Tại Hội thảo “Nhân lực bền vững - Trung tâm chữ S trong ESG?” do báo Dân trí tổ chức ngày 30/10, dẫn số liệu về thực trạng nhân lực hiện nay, bà Trần Thị Thuý Ngọc - Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam - cho biết, có 53% người lo ngại về tăng căng thẳng công việc dẫn đến sức khoẻ tinh thần giảm sút; 28% người lo lắng rủi ro bị thay thế bởi công nghệ.
Bà Ngọc nhấn mạnh, phát triển con người bền vững xuất phát từ khả năng của một tổ chức trong việc tạo ra giá trị cho con người. Các doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo lại các kỹ năng của nhân lực và đào tạo các kỹ năng mới để kích hoạt tư duy thay đổi, dấn thân vào các công việc mới.
Theo bà Ngọc, vấn đề sức khoẻ tinh thần của nhân viên đang ngày càng gia tăng, nhất là sau đại dịch COVID-19. Các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc thực hiện các chương trình phúc lợi toàn diện giải quyết tất cả các khía cạnh sức khỏe của nhân viên (sức khỏe thể chất, tinh thần và tình cảm).
"Theo tôi, các chương trình này có thể bao gồm các sáng kiến như hội thảo hướng dẫn quản lý căng thẳng, chăm sóc sức khỏe tâm thần, chương trình thể dục và lựa chọn thực phẩm lành mạnh tại nơi làm việc”, bà Ngọc nói.
Phân tích thêm về lý do xây dựng nhân lực bền vững, bà Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture và Quỹ Vì tương lai xanh, Vingroup - cho rằng, trọng tâm của “S” trong ESG thể hiện qua trách nhiệm xã hội, nhân sự bền vững và đảm bảo phúc lợi, hạnh phúc, an toàn lao động.
"Khi thực hành yếu tố này, sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tỷ lệ nghỉ việc và chi phí tuyển dụng; gia tăng hiệu suất và sự hài lòng trong công việc", bà Hà nói.
Bà Hà cho rằng, việc làm hạnh phúc là tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công bằng; phúc lợi tốt và cơ hội phát triển; sự gắn kết và động lực cá nhân. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ nâng cao sự hài lòng và cống hiến của nhân viên.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) - cho biết, với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó phát triển ESG (môi trường - xã hội - quản trị) đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, nhân lực bền vững không chỉ đơn thuần là thu hút và giữ chân người tài, mà còn là việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, công bằng và tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức xã hội.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và tôn trọng sự đa dạng. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, thực hiện đầy đủ các chính sách về lao động, tăng cường đối thoại với người lao động sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.