"Tự nguyện" kiểu… ép buộc
Đang hì hục xử lý công việc vừa được giao, Thu Hà (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) chợt nhận tin nhắn từ sếp: "Em xuống hồ cá soi đèn, phụ chị sửa ống nước nhé!".
Không dám từ chối sếp, Hà lẳng lặng rời khỏi bàn, dù việc cần xử lý còn đang ngổn ngang, dang dở. Trong khi các đồng nghiệp khác ngồi lặng trước màn hình máy tính, Hà phải xắn áo, vén quần lội vớt mớ chép vàng đã chết ở hồ cá công ty.
Một lần bị nhờ làm việc vặt, rồi thêm nhiều lần khác, cô gái 10X mất dần sự tập trung vào công việc chuyên môn, nhiều mảng việc trì trệ. Hà cũng không thể từ chối yêu cầu của cấp trên do sợ để lại ấn tượng không tốt, khiến bản thân trở thành "mục tiêu" chốn công sở.
Cô gái làm việc tại đây được 2 năm, ở vị trí nhân viên kỹ thuật thiết kế hình ảnh. Năm đầu tiên, theo thỏa thuận, cô nhận mức lương 11 triệu đồng/tháng. Tưởng qua giai đoạn thử thách, thu nhập sẽ cải thiện, nào ngờ đến nay lương của Hà vẫn "dậm chân tại chỗ", trong khi lượng công việc đảm nhận tăng gấp 3 lần.
"Khi khối lượng công việc tăng, tôi mới nhận ra mức lương hoàn toàn không xứng đáng với công sức bỏ ra. Công ty không cho phép tăng ca mà việc thì nhiều, tôi thường xuyên phải đem việc về nhà làm đến tận khuya mà không được trả thêm khoản thù lao nào", Hà bức bối.
Phương Hoa (21 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) cũng vừa báo nghỉ việc quản lý quan hệ khách hàng ở lĩnh vực quảng cáo (thực tập sinh account) do cảm giác không thể học hỏi thêm ở cơ quan, công việc.
Nhiệm vụ Hoa được giao tại doanh nghiệp này là đảm bảo đầu ra của dự án được hoàn thành tốt. Vì vậy, cô gái không tránh khỏi việc đôi lúc phải chung tay, góp sức hỗ trợ công việc của các phòng ban chuyên môn.
Làm tại đây, Hoa mong đợi được học hỏi, chỉ dạy những kiến thức, kỹ năng mới, tích lũy kinh nghiệm hơn là phúc lợi mà công ty đưa ra. Song, công việc tới tay cô hầu hết đơn giản, vụn vặt nhưng mất thời gian, kiểu "việc không tên".
"Tôi có khả năng thiết kế, nhưng hầu hết thời lượng làm chỉ đọc, rà lỗi ấn phẩm, in ấn, chạy việc vặt. Tôi rất muốn được học hỏi và đào tạo với công việc đúng chuyên môn nên khi thấy tại đây không thể học được gì, chỉ chạy việc phục vụ với chút thù lao ít ỏi, tôi quyết định nghỉ việc", Hoa kể.
Ôm "mộng" nhảy việc
Chứng đau đầu của Vân Anh (24 tuổi, ngụ tại quận 10) trở nên nặng hơn mỗi khi công ty có dự án hoặc sự kiện lớn. Là một chuyên viên truyền thông nhưng Vân Anh phải phụ trách thêm các đầu việc như định dạng thương hiệu, chỉnh sửa video vì công ty thiếu người.
"Những việc đó không phải là điểm mạnh, lĩnh vực được đào tạo nên tôi thấy rất áp lực, thậm chí ức chế mỗi khi bị giao việc. Tôi thường phải nhắn tin hỏi bạn bè cách biên tập, chỉnh sửa video, thiết kế nhãn mác... Trong khi đó, quản lý cấp trên ngày càng giao nhiều việc với tiêu chuẩn khắt khe", cô gái thở dài.
Dù luôn mệt, nản sau mỗi ca làm việc, Vân Anh vẫn cố an ủi rằng đây là cơ hội để cô được học cái mới.
Nhận định những "việc vặt" sếp sai là điều không bình thường, công ty cần thay đổi, Thu Hà và Phương Hoa đã phản ứng. Hai nhân viên trẻ, người đã quyết định nghỉ việc, người còn lại lên kế hoạch tìm bến đỗ mới.
Theo Thu Hà, cô không còn mặn mà với nơi làm việc hiện tại và đang tìm kiếm cơ hội ở công ty khác. Cô gái từng lên tiếng đề xuất giảm khối lượng công việc, nhưng hầu như mọi trao đổi ở công ty đều chỉ nói miệng, không có văn bản, quy chế cụ thể.
"Tôi sẽ nghỉ việc ngay lập tức khi tìm được nơi khả dĩ hơn", Hà bày tỏ ý định.
Phương Hoa cũng nhận thấy, việc vặt chồng chất vô tình làm giảm chất lượng công việc ở nhân lực trẻ và tạo ra sự đánh giá, chế độ không rõ ràng, minh bạch giữa các bộ phận, nhân sự tại công ty.
"Cứ làm kiểu nháo nhào như vậy, đến khi xảy ra lỗi, việc truy ra trách nhiệm cũng rất khó khăn, phức tạp và gây ra hiểu lầm nội bộ. Công ty nên công bằng, tôn trọng với nhân sự mới để mỗi người đều cảm thấy có ích, khơi dậy tinh thần tận tâm cống hiến giá trị, gắn bó lâu dài", Phương Hoa nói.