> Bão tan, mưa lũ diện rộng
> Bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Bà Chu Trần Dung, thôn Phúc Lý (xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) ngồi tẩn ngẩn bên mớ hành, tỏi tươi bốc mùi hôi do thu hoạch “chạy lụt” từ mấy ngày trước. Theo bà Dung, đợt mưa lụt vừa rồi dù chưa bằng trận lụt lịch sử năm 2008, nhưng nước cao hơn nền nhà. Hơn 3,5 sào trồng tỏi, hành, mùi, canh giới, húng... đầu tư hơn chục triệu bạc giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gần đến ngày thu hoạch đã mất trắng.
Ông Nguyễn Quý Đinh cùng thôn Phúc Lý có gần 1 mẫu rau cải, các loại rau thơm, nhưng tới 80% bị hỏng vì ngập lụt. Theo ông Quý, dù chưa tính cụ thể, nhưng đợt mưa này, cũng làm gia đình ông mất trắng 50 triệu đồng. “Mấy năm gần đây, không biết kênh mương, công xá thế nào, nước sông Pheo đoạn ở xã Minh Khai thoát ra sông Nhuệ rất chậm. Từ đợt lụt 2008 đến nay, năm nào cũng có 1-2 trận lụt, trận nào tôi cũng “dính” vì trồng rau gần như quanh năm”- ông Đinh nói.
Theo Hợp tác xã Nông nghiệp Phúc Lý, đợt lụt vừa rồi, tới 70 ha cây rau, hoa ở thôn Phúc Lý bị ngập, trong đó, cây rau tới 50 ha. Riêng cây hoa, có hộ mất hàng trăm triệu đồng do bị dập nát, thối, hỏng vì ngâm nước lâu ngày.
Ông Nguyễn Hồng Anh, phó chi cục trưởng BVTV Hà Nội thống kê sơ bộ từ các quận, huyện, có khoảng 850 ha rau bị ngập nước. Trong đó, khoảng 250 ha gần như không phục hồi được, chủ yếu là rau ăn lá. Huyện bị ngập lớn nhất là Từ Liêm (vùng Tây Tựu, Minh Khai, Phú Diễn...) với hơn 140 ha rau, Hoài Đức gần 100 ha rau, Gia Lâm khoảng 75 ha, Mê Linh trên 70 ha...
Hiện Hà Nội chủ động được khoảng 60% về rau, còn lại nhập từ các tỉnh khác về. “Diện tích rau bị ảnh hưởng do mưa lũ chưa đến 7-8% diện tích rau toàn thành phố, nên không lo ngại việc thiếu rau xanh. Giá rau tăng mạnh trong mấy ngày mưa lụt vừa rồi một phần do khó vận chuyển. Mọi thứ sẽ điều hòa trở lại, tuy nhiên khó về giá trước đây; một phần tiểu thương vin vào giá xăng, điện tăng để nâng giá”- ông Hồng Anh nói.