Nhiều nơi đặc kín hố chôn vật nuôi bị bệnh

TP - Chôn lấp là biện pháp duy nhất để xử lý số gia cầm mắc bệnh, theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, song tác động của việc chôn lấp gia cầm tới môi trường, sức khỏe con người... bấy lâu vẫn bị bỏ ngỏ.

Chính vì thế, khi Cục Thú y công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ có tới hơn 65% giếng đào nằm gần các hố chôn lấp gia cầm bị ô nhiễm vi sinh vật nghiêm trọng đã khiến dư luận bàng hoàng...

Đe dọa môi trường

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, từ cuối năm 2003 đến nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát 5 đợt, số lượng gia cầm phải tiêu hủy đã lên trên 51 triệu con, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Cùng đó, dịch “tai xanh”, bệnh lở mồm long móng... cũng đã cướp đi hàng trăm ngàn con gia súc.

Tất cả số gia súc, gia cầm trên, bằng cách này, cách khác đã được chôn lấp rải rác trên mọi miền đất nước. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng theo ước tính, trong vài năm qua đã có hàng trăm ngàn hố chôn lấp gia súc, gia cầm mắc bệnh; chỉ riêng Hà Tây (cũ) đã có trên 550 hố chôn.

“Nếu vẽ trên bản đồ mật độ các hố chôn thì nhiều khu vực sẽ thấy biểu hiện dày đặc. Chẳng hạn, đợt đại dịch cúm gia cầm năm 2004 đã khiến hơn 43,9 triệu con gia cầm phải tiêu hủy, tập trung chủ yếu ở Long An, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Hà Tây (nay thuộc Hà Nội); hố chôn nhiều nhất tới 104.000 con, hố chôn phổ biến từ 20.000 đến 50.000 con” - Bà Nguyễn Hoa Lý, đại diện nhóm nghiên cứu, nói.

Đáng lo ngại hơn, hầu hết gia cầm bị tiêu hủy đều được chôn lấp ngay tại khu vực có dịch. Vị trí chôn lấp chủ yếu chôn ngoài trang trại hoặc tại các nghĩa địa, gò đồi, ven sông suối.

Chất hữu cơ độc hại, vi sinh vật... tràn hố

Cục Thú y cho biết, có 31-54% số hố bị lún sụp sau khi chôn lấp; nhiều hố chôn bị nứt trên miệng hố, bốc mùi hôi thối ra khu vực xung quanh. Trong số 19 hố chôn được khai quật, số lượng hố có hiện tượng nước bẩn tràn ra miệng sau khi chôn lấp chiếm 2,1-4,7% và thường xảy ra nhiều ở vùng đất ngập nước, đất có mạch nước ngầm thấp, đất sét không thấm nước.

Nước bẩn do quá trình phân hủy yếm khí trong hố chôn nên chảy tràn ra môi trường xung quanh. Nguyên nhân được xác định là do việc lấp đất được thực hiện sơ sài, không nén chặt đất trên miệng hố hoặc lớp đất quá mỏng.

Bà Nguyễn Hoa Lý - đại diện nhóm nghiên cứu của Cục Thú y cho biết, tại 3 hố chôn gia cầm ở Hà Tây (cũ), với số lượng 6.500 - 7.600 con/hố (chôn tháng 2/2004), các chất chứa trong hố chôn có màu đen kịt, ẩm ướt và mùi rất thối.

Chôn gia súc mắc dịch tại Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Lam

Trong đó, phát hiện rất nhiều mảnh xương gia cầm cứng, khó phân hủy. Lông gia cầm, bao nilon chứa xác gia cầm khi chôn hầu như còn nguyên vẹn, dù đã chôn được tới 3 tháng!

Cũng trong 3 hố chôn này, qua xét nghiệm cho kết quả: Chất hữu cơ biến động trong khoảng 16-26% (làm tròn); ẩm độ từ hơn 58% đến hơn 72%. Trong tổng số 134 mẫu giếng nước (60 giếng đào và 74 giếng khoan) của các trại có chôn lấp gia cầm được kiểm tra (các giếng cách hố chôn dưới 50 m, số lượng gia cầm 500 - 3.000 con/hố) thì có tới hơn 23% mẫu bị nhiễm bẩn do chất hữu cơ, hơn 42% nhiễm bẩn do vi sinh vật. Tỷ lệ giếng khoan bị nhiễm bẩn là 12,5%, trong khi giếng đào bị nhiễm bẩn lên hơn 65%.

Dù hầu hết các hố chôn đã thực hiện theo quy trình mà Cục Thú y hướng dẫn nhưng ô nhiễm từ các hố chôn này vẫn rất nặng nề, nhất là ở những vùng trũng, thấp.

Đặc biệt, đối với các hố chôn lớn (trên 30.000 con/hố), khả năng gây ô nhiễm càng nghiêm trọng. Sự ô nhiễm tăng từ tháng thứ 7-8 và mức độ ô nhiễm cao nhất là khoảng thời gian 12-20 tháng sau khi chôn lấp.

Lãnh đạo Cục Thú y thừa nhận, vẫn còn những hố chôn gia súc, gia cầm chưa đúng kỹ thuật và kể cả những hố chôn đúng quy trình thì vẫn gây ô nhiễm môi trường ở nhiều mức độ khác nhau.

Vì thế, nhóm nghiên cứu cho rằng, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các hố chôn lấp gia cầm gây ra, cần phổ biến kỹ thuật chôn lấp để người dân thực hiện khi có dịch.

Thanh Hóa: Chưa xác định được nguồn nước ngầm có bị ô nhiễm

Theo quan sát bằng mắt thường tại các hố chôn lợn dịch tai xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm hiện nay đã không còn mùi, màu ô nhiễm trên bề mặt xung quanh vị trí hố chôn. Các hố chôn, lấp cỏ đã mọc xanh.

Ông Trần Quang Trung- Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: “Sau khi xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các hố chôn lợn dịch tai xanh, cơ quan chức năng của tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tiếp tục giám sát, theo dõi môi trường xung quanh khu vực hố chôn.

Đến thời điểm hiện nay, chưa có phản ánh của địa phương nào về ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất hàng ngày đối với người dân từ các hố chôn.

Tuy nhiên, hiện nay do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, đội ngũ cán bộ khoa học nên việc xác định nguồn nước ngầm có ô nhiễm hay không, ô nhiễm ở mức độ nào thì chưa thể khẳng định được”.