phải mất gần hai tiếng đồng hồ thuyết phục cả ba người (bố mẹ và cô bé diễn viên) để mọi người can đảm đối diện” (Tuổi Trẻ số 284 ra 16/10).

Tinh thần nhìn thẳng vào lỗi lầm mà sám hối quả là quyết liệt. Trước một sự tha thiết quyến rũ chí tình như vậy, cô bé đang mang vẻ đau khổ đã tự tin hiện hình lên VTV3 thẳng thắn nhìn rồi mong đời chia sẻ.

Hỡi ơi, cảm thông là lẳng lặng sâu lắng chứ có bao giờ lại đi bồng bềnh nổi. Có lẽ cô bé cũng như nhiều cô cậu bé diễn viên khác đã được những ông đạo diễn giáo dục là, khi có lỗi người trung thực phải nên đàng hoàng đanh thép nhìn thật thẳng vào mắt người khác.

Nhìn thẳng hình như là trung thực, nhất là những cái nhìn đấy lại từ mặt phẳng lỳ của tivi.

Tạp bút của Nguyễn Việt Hà