> Hàn Quốc 'cấm cửa' lao động Việt Nam
> Cosevco Nghệ An có dấu hiệu lừa người lao động
Nhiều đơn hàng tốt
Ông Đào Công Hải - Phó cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong năm 2013, mục tiêu cả nước sẽ đưa 85.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Theo ông Hải, dù năm 2013 được dự báo là khó khăn, nhưng những thị trường truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam vẫn đang mở rộng cửa. Dự kiến như Nhật Bản, sẽ tăng số lượng tiếp nhận lao động Việt Nam từ 7.000 lao động (năm 2012) lên khoảng 8.000-9.000 lao động trong năm 2013.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Văn Hùng - Tổng giám đốc Công ty TTLC (thuộc Tổng Cty Vinamotor) cho biết, trong tháng đầu năm 2013, nhiều đối tác Nhật Bản đã tìm đến Cty mời cung ứng nhân lực.
Theo ông Hùng, Nhật Bản là thị trường rất khắt khe. Năm 2012, mỗi đơn hàng đưa được từ 10-15 lao động sang Nhật làm việc đã là thành công. Tuy nhiên, trong tháng đầu năm, có nhiều đơn hàng phía đối tác Nhật Bản cần số lượng nhiều hơn.
Với tín hiệu tốt lành trong tháng đầu năm 2013, TTLC đề ra mục tiêu sẽ đưa khoảng 200 lao động sang Nhật làm việc trong năm 2013.
Ông Lê Nhật Tân - Phó giám đốc Cty cổ phần phát triển nguồn nhân lực (LOD) cho biết, Nhật Bản hiện đang có xu hướng chuyển sang tuyển dụng lao động Việt Nam thay vì tuyển lao động Trung Quốc như trước đây. “Đây là cơ hội rất tốt để đưa nhiều lao động sang Nhật làm việc trong năm 2013. Dù sao Nhật Bản vẫn là thị trường cho thu nhập cao, hấp dẫn người lao động” - ông Tân nói.
Ông Đào Công Hải cho biết, hiện cả nước có gần 100 công ty được phép đưa lao động sang Nhật Bản. Theo ông Hải, Nhật Bản là một thị trường tốt, cho thu nhập cao, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của lao động cơ bản được đảm bảo.
Thu nhập của lao động khoảng từ 15-30 triệu đồng/tháng, tuỳ theo công việc. Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản chủ yếu làm nghề may công nghiệp, lắp ráp điện tử, gia công cơ khí, xây dựng.
Số lượng gia tăng
Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong năm 2012, tổng số lao động được đưa sang Nhật làm việc là 8.775 người. Trung bình mỗi tháng có 731 lao động được đưa sang Nhật. Thị trường lao động Nhật Bản khá đặc thù, không tiếp nhận lao động ồ ạt như các thị trường khác.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 tới nay, đã xuất hiện nhiều đơn yêu cầu cung ứng số lượng lao động từ 50-100 người. Trong ba tháng trở lại đây, số lượng các đơn yêu cầu cung ứng lao động Việt Nam từ các đối tác Nhật liên tục tăng.
Trong tháng 10-2012 có 1.900 lao động được thẩm định hợp đồng sang Nhật; tháng 11-2012 có 1.999 lao động và đến tháng 12-2012 có 1.720 lao động được thẩm định hợp đồng.
Ông Đào Công Hải cho biết, với xu hướng các đơn hàng tuyển chọn lao động Việt Nam tiếp tục gia tăng trong tháng 1-2013, chắc chắn, số lượng lao động sang Nhật Bản làm việc năm nay sẽ tăng cao hơn so với năm 2012.
Tuy nhiên, để gia tăng số lượng lao động sang Nhật Bản, các Cty XKLĐ phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo về nghề, kỹ năng và ngoại ngữ.
“Nhật Bản là một thị trường cho thu nhập cao đối với lao động nhưng tuyển chọn lại hết sức khắt khe nên điều quan trọng là các Cty XKLĐ phải tập trung đào tạo và cung ứng được lao động có chất lượng” - ông Hải nói.
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, hiện nay, Việt Nam có khoảng 20.000 lao động và tu nghiệp sinh đang làm việc và tu nghiệp tại Nhật Bản.