Nhiều phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của tội phạm người nước ngoài

TPO - Hằng năm ở TPHCM điều xảy ra các vụ án giết người, lừa đảo, giao cấu trẻ em,…do người nước ngoài gây ra, khiến các cơ quan tố tụng “đau đầu” tìm người phiên dịch, tìm lý lịch nhân thân… phục vụ điều tra, xét xử.
Một băng nhóm tội phạm người nước ngoài bị Công an TPHCM triệt phá. Ảnh Văn Minh.

Lừa phụ nữ, giao cấu trẻ em

Ngày 20/6, bà Vũ Xuân Nhuệ, phó trưởng Phòng 2 (VKSND TPHCM) cho biết, tình hình người nước ngoài phạm tội ở TPHCM tăng giảm thất thường, đa dạng về hành vi phạm tội với những thủ đoạn tinh vi.

Trong 3 năm (2014-2016), VKSND TPHCM đã thụ lý 108 vụ án với 146 bị can của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Hầu như năm nào tại TPHCM cũng xảy ra các vụ án giết người, trộm cắp tài sản, lừa đảo, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản….

Khi đưa ra tòa, các bị cáo thường nhận những mức án từ phạt hành chính đến tử hình. Không có bị cáo nào nhận hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc bị trục xuất.

Nói về thủ đoạn tinh vi, bà Nhuệ cho biết, trong số các hành vi phạm tội của người nước ngoài tại TPHCM, hành vi phạm tội giao cấu với trẻ em có nhiều chiêu thức tinh vi. Người nước ngoài phạm tội thường làm quen với trẻ em qua mạng xã hội, tạo dựng quan hệ tình cảm, khi nhập cảnh vào Việt Nam đã tìm gặp để thực hiện hành vi giao cấu.

Điển hình như vụ án giao cấu trẻ em của bị cáo J.A. Angelo (26 tuổi, quốc tịch Philippines, thủy thủ tàu biển), vào khoảng tháng 8/2016, người này theo tàu đến cập cảng Cát Lái (quận 2, TPHCM) và lên bờ đi mua sắm, vui chơi. Khi đến tiệm tranh ở trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2) thì gặp cháu gái N.T.Y.N (SN 2000), cả hai sau đó làm quen và nhắn tin qua Facebook.

Hai bên nhắn tin liên lạc thể hiện tình cảm yêu thương và hẹn gặp lại J.A.Angelo nếu trở lại Việt Nam. Đến ngày 15/10/2016, chàng thủy thủ trở lại tiệm tranh để đổi lại 4 bức tranh đã mua trước đó. Do không có tranh để đổi, cháu N dẫn anh chàng ngoại quốc này về kho chứa hàng của dượng. Trong lúc cháu N lựa tranh thì J.A.Angelo giở trò đồi bại. Sự việc bị người nhà cháu N phát hiện trình báo công an.

Ngoài ra, người nước ngoài phạm tội thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook hoặc các Website kết bạn, các đối tượng này dụ dỗ làm quen, tạo lòng tin với người bị hại, chủ yếu là phụ nữ có nhu cầu kết bạn với người nước ngoài, sau đó, dùng thủ đoạn tặng quà có giá trị hoặc chuyển hàng hóa về Việt Nam để kinh doanh, nhờ người bị hại nhận giúp nhưng thực tế là lừa đảo.

Dịch cáo trạng sang tiếng nước ngoài

Theo VKSND TPHCM, khó khăn lớn nhất trong các vụ án có bị can, bị cáo là người nước ngoài chính là vấn đề rào cản về ngôn ngữ.

Ngoài một số ngôn ngữ thông dụng và phổ biến như tiếng Anh, Pháp, Nga… tương đối thuận lợi tìm người phiên dịch tuy nhiên có những vụ án phải vất vả, tốn kém thời gian và kinh phí để tìm người phiên dịch.

Điển hình là vụ án cướp giật tài sản do Fiyoj Merhraban (Quốc tịch Iran) thực hiện hành vi phạm tội, do không tìm được người phiên dịch, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phải trưng cầu phiên dịch từ Đại sứ quán Iran ở Hà Nội vào TP.HCM để phiên dịch buổi làm việc với bị can và dịch thuật kết luận điều tra, cáo trạng cũng như dịch thuật tại phiên tòa.

Ngoài ra, việc xác định nhân thân, lý lịch người nước ngoài phạm tội cũng gặp không ít khó khăn. Đại tá Phạm Ngọc Tiến, trưởng Phòng PA72 (Công an TPHCM) cho biết, hiện Công an TPHCM thụ lý nhiều vụ án do người nước ngoài thực hiện nhưng có đối tượng chây lỳ không chịu khai thông tin về nhân thân nên công an không thể nào kiểm tra được.

Để khắc phục khó khăn này, VKSND TPHCM đề xuất các cơ quan tố tụng cần thống nhất về việc xác minh lý lịch, trích lục tiền án, tiền sự của bị can, bị cáo là người nước ngoài thì không cần ủy thác tư pháp mà chỉ thông báo bằng văn bản cho Đại sứ quán, Lãnh sự quán nước của bị can, bị cáo có Quốc tịch biết. Đồng thời, cơ quan tố tụng không phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để chờ văn bản trả lời mới xét xử.

Sẽ có Trung tâm dịch thuật phục vụ xét xử?

Ông Vũ Thanh Lâm, Phó chánh tòa hình sự (TAND TPHCM) đề nghị nghiên cứu, có kế hoạch thành lập Trung dịch thuật chuyên ngành pháp lý phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có người nước ngoài thực hiện. Đồng thời sớm có quy định về trình tự thủ tục trưng cầu người phiên dịch.