Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm qua cho biết, ông đã đề nghị quốc hội chấp thuận đề nghị kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 26/4.
“Chúng ta đã lên đỉnh dịch và giờ là lúc bắt đầu đi xuống”, ông Sanchez nói trước quốc hội gần như trống vắng, vì hầu hết các nghị sĩ đang làm việc từ xa.
Nhưng ông Sanchez tỏ ra thận trọng khi nói rằng, việc trở lại cuộc sống bình thường sẽ diễn ra “từ từ”, phù hợp với tình hình. “Giai đoạn lên đỉnh đã rất khó khăn, giờ xuống dốc cũng vậy”, ông nói. Người đứng đầu chính phủ Tây Ban Nha nói rằng nước này đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trên hành tinh này kể từ dịch cúm năm 1918. Ông nói rằng, việc khôi phục các hoạt động bình thường sẽ diễn ra theo giai đoạn, CNN đưa tin.
Tây Ban Nha là nước bị dịch COVID-19 tấn công gây hậu quả nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Gần 150.000 ca bệnh đã được phát hiện và 14.792 người chết ở nước này.
Tại Anh, ủy ban khẩn cấp của chính phủ dự kiến tổ chức họp trực tuyến trong hôm nay để đánh giá các biện pháp hạn chế do dịch virus corona. Nhưng Bộ trưởng Văn hóa Oliver Dowden hạ thấp khả năng sớm dỡ bỏ hạn chế. Người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết, sức khỏe của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khá lên. Ông Johnson vẫn phải nằm trong phòng chăm sóc tích cực nhưng đã có thể ngồi dậy và nói chuyện với bác sĩ.
Ông Keir Starmer, người mới được bầu làm lãnh đạo Công đảng đối lập, kêu gọi chính phủ công bố chiến lược nhằm tiến tới kết thúc tình trạng phong tỏa, được áp dụng từ ngày 23/3.
Anh đã có hơn 61.000 người mắc và ít nhất 7.000 người chết vì COVID-19, theo thống kê của ĐH Johns Hopkins.
Hàn Quốc hôm qua có thêm 39 ca mắc mới, là ngày thứ tư liên tiếp nước này ghi nhận dưới 60 bệnh nhân mới. Trong số người mới mắc, 13 người bị lây trong nước và 10 người được phát hiện khi về đến sân bay.
Trung Quốc đã khôi phục 40% các chuyến bay, khi nước này bắt đầu nới dần các biện pháp hạn chế trong thời kỳ phải đối phó với dịch bệnh, Xinhua đưa tin.
Hầu hết các chuyến bay được thực hiện ở các vùng tây bắc và tây nam đất nước, những khu vực tập trung đông lao động di cư, cũng như các vùng công nghiệp bên sông Dương Tử và Châu Giang.
Mỹ, Nga vẫn nghiêm trọng
Nga hôm qua ghi nhận số ca nhiễm tăng thêm hơn 1.000 người chỉ sau 1 ngày, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 10.131, trong đó có ít nhất 63 người chết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó nói rằng, Nga đã hành động sớm để khống chế virus, nhưng nước này đang dần gia tăng các biện pháp để đối phó với tình hình mới, bằng cách đóng cửa biên giới và yêu cầu người dân ở nhà.
Đại sứ quán Mỹ tại Nga cho biết, một chuyến bay thuê bao để đưa các công dân Mỹ từ Nga về nước cất cánh vào sáng qua. Một chuyến bay khác của hãng hàng không Nga Aeroflot trước đó đã hạ cánh xuống New York để đưa người Mỹ từ Nga trở về.
Mỹ có thêm 33.323 người nhiễm virus corona trong ngày 8/4, nâng tổng số ca bệnh của nước này lên ít nhất 432.132. Mỹ cũng vừa có thêm 1.922 người chết vì dịch bệnh, mức tăng lớn nhất theo ngày, nâng tổng số thiệt mạng lên 14.817.
Khoảng 286 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang đậu tại đảo Guam đã dương tính với virus corona, CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm qua nói rằng, cần cấm cầu nguyện đông người trong tháng lễ Ramadan vì đại dịch COVID-19. Ramadan bắt đầu từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5. Giới chức Iran chưa công bố kế hoạch nào cho tháng lễ năm nay nhưng các đền thờ ở nước này đã phải đóng cửa và những lễ cầu nguyện vào thứ Sáu bị hủy.
Iran đến nay đã có hơn 66.000 ca bệnh, trong đó có hơn 4.100 người tử vong. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.