Ông Hồ Anh Tuấn nói thêm, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, nên khả năng tự bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đối với 5 dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Ơ Đu và Brâu hạn chế. Có dân tộc không tồn tại mô hình cư trú bản làng truyền thống. Trong quá trình tiếp xúc giao lưu với dân tộc khác, đặc trưng văn hóa có sự pha trộn, giao thoa và có dấu hiệu bị đồng hóa rõ rệt mà lâu nay nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc học cảnh báo.
Hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở 5 dân tộc này, không chỉ bàn về văn hóa. Nào là khó khăn đường sá, nguồn vốn, công cụ may dệt lao động mai một, con em dân tộc được cử đi học cao đẳng, đại học nhưng không có việc làm dễ sa ngã tệ nạn.
Ông Pờ Chà Nga 60 tuổi người Si La ở tỉnh Lai Châu kể, dân tộc này trước đây sống cách biệt, từ năm 1972 được nhà nước vận động “hạ sơn”, có tôn ti trật tự. Trước con chú con bác lấy nhau, giờ mở rộng ra nhiều dân tộc anh em như Mông, Hà Nhì, Thái, Mường. “Hộ nghèo hiện chỉ còn độ 70% thôi”, ông nói.
“Dân tộc Si La ở rất gần với các dân tộc khác, mất hết tiếng mẹ đẻ. Đa số trẻ con sinh ra không biết hát hò dân ca dân vũ của dân tộc”, ông Nga cho biết. Bà Hù Cố Xuân cũng người Si La ở huyện Mường Tè, Lai Châu đồng quan điểm, lo ngại mai một các điệu dân ca, dân vũ.
Trưởng bản dân tộc Rơ Măm ở Kon Tum cũng đề nghị hỗ trợ nhiều hơn để phát huy văn hóa. Nhiều làng chưa có nhà văn hóa cộng đồng, có người than nhà văn hóa do nhà nước hỗ trợ “theo thiết kế nhà nước”, không đúng bản sắc dân tộc, chỉ xứng gọi là hội trường sinh hoạt chung.
PGS.TS Lê Ngọc Thắng lên tiếng: “Có dân tộc suy giảm dân số rõ rệt so với mươi năm trước như người Si La, Pu Péo. Chúng ta bàn về bảo tồn văn hóa mà không nói đến chủ thể văn hóa là chưa được. Sự suy giảm dân số liên quan đến nguy cơ mai một văn hóa từ bên trong cộng đồng”. Ông nhấn mạnh, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cảnh báo, muốn một ngôn ngữ sống cần ít nhất 20 vạn người, phải có môi trường văn hóa đủ lớn để dân tộc đó tồn tại.