Nhiều khu công nghiệp trọng điểm phía Nam thiếu lao động trầm trọng

TP - Nhiều doanh nghiệp (DN) ở khu vực sản xuất công nghiệp trọng điểm phía Nam như TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Dù trả lương và phụ cấp cao cùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn khác nhưng doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng đủ công nhân.

Lương cao vẫn khó tuyển dụng

Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM) chuyên sản xuất giày dép hiện có trên 2.500 công nhân lao động (LĐ). Theo bà Phạm Thị Út, Phó Tổng giám đốc công ty này, DN gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng đảm bảo đời sống cho LĐ với mức lương trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH Tỷ Hùng đang thiếu công nhân và có nhu cầu tuyển 500-700 LĐ nhưng tìm không ra người. “Hằng tuần, chúng tôi đều tuyển dụng qua nhiều kênh như đăng thông tin lên website công ty, liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm; người quen giới thiệu… nhưng vẫn không có. Chúng tôi đang lên kế hoạch về các tỉnh miền Tây để tuyển người đưa lên TPHCM làm việc”, bà Út nói.

Ngày hội tuyển dụng lao động tại quận Bình Thạnh (TPHCM) hồi đầu tháng 5/2022. Ảnh: U.P

Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) đang làm đơn hàng may cho khách hàng ở châu Âu, châu Mỹ. Ngay sau dịch, DN mở thêm chi nhánh ở Đồng Nai, Đồng Tháp… Để tuyển dụng LĐ, Gilimex đưa mức lương 8-13 triệu đồng/tháng; thưởng cuối năm 2-3 tháng lương cùng phụ cấp tiền nhà trọ, gửi trẻ (200.000 đồng/tháng). Tương tự, nhiều ngày qua, Công ty Cổ phần dệt may Gia Định đăng tuyển gấp 300 lao động phổ thông, thợ may với mức lương 7-15 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, DN còn hỗ trợ các khoản phúc lợi khác như tiền xăng xe, tiền cơm, thưởng chuyên cần, thuê phòng trọ, tiền gửi trẻ. Tuy nhiên, lượng lao động đăng ký tuyển dụng vẫn rất thưa thớt, chưa đủ so với nhu cầu của doanh nghiệp.

“Nếu doanh nghiệp có nhiều chính sách chăm lo người lao động thì họ sẽ coi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ 2; họ sẽ ở lại cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM

Tại tỉnh Bình Dương, những ngày qua, xung quanh các khu công nghiệp, nhiều DN bố trí nhân sự, bàn ghế ngay bên đường để tuyển công nhân với mức lương 6-12 triệu đồng/tháng. Theo ông Nguyễn Lâm, Giám đốc Công ty Sản xuất - thương mại Bình Dương, hai năm trước, lương bình quân của công nhân khoảng 5 triệu đồng và nếu tăng ca là 7 triệu đồng/tháng. Năm nay công ty đã tăng lương và hiện đang ở mức 10-12 triệu đồng/tháng nhưng từ đầu năm đến nay, DN vẫn còn thiếu khoảng 300 lao động.

Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Bình Dương) có nhu cầu mở rộng sản xuất nên cần tuyển thêm 1.000 lao động. “Công ty tăng lương, thưởng bố trí xe đưa rước tận nhà nhưng tìm không ra lao động. Việc thiếu người làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất theo đơn hàng đã ký với đối tác”, bà Phạm Thị Duyên, Trưởng Phòng Cấp cao sản xuất của công ty này cho hay.

Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) TPHCM, địa phương hiện có 37.000 DN đang cần tuyển dụng hơn 83.000 công nhân. Dự báo từ nay đến cuối năm, TPHCM cần 135.000 - 150.000 công nhân và nhiều khả năng tiếp tục thiếu lao động, đặc biệt trong những tháng cao điểm cuối năm. Còn theo Sở LĐTB&XH Bình Dương, các DN của tỉnh hiện cần tuyển dụng thêm khoảng 70.000 lao động.

Nhiều doanh nghiệp tại KCN Amata (Đồng Nai) tuyển dụng lao động, nhưng ít người tìm việc. Ảnh: M.Thắng

Tìm cách giữ chân

Chiều 9/6, tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hà (46 tuổi, quê ở Nghệ An, có thâm niên hơn 25 năm làm việc tại Công ty Changshin Việt Nam) đến làm thủ tục xin nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. “Mình đã lớn tuổi, sức khỏe không còn phù hợp với công việc ở nhà xưởng. Con cái thì đã có việc làm ổn định. Hai vợ chồng xin nghỉ việc về quê. Khoản tiền dành dụm, tiền nghỉ chế độ, nếu chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi thì cuộc sống an nhàn hơn so với sinh sống ở thành phố, chi phí đắt đỏ”, bà Hà bộc bạch.

Theo một số DN ở Bình Dương, nhiều công nhân trong đợt xảy ra dịch bệnh và dịp Tết Nguyên đán 2022 trở về quê và đến nay không trở lại làm việc. “Một số lao động ở khu vực miền Tây dù quay lại Bình Dương nhưng họ chọn làm việc khác, trong khi người miền Trung, miền Bắc lại chọn đi xuất khẩu lao động nước ngoài”, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Khang Gia chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, nhiều LĐ ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung đang có xu hướng về quê lập nghiệp. Hầu hết các tỉnh đều phát triển các khu công nghiệp, đa dạng ngành nghề nên người LĐ chọn làm việc gần nhà. Trong thời gian tới, việc tuyển dụng LĐ dự báo sẽ còn khó khăn hơn khi các DN nâng công suất, mở rộng sản xuất.

Để ứng phó với làn sóng công nhân bỏ việc về quê, nhiều địa phương phía Nam đang ráo riết thực hiện chính sách thu hút và giữ chân LĐ ở lại làm việc.

Tỉnh Đồng Nai đang kết hợp với một số tỉnh miền Tây Nam bộ đăng các thông tin tuyển dụng của DN, công khai các chế độ, chính sách để thu hút LĐ. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, nhu cầu về nhà giá rẻ cho công nhân và người có thu nhập thấp rất lớn. Tỉnh đang tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội để bán hoặc cho công nhân thuê ổn định cuộc sống và an tâm ở lại làm việc.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Dương cho biết, tỉnh đã lập đoàn cán bộ làm việc với các tỉnh, thành phố về chính sách chăm lo cho người LĐ xa quê, như về tận quê đón LĐ vào Bình Dương làm việc, hỗ trợ nơi ở… Nhiều DN đã bố trí đất để xây nhà ở và trường mầm non phục vụ công nhân. “Các ban ngành, địa phương đã và đang dồn hết tâm sức để hỗ trợ DN tuyển dụng lao động, ổn định sản xuất”, ông Tuyên nói.