Nhiều người ‘ngã ngửa’ vì ông Trump đòi Hàn Quốc trả mức phí ‘cắt cổ’

TPO - Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đến Hàn Quốc để trấn an đồng minh  trước mối đe dọa từ Triều Tiên và xử lý căng thẳng mới trong quan hệ song phương mà giới chính trị gia và chuyên gia cho rằng do Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra. 
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo (trái) đón người đồng cấp Mỹ đến thăm. (Ảnh: AP)

Ông Trump đòi Hàn Quốc phải trả thêm gần 500% chi phí trong năm 2020 để trang trải cho việc Mỹ duy trì lực lượng đồn trú trên bán đảo, một trợ lý trong quốc hội và một quan chức trong chính quyền Mỹ xác nhận với CNN

Mức giá này khiến các quan chức trong Lầu Năm góc, các nghị sĩ thuộc cả lưỡng đảng cực kỳ lo ngại. Nó cũng khiến Seoul nổi giận và lo lắng về khả năng Mỹ không giữ cam kết đối với quan hệ đồng minh và gây hoài nghi liệu ông Trump có rút quân về nếu Hàn Quốc không đồng ý trả mức tiền đó. 

Tại Mỹ, các trợ lý trong quốc hội và chuyên gia về Hàn Quốc nắm được tình hình cho biết việc ông Trump đòi Seoul trả 4,7 tỷ USD là hoàn toàn bất ngờ và không căn cứ vào đâu, khiến các quan chức trong Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ phải chật vật nghĩ ra một số khoản chi phí mới mà Seoul phải trả cho lực lượng Mỹ đang hiện diện trên bán đảo và các trang thiết bị được luân chuyển. 

Đàm phán về chi phí diễn ra khi Triều Tiên dọa sẽ gia tăng phát triển vũ khí, khiến Seoul càng thêm lo ngại. Hôm qua, Bình Nhưỡng lên án chiến dịch tập trận chung Mỹ - Hàn, nói rằng họ “vô cùng tức giận” và dọa sẽ đáp trả với “sức mạnh tương xứng”. 

“Hiện có rất nhiều cảm xúc khó khăn”, ông Bruce Klingner, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Di sản (trụ sở tại Washington), nói về quan điểm của Hàn Quốc hiện nay đối với Mỹ. Chuyên gia này cho rằng nhiều người Hàn Quốc hiện nay đang hoài nghi rằng Mỹ có phải một đồng minh đáng tin cậy. 

Cảm xúc đó một phần do Mỹ phản ứng nhạt nhòa trước những vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên. “Sự khó chịu đó càng tăng lên khi Mỹ đòi mức phí cắt cổ để duy trì lực lượng đồn trú”, ông Klingner nói. 

Ông Scott Snyder, giám đốc chương trình chính sách Mỹ - Hàn tại Hội đồng quan hệ đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách tại Mỹ, cho rằng việc Tổng thống Mỹ đưa ra mức giá cao như vậy “đang gây lo lắng rằng ông ấy sẽ dùng đó làm cái cớ để rút quân về”. 

“Điều đó sẽ gây hoài nghi về uy tín của Mỹ trong vai trò một nhà bảo trợ, một đối tác của liên minh. Và điều đó không tốt cho quan hệ song phương”, ông Snyder nói. 

Còn một quan chức của chính quyền Mỹ nói rằng Mỹ đã làm rất nhiều thứ để bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc mà không được tính toán gì trong mấy chục năm qua. “Trước đây Hàn Quốc phải khắc phục hậu quả chiến tranh, nhưng nay họ đã là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới”, vị quan chức nói. 

“Người Hàn Quốc từng nói rằng cuối cùng họ muốn đảm trách vấn đề an ninh của bán đảo và đứng với tư cách một nước ngang bằng trong lĩnh vực an ninh. Giờ đây, họ cần có một số đầu tư cơ bản để có được vị trí họ muốn, vì thế đây là cơ hội cho họ”, quan chức này. 

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc “trang trải chi phí cho sự hiện diện của Mỹ trên toàn cầu không phải một gánh năng mà riêng người nộp thuế Mỹ phải gánh, mà đó là trách nhiệm cần được san sẻ công bằng với các đồng minh và đối tác đang hưởng lợi từ sự hiện diện của chúng tôi”. 

Thỏa thuận chia sẻ chi phí giữa Mỹ và Hàn Quốc đã có từ mấy chục năm trước, nhưng đến thời ông Trump thì phải đàm phán lại 5 năm một lần. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, ông Trump nói rằng sẽ rút quân Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên nếu ông không nhận được 100% đền bù cho sự hiện diện của lính Mỹ. 

Quan điểm của ông Trump đang khiến rất nhiều chuyên gia và nghị sĩ Mỹ lo ngại.

Thượng nghị sĩ Edward Markey, một nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ trong tiểu ủy ban về châu Á thuộc Ủy ban đối ngoại thượng viện, cho biết ông rất lo lắng về yêu cầu của ông Trump.

“Nếu Hàn Quốc quyết định rằng tốt hơn lính Mỹ không ở đó nữa, Tổng thống Trump sẽ làm hỏng cam kết suốt 60 năm của Mỹ đối với hòa bình, ổn định và pháp quyền. Cả khu vực sẽ bớt an toàn hơn khi các nước mất lòng tin vào khả năng dẫn dắt của Mỹ”, ông Markey nói. 

Sau cánh cửa, một trợ lý trong quốc hội Mỹ nói rằng đang có “rất nhiều lo ngại từ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Mọi người không vui. Họ nghĩ điều này thực sự nguy hiểm”, vị trợ lý nói.

Theo theo CNN