Nhiều khó khăn đối phó dịch cúm gia cầm

TP - Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch cúm gia cầm H7N9, H5N1 trên người. Trao đổi với báo chí ngày 11/2, TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) quan ngại, gia cầm nhiễm virus H7N9 không biểu hiện ra bên ngoài nhưng gây tử vong cao cho người.
Phòng chống cúm gia cầm đang là nỗi lo. Ảnh: Hồng Vĩnh

Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết: Việt Nam sát biên giới với Trung Quốc, nguy cơ lây truyền bệnh cao. Hơn nữa tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) giáp với Quảng Ninh, Lạng Sơn đã có ca bệnh trên người, xét nghiệm trên đàn gia cầm có virus H7N9 nên nguy cơ dịch lây sang Việt Nam rất cao vì hai địa phương trên giao thương, du lịch nhiều với Quảng Tây. 

Ngoài ra, gà nhập lậu qua biên giới là nguồn lây bệnh rõ ràng nhất nếu không kiểm soát được. Hiện các tỉnh phía Nam cũng là điểm nóng của cúm A/H5N1. Từ đầu năm 2014 ghi nhận 2 ca mắc cúm A/H5N1 tại Bình Phước, Đồng Tháp. Cả hai bệnh nhân đều đã tử vong.

Điều lo ngại nhất trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên người hiện nay là gì, thưa ông?

Điều đáng lo ngại nhất là những nước láng giềng, thậm chí địa bàn ngay sát biên giới với Việt Nam đang có dịch. Nếu không có biện pháp quyết liệt, dịch sẽ xâm nhập và bùng phát. 

TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa khuyến cáo hạn chế du lịch, thương mại nhưng đã nâng mức cảnh báo khi khuyến cáo khách du lịch không đến các chợ gia cầm sống. Ngành y tế Việt Nam hiện cũng đang thực hiện khuyến cáo như của WHO.

TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

Đặc biệt, nguy cơ tiếp tục bùng phát các ổ dịch bệnh cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm, thủy cầm và lây bệnh sang người với số mắc gia tăng tại Việt Nam nếu không triển khai các biện pháp phòng chống, kiểm soát cúm gia cầm và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh. Dịch cúm lưu hành trên đàn gia cầm lây sang người tồn tại tương đối lâu. 

Như cúm A/H5N1 xuất hiện từ năm 2003 nhưng đến nay Việt Nam cũng như nhiều nước vẫn chưa khống chế, chỉ giảm đi hoặc duy trì. H7N9 cũng gây dịch trên gia cầm nhưng khó phát hiện hơn cúm H5N1 vì không biểu hiện bệnh cho đàn gia cầm, vì thế bệnh lan truyền dễ hơn. Hiện vẫn không biết lối nào để khống chế dịch trên gia cầm do đó Trung Quốc khống chế bằng cách tiêu hủy gia cầm tại các chợ có dịch.

Phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn vì dịch lây từ gia cầm sang người, không gây bệnh trên gia cầm, nếu không quản lý, không giám sát tốt dịch trên gia cầm thì không giải quyết được dịch bệnh trên người.

Tại Hà Nội nhiều hộ gia đình nuôi gà trên tầng thượng, hoặc trong nhà, ông nhận định thế nào về thực trạng này?

Việc các hộ gia đình nuôi gia cầm tự phát, không qua kiểm dịch thú y nên rất khó kiểm soát và khống chế dịch bệnh. Cúm gia cầm rất dễ lây từ gia cầm sang người vì thế việc không tuân thủ kiểm dịch thú y sẽ dẫn tới nguy cơ gia cầm mắc bệnh và có thể lây sang người. 

Hai trường hợp tử vong vì cúm gia cầm H5N1 trong 2 tháng đầu năm là do người dân không có ý thức tự giác trong việc sử dụng gia cầm, gia cầm ốm vẫn giết để ăn, người ăn không mắc bệnh mà người tiếp xúc mắc và tử vong.

Có hay không việc virus biến đổi hoặc tái tổ hợp để tạo thành chủng virus mới có độc lực cao hơn, thưa ông?

Virus cúm bản chất là có độc lực, có tính đột biến và thích nghi cao với 2 kháng nguyên chính là H và N nên có thể tái tổ hợp, tạo ra rất nhiều chủng khác nhau. Virus chứa H5, H7, H9 thuộc nhóm có độc lực cao. Điều lo lắng nhất là tái tổ hợp thành chủng cúm mới. Tuy nhiên, hiện qua theo dõi giám sát cả của thế giới và Việt Nam chưa có chủng cúm mới xuất hiện. 

Tuy nhiên, chủng virus cúm tồn tại lâu và không thể tiêu diệt. Con người buộc phải chung sống, thích ứng với chúng. Điều đáng nói là những chủng cúm có độc lực cao cần có biện pháp đề phòng. Việc xác định chủng nào nguy hiểm nhất phải dựa vào yếu tố có khả năng lây từ người sang người không và bùng phát với số lượng mắc lớn không. Thời điểm này, chủng cúm H7N9 và H5N1 đang là mối lo với chúng ta.