Nhiều nước đồng minh phản đối Mỹ gửi đạn chùm đến Ukraine

TPO - Giải thích về quyết định của mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đạn chùm sẽ được Washington gửi đi như một "giai đoạn chuyển tiếp" cho đến khi Mỹ có thể sản xuất thêm đạn pháo 155mm.

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc xác nhận hôm 7/7 rằng Mỹ sẽ gửi các loại đạn thông thường cải tiến có mục đích kép (DPICM) tới Ukraine.

Giải thích về quyết định của mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đạn chùm sẽ được Washington gửi đi như một "giai đoạn chuyển tiếp" cho đến khi Mỹ có thể sản xuất thêm đạn pháo 155mm.

“Đây là cuộc chiến liên quan đến đạn dược. Và họ sắp hết đạn, chúng tôi thì còn ít”, ông Biden nói. “Vì vậy, cuối cùng tôi đã chấp thuận lời đề nghị của Bộ Quốc phòng để tạm thời cho phép chuyển giao những loại đạn này cho Ukraine trong giai đoạn chuyển tiếp, khi chúng tôi sản xuất thêm đạn 155 mm.”

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách Chính sách Colin Kahl nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc rằng quyết định này được đưa ra vì "sự cấp bách" và mong muốn tiếp tục chiến đấu của người Ukraine.

Tướng Richard Shirreff, cựu phó chỉ huy của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu cũng ủng hộ Nhà Trắng, nói rằng việc triển khai đạn chùm sẽ giúp Ukraine dễ dàng vượt qua các phòng tuyến của Nga. Ông nói nếu phương Tây cung cấp nhiều vũ khí hơn sớm hơn, thì đã không cần phải cung cấp loại đạn này ở thời điểm hiện tại.

Theo một bài báo trên trang web eArmor của quân đội Mỹ, đạn chùm DPICM mà Washington cung cấp cho Kiev sẽ được bắn từ pháo 155mm. Mỗi quả đạn mang theo 88 viên đạn nhỏ hơn. Mỗi viên đạn có phạm vi gây sát thương trong khoảng 10m vuông. Do đó mỗi quả đạn có thể bao phủ một khu vực rộng tới 30.000m2, tùy thuộc vào độ cao quả đạn tung ra đạn con.

Bài báo cho biết các quả đạn con trong DPICM khi tấn công xe tăng hoặc xe bọc thép có thể “tạo ra một tia kim loại xuyên thủng lớp giáp”. Có thể cần tới 10 quả đạn nhỏ trở lên để phá hủy một phương tiện bọc thép.

Trong hơn một năm qua, Mỹ đã gửi một số lượng lớn đạn 155mm tới Ukraine. Yehor Cherniev, một thành viên của Quốc hội Ukraine, cho biết hồi đầu năm rằng Kiev có thể sẽ cần bắn 7.000 đến 9.000 viên đạn mỗi ngày trong các cuộc giao tranh phản công tăng cường. Việc cung cấp nhiều đạn dược như vậy gây áp lực đáng kể lên kho dự trữ của Mỹ và đồng minh.

Ryan Brobst - một nhà phân tích của Tổ chức Bảo vệ Dân chủ - cho biết việc sử dụng đạn chùm là một lựa chọn “tiết kiệm” hơn, vì sẽ giúp Ukraine loại bỏ nhiều mục tiêu hơn với số đạn ít hơn. Và vì Mỹ đã không sử dụng loại đạn dược này trong một thời gian dài, nên họ có một lượng lớn đạn chùm trong kho.

Đồ họa: BBC

Làn sóng phản đối

Ngay sau khi Mỹ công bố quyết định, một số đồng minh và thành viên NATO đã thể hiện thái độ không đồng tình.

Ngày 7/7, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói rằng Berlin đang tuân thủ các thỏa thuận cấm bom đạn chùm. Áo, quốc gia không phải là thành viên NATO, cho biết phương Tây sẽ gửi tín hiệu sai nếu những loại vũ khí như vậy được đưa đến khu vực xung đột.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói với các phóng viên ngày 8/7 rằng London “đã ký kết một công ước cấm sản xuất hoặc sử dụng bom, đạn chùm và không khuyến khích việc sử dụng chúng". Tuy nhiên, ông Sunak tránh chỉ trích trực tiếp Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho rằng đạn chùm không nên được sử dụng ở Ukraine "trong bất kỳ trường hợp nào".

“Tây Ban Nha có cam kết với Ukraine, nhưng cũng giữ vững quan điểm rằng có một số loại vũ khí và đạn dược không nên được chuyển giao trong bất kỳ trường hợp nào”, bà Robles nói với các phóng viên ở Madrid. Tây Ban Nha “đồng ý với việc phòng vệ chính đáng của Ukraine, điều mà chúng tôi hiểu rằng không nên được thực hiện bằng đạn chùm”.

Thủ tướng New Zealand - Chris Hipkins gọi bom đạn chùm là “một loại vũ khí bừa bãi, có khả năng gây ra thiệt hại nặng nề cho những người vô tội và có thể gây hậu quả lâu dài". Ông Hipkins nói rằng Nhà Trắng đã được biết về sự phản đối của New Zealand đối với việc sử dụng bom chùm ở Ukraine. New Zealand là một trong những quốc gia thúc đẩy việc thành lập công ước cấm sử dụng bom đạn chùm.

Chính phủ Canada bày tỏ lo ngại về tác động tiềm tàng của những quả đạn chùm đối với dân thường, đặc biệt là trẻ em. Nước này tuyên bố phản đối việc sử dụng bom chùm và khẳng định Ottawa hoàn toàn tuân thủ Công ước về Bom, đạn chùm.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết ông Antonio Guterres “ủng hộ Công ước về Bom, đạn chùm đã được thông qua 15 năm trước. Và ông muốn các quốc gia tuân thủ các điều khoản của công ước đó. Tất nhiên, ông không muốn tiếp tục sử dụng bom, đạn chùm trên chiến trường.”

Công ước về Bom, đạn chùm (CCM) năm 2008, trong đó quy định cấm sản xuất, sử dụng và dự trữ bom đạn chùm, đã được 123 quốc gia thông qua, bao gồm hầu hết các nước thuộc NATO. Mỹ, Nga và Ukraine từ chối ký kết công ước này.

Đạn chùm khi phát nổ sẽ tung ra nhiều quả bom nhỏ trên một khu vực rộng lớn. Và những quả bom chưa nổ có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho dân thường trong nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc. Mỹ không tham gia công ước, nhưng cấm xuất khẩu loại đạn này với tỷ lệ lép hơn 1%. Dù vậy, hạn chế có thể được dỡ bỏ bằng quyết định miễn trừ của tổng thống.

Theo CNN, cả Nga và Ukraine đều được cho là đã sử dụng đạn chùm kể từ khi xung đột bùng phát, nhưng không quốc gia nào lên tiếng xác nhận. Ảnh: Getty Images

Tác động trên chiến trường

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 8/7 cho biết quyết định của Washington trong việc chuyển giao đạn chùm cho Ukraine chỉ cho thấy Kiev và các đồng minh phương Tây đang “bất lực” trong việc thay đổi tình hình ở tiền tuyến.

Bà Zakharova lưu ý rằng việc sử dụng loại đạn dược này hầu như không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự của Nga. Người phát ngôn gọi đây là một “vũ khí kỳ diệu khác mà Washington và Kiev đang đặt cược vào mà không nghĩ đến những hậu quả khắc nghiệt”.

Bà Zakharova nói rằng việc tiếp tục mở rộng cung cấp vũ khí cho Kiev là nhằm mục đích “tăng nguy cơ trong cuộc xung đột này lên mức tối đa”. Những hành động như vậy “cho thấy Mỹ và các đồng minh ngày càng tham gia nhiều hơn vào các động thái thù địch”.

Theo bà, đây là một ví dụ khác về “đường lối tích cực chống Nga” của Mỹ. Bà nhấn mạnh rằng Washington đang tìm cách kéo dài cuộc xung đột càng lâu càng tốt và biến nó thành “cuộc chiến đến người Ukraine cuối cùng”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hoan nghênh quyết định của Mỹ, nói rằng loại vũ khí này sẽ giúp giải phóng lãnh thổ Ukraine. Ông cũng hứa rằng đạn chùm sẽ không được sử dụng nhằm vào lãnh thổ Nga, không được sử dụng trong khu vực đô thị và sẽ chỉ được dùng "để chọc thủng tuyến phòng thủ của đối phương". Ukraine “sẽ lưu giữ hồ sơ về việc sử dụng đạn chùm và thường xuyên trao đổi thông tin với các đối tác”.

Nhà báo Tulsathit Taptim của Thái Lan cho rằng quyết định của Mỹ sẽ đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng của cuộc xung đột. "Chính phủ Mỹ từng phản đối việc trang bị đạn chùm cho Ukraine, vì chính giới chức Washington cùng với phần lớn thế giới đã coi chúng là vũ khí bừa bãi gây hại cho dân thường", ông nói thêm.