Những cảnh báo trên được đưa ra tại hội thảo “Than và nhiệt điện than: Những điều chưa biết”, do Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức ngày 29/9.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh (đại diện GreenID), việc có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than cùng hoạt động vào năm 2030, lượng khí CO2 phát thải lên tới 359,8 triệu tấn sẽ làm gia tăng bệnh tật do khí thải từ than ở Việt Nam. Ước tính, Việt Nam sẽ bị thiệt hại khoảng 639 triệu USD chi phí y tế do các khí thải độc hại thải ra từ việc đốt than ảnh hưởng sức khỏe con người.
Con số báo động được nhóm nghiên cứu Trường Đại học Harvard công bố cho thấy, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người/năm. Nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành, số người chết có thể lên đến 25.000 người/năm.
“Việc phát triển nhiều nhiệt điện than sẽ kéo theo các chi phí lớn và gánh nặng cho xã hội về việc chăm sóc sức khỏe. Cùng đó, ô nhiễm do khí, nước thải từ các nhà máy sẽ làm mất hệ sinh thái, gây ô nhiễm đất ở các địa phương”, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Green ID cho biết.
Theo tính toán, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than đi vào hoạt động cùng lúc vào năm 2030, lượng chất thải độc hại trong không khí như lưu huỳnh, ô xít nitơ sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Trong đó, các chất dạng hạt gây ô nhiễm sẽ tăng cao nhất tại Hà Nội.