> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản
Thảm họa kép ngày 11 - 3 vừa qua cướp đi mạng sống của hơn 18.000 dân và gần như san phẳng vùng Đông Bắc Nhật Bản, khiến mức tăng trưởng kinh tế của Nhật giảm 0,5% điểm trong năm nay, WB cho biết.
Tác động tăng trưởng chủ yếu ảnh hưởng trong giai đoạn nửa đầu năm 2011. “Những thiệt hại về nhà cửa và cơ sở hạ tầng là chưa từng thấy trong lịch sử. Mặc dù vậy, đà tăng trưởng sẽ phục hồi trở lại trong quý sau khi những nỗ lực tái xây dựng bắt đầu có hiệu quả, và năm năm sau sẽ hoàn thiện”.
Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, con số thiệt hại ước tính khoảng 123 tỷ đến 235 tỷ USD, giá trị bảo hiểm chi cho người dân sau thảm họa cũng đạt con số kỷ lục, từ 14 đến 33 tỷ USD. Chính phủ Nhật Bản sẽ phải chi khoảng 12 tỷ USD trong ngân khố để xây dựng lại các công trình trọng điểm.
Trong khi đó, WB cho rằng, nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nơi chính quyền đang chạy đua để dập tắt khủng hoảng hạt nhân, chưa thể biết được số phận sẽ ra sao trong tương lai.
Một số loại thực phẩm đầu tiên như sữa và rau từ các thành phố lân cận nhà máy hạt nhân Fukushima đã được phát hiện có chứa hàm lượng phóng xạ vượt mức cho phép. Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định mức độ này chưa gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật sẽ giảm đột biến, điều này ảnh hưởng tới hoạt động thương mại cũng như xuất nhập khẩu của một số nước láng giềng, WB nhận định. Ảnh hưởng nặng nề nhất là hai lĩnh vực ngành điện tử và xe hơi.
Các công ty điện tử Hàn Quốc đã phải chứng kiến giá nhập linh kiện điện tử với giá tăng hơn 20%, trong khi các nhà xuất khẩu xe hơi Thái Lan có thể rút ra khỏi thị trường phụ tùng xe của Nhật trong tháng tới.
Miền Đông Bắc Nhật Bản, trung tâm của hai thảm họa lớn nhất lịch sử, là khu vực tập trung nhiều nhà máy thép, chế biến dầu, nhà máy hạt nhân, cũng như các công ty ô tô và điện tử.
Gia Bảo
Theo AP