Nhiều nhà máy xử lý nước thải cũng xả thẳng

TP - Hiện nay, 60% các KCN trên cả nước đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Thế nhưng không ít các nhà máy xử lý nước thải này lại xả thải trực tiếp ra môi trường. TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ với Tiền Phong.

> Lo ngại bệnh tật từ nông sản
> Dân lãnh đủ vì nước thải công nghiệp

Thưa ông, hiện nay mỗi ngày nước thải từ các KCN ra môi trường là bao nhiêu? Trong số đó, bao nhiêu lượng nước thải xả thẳng ra môi trường?

Số liệu thống kê mới đây nhất năm 2013 cho thấy, trung bình mỗi ngày khoảng 600.000 m3 nước thải công nghiệp đổ ra môi trường. Khoảng 60% trong số đó đã qua xử lý.

Như thế là tăng hay giảm so với những năm trước?

Giảm về giá trị tương đối nhưng tăng về giá trị tuyệt đối. Trước đây, lượng nước thải xả thẳng cao hơn bây giờ nhưng thực tế, lượng nước thải công nghiệp (tính bằng m3) trực tiếp thải ra môi trường bây giờ lại cao hơn. Ước tính khoảng 240.000 m3 nước thải công nghiệp xả thẳng ra môi trường mỗi ngày. Nguyên nhân là những năm qua, số lượng các khu công nghiệp của Việt Nam vẫn tăng lên.

25 nhà máy trong khu công nghiệp Quang Minh chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây bức xúc cho người dân trong vùng. Trong ảnh là họng thải của nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Như thế, những giải pháp môi trường mấy năm gần đây chưa tạo ra chuyển biến?

Các giải pháp vẫn chưa tạo ra được những chuyển biến như mong muốn. Vì vậy, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường phải có báo cáo về tình hình môi trường các khu công nghiệp, khu kinh tế.

 Sắp tới, chúng tôi sẽ thanh tra, kiểm soát xả thải của các doanh nghiệp bằng cách lắp các trạm quan trắc. Các trạm quan trắc tự động sẽ giúp giám sát 24/24 các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường.

TS Hoàng Dương Tùng

Hiện 60% các KCN ở Việt Nam đã có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung nhưng chúng tôi vẫn phải phân thành ba nhóm: nhóm các KCN có hệ thống XLNT tập trung vận hành tốt, nhóm có hệ thống XLNT tập trung nhưng vận hành có vấn đề và nhóm chưa có hệ thống XLNT tập trung. Trong đó, nhóm các KCN có nhà máy XLNT tập trung nhưng vận hành có vấn đề

khá nhiều.

Việc vận hành một hệ thống xử lý nước thải tập trung khá tốn kém như tiền điện, tiền hóa chất, tiền nhân công. Vì thế, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy xử lý nước thải vẫn né tránh vận hành. Đây là vấn đề rất nan giải.

Ngoài ra, tại nhiều KCN có hệ thống XLNT nhưng không phải tất cả các nhà máy trong KCN đều đấu nối vào hệ thống XLNT tập trung. Đây là hệ quả của một thời kỳ phát triển quá nóng KCN. Nhiều KCN trước khi hình thành đã là những cụm công nghiệp. Khi phát triển thành KCN mới xây dựng hệ thống XLNT tập trung. Việc đấu nối của các doanh nghiệp cũ vào hệ thống này thường gặp khó khăn, vì thế 25 doanh nghiệp vẫn chưa được đấu nối, gây ra những bức xúc về môi trường mà người dân kêu suốt trên báo chí.

Theo ông, vấn đề môi trường đang làm gia tăng bức xúc trong nhân dân như thế nào?

Khiếu nại, tố cáo về vấn đề môi trường tăng nhanh những năm qua, số vụ khiếu nại chỉ đứng thứ hai sau đất đai.

Xin cảm ơn ông!

Cần tới 276.814 tỷ đồng xử lý nước thải KCN

Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Việt Nam phải cần 50,88 tỷ USD, khoảng 1.107.657 tỷ đồng để bảo vệ môi trường. Trong đó, việc xử lý nước thải công nghiệp cần tới 276.814 tỷ đồng.

Nguyễn Hoài
Thực hiện

Theo Báo giấy