Nhiều nơi “chống lệnh” chuyển doanh nghiệp về SCIC

TP - Hiện Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới tiếp nhận chưa tới 1% tổng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DNNN). Điều này do một số bộ ngành, địa phương chưa tích cực triển khai, thậm chí trì hoãn việc chuyển giao vì muốn giữ lại DN để mình quản lý.

Sáng 21/2, tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp chuyển giao doanh nghiệp về SCIC do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, SCIC cho biết, tới nay đơn vị mới tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 1.000 DN. Các DN này có tổng số vốn nhà nước hơn 9.900 tỷ đồng, chỉ bằng gần 1% tổng số vốn nhà nước đang đầu tư vào DN.

Từ năm 2013 tới nay, có khoảng 173/234 DN đã thỏa thuận chuyển giao vốn về SCIC, nhưng không thực hiện. Trong đó, có 32 DN thuộc các bộ ngành làm chủ sở hữu, 141 DN thuộc quản lý các địa phương. Đặc biệt, có nhiều tập đoàn, tổng công ty Thủ tướng đã chỉ định chuyển giao quyền quản lý vốn nhà nước về SCIC, nhưng tới nay vẫn chưa được thực hiện.

Theo Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, một số bộ, địa phương chưa tích cực triển khai, thậm chí trì hoãn việc chuyển giao, muốn giữ DN lại để quản lý. Nhiều địa phương có quan điểm không chuyển về SCIC các DN “phục vụ cho sự phát triển của địa phương”. 

Một số địa phương thành lập tổng công ty, nhóm công ty mẹ - công ty con quản lý DN để tránh phải chuyển về SCIC. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, một số trường hợp SCIC không muốn nhận, vì tình hình sản xuất kinh doanh của DN không thuận lợi. Trong khi đó, theo ông Hiếu, quy định pháp luật chưa đủ, thiếu rõ ràng nên cơ quan chức năng khó gây sức ép để các bên thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận xét, quá trình chuyển giao quyền sở hữu DN về SCIC bê trễ thể hiện chất lượng cải cách DNNN quá chậm. “Sâu xa hơn, tình trạng chậm trễ này là sự níu kéo, giằng xé lợi ích. Đấy là những thứ cần phải trao đổi để tìm kiếm giải pháp hợp lý”, ông Cung nói.

Phó tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Hồng Hiển cho biết, trong số hơn 1.000 DN đã chuyển về SCIC quản lý có hơn 80% là DN nhỏ, hoạt động kém hiệu quả; gần 7% DN thuộc diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ. Tuy nhiên, số DN được bàn giao về SCIC đang có xu hướng giảm dần qua các năm, đặc biệt từ năm 2009 tới nay.