Số liệu sai thực tế
Được quảng cáo khá rầm rộ trên trang web của mình, FIPP cho biết ấn phẩm xuất bản lần thứ 15, về các xu hướng tạp chí thế giới do tổ chức này biên soạn có sự đóng góp thông tin của các chuyên gia, các Cty quảng cáo, các nhà xuất bản tạp chí và các hiệp hội tạp chí ở 40 quốc gia.
Cuốn sách sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin mới nhất về những thị trường tạp chí có nhiều ảnh hưởng nhất cũng như số lượng phát hành và lượng người đọc tạp chí ở mỗi quốc gia được nêu.
Sách bằng tiếng Anh, giá 199 bảng Anh dành cho các hội viên, và 299 bảng Anh với người mua bình thường.
World Magazine Trends 2009/2010 dành 5 trang để nói về thị trường tạp chí ở Việt Nam (từ trang 246 đến 250), đưa ra con số Việt Nam hiện có hơn 700 tạp chí xuất bản, nhưng chỉ có 130 tạp chí thực sự phản ánh đúng ý nghĩa báo chí tiêu dùng thương mại, trong đó, chỉ có khoảng 60 đầu báo có trên 5.000 bản/mỗi số. Sách còn thống kê lượng phát hành của 67 tạp chí ở Việt Nam, kèm lượng độc giả.
Tuy nhiên, phần lớn con số thống kê đó đều sai sự thật. Ví dụ, ấn phẩm Hoa Học Trò của báo Sinh viên Việt Nam, chỉ xuất bản được 25.000 bản/kỳ với lượng người đọc là 125.000 người. Tờ tạp chí Người đẹp Việt Nam của báo Tiền Phong (xuất bản 2 tuần/lần) với lượng phát hành 4.000 bản/kỳ, với số người đọc ước tính là 32.000...
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Lộc, Tổng Biên tập tờ Hoa Học Trò và Sinh Viên Việt Nam cho biết: “Thực tế lượng phát hành của Hoa Học Trò dao động từ 160.000 đến 180.000 bản/kỳ. Chúng tôi không hiểu họ lấy số liệu trên ở đâu?”.
Còn nhà báo Võ Hồng Thu, Thư ký toà soạn tờ Người Đẹp Việt Nam, bức xúc nói: “Thực tế lượng phát hành của Người Đẹp Việt Nam lớn gấp nhiều lần con số FIPP đưa ra. Chúng tôi không hiểu FIPP có ý đồ gì khi thống kê sai sự thật như vậy”.
Phủi trách nhiệm!?
Cuốn sách trên dẫn nguồn số liệu “do Hội Phát hành Báo chí Việt Nam (VPDA) cung cấp”. Ngày 17-7, Chủ tịch Hội Phát hành Báo chí Việt Nam (VPDA), PGS TS Đào Duy Quát đã có công văn gửi ông Chris Llewellyn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Liên FIPP phản đối các thông tin sai lệch trong cuốn sách do đơn vị này xuất bản.
“Cuốn sách ghi là trích dẫn nguồn thông tin từ VPDA, nhưng sự thực không phải thế nên đã gây hiểu nhầm và tổn hại nghiêm trọng uy tín của hội cũng như uy tín và lợi ích kinh tế của nhiều thành viên trong hội”, ông Quát khẳng định.
Theo ông Quát, VPDA mới thành lập chưa được một năm và chưa hề công bố một nghiên cứu thống kê nào liên quan thị trường báo chí in nói chung và các tạp chí nói riêng.
Hội với tôn chỉ là bảo vệ và phát triển lợi ích của các thành viên, bao gồm các tờ báo và tạp chí xuất bản tại Việt Nam, tuyệt đối không cung cấp các số liệu cho bất kỳ bên thứ ba nào, nếu không được sự đồng ý của các thành viên, lại càng không thể cung cấp các số liệu thiếu chính xác như trong cuốn sách.
Từ những căn cứ trên, PVDA yêu cầu FIPP phải cải chính các thông tin sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế và Việt Nam và phải cải chính cả việc VPDA không liên quan đến các thông tin này.
FIPP phải gửi thư đính chính đến các đại lý quảng cáo Việt Nam và đại lý quảng cáo quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như trực tiếp gửi thư xin lỗi các tạp chí bị cuốn sách đưa tin sai sự thật và mất uy tín. FIPP cũng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các thiệt hại kinh tế do các thông tin sai lệch nói trên gây ra đối với các tạp chí.
Trong văn bản trả lời PVDA ngày 22-7-2010, ông Chris Llewellyn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành FIPP “lấy làm tiếc” về việc VPDA không hài lòng với một số số liệu về lượng phát hành tạp chí xuất bản ở Việt Nam công bố trong ấn phẩm của mình.
Tuy nhiên, ông Chris Llewellyn lại phủi trách nhiệm: “Nhà xuất bản và những người nắm giữ bản quyền sách không chịu trách nhiệm về những sai sót hay những số liệu bị bỏ sót trong cuốn sách”. Vì vậy, những đề nghị liên quan đến việc cải chính của VPDA bị từ chối.