Năm bộ SGK của 2 đơn vị xuất bản niêm yết giá chỉ trên dưới 200.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, khi về đến các trường học, phụ huynh nhận được một danh mục sách và các sản phẩm giáo dục cần thiết khác nhau, giá bán cũng khác nhau. Nhiều phụ huynh chỉ biết tặc lưỡi mua đầy đủ bộ sách mà họ hiểu là “đã được trường quy định” cho con học tập.
Tại Trường Tiểu học Trần Phú (TP Hà Tĩnh), một phụ huynh mua bộ SGK “Cánh Diều” vào lớp 1 hết 469.000 đồng. Trong đó, có 21 đầu mục sách bao gồm SGK, vở bài tập các môn, vở thực hành Hoạt động trải nghiệm và 2 cuốn sách tiếng Anh. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, phụ trách thư viện trường này, cho biết, đa số phụ huynh đến mua toàn bộ bộ sách. Trong đó, đắt nhất là 2 quyển sách tiếng Anh có giá 78.000 đồng/quyển và 68.000 đồng/quyển.
Tại một trường tiểu học khác ở Hà Tĩnh, đến thời điểm này, thư viện đã bán ra hơn 200 bộ SGK lớp 1 “Cùng học để phát triển năng lực” của NXB Giáo dục Việt Nam có giá 469.000 đồng. Ngoài ra, học sinh được giới thiệu mua 2 bộ dụng cụ học tập có giá 140.000 đồng, tổng cộng cả SGK và dụng cụ học tập là 609.000 đồng. Trong danh mục sách trường này bán ra, ngoài SGK còn đi kèm 9 loại vở bài tập các môn và 2 quyển sách tiếng Anh. Trên thực tế, theo giá niêm yết của NXB Giáo dục Việt Nam, bộ sách gồm có 10 quyển, giá 194.000 đồng.
Trường tiểu học Tây Sơn ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chọn bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”. Tuy nhiên, ngoài danh mục SGK trường còn đưa ra một danh sách nối dài 19 đầu mục bao gồm cả vở bài tập, tài liệu tham khảo. Với những đầu mục này, nhà xuất bản báo giá 194.000 đồng đã tăng lên thành 305.000 đồng, chưa kể bộ đồ dùng học tập đi kèm.
Nhiều gia đình nhận được danh mục SGK nhưng nhà trường không giải thích rõ cho phụ huynh đâu là SGK cần mua, đâu là sách bài tập, sách tham khảo để phụ huynh cân nhắc mua hay không. Ngoài SGK, trường còn gửi phụ huynh bảng giới thiệu danh mục dụng cụ học tập Toán - Tiếng Việt của Công ty Cổ phần thương mại EPE.
PV Tiền Phong đã liên hệ bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Sơn, để tìm hiểu về vấn đề này nhưng bà Hoa đề nghị để lại câu hỏi, nhà trường cần thống nhất với Ban giám hiệu sau đó mới có câu trả lời báo chí.
Chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh một học sinh năm nay lên lớp 4, Trường tiểu học Đại Từ, quận Hoàng Mai (Hà Nội), nói rằng, thông qua cô giáo chủ nhiệm, trường gửi phụ huynh danh mục SGK và các sản phẩm giáo dục dài gần kín một mặt giấy.
Vì phải đăng ký sớm để cô giáo chốt danh sách đặt hàng, chị Hà không xem kỹ nên nộp 586.000 đồng mua sách. Sau khi nhận sách, chị Hà mới nhận ra, bộ sách kể trên chỉ có 9 đầu mục SGK chính, số còn lại là những cuốn vở bài tập hay những quyển thuộc danh mục tài liệu tham khảo.
Sách giáo khoa lớp 1 năm nay dù được niêm yết giá nhưng một số trường vẫn bán kèm tài liệu tham khảo với giá cao