Tôi hỏi vợ ông: Nhạc sỹ nổi tiếng như Hồng Đăng thì sống bằng nguồn thu nào chủ yếu? Chị cười giòn tan: Bằng lương hưu, chứ bằng gì? Tác giả của “Biển hát chiều nay” ngồi cạnh, nói thêm: Nghề này chỉ để chơi thôi!
Từng gặp Hồng Đăng khi ông đang ngồi ghế Phó tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Ông say sưa kể cho tôi nghe hành trình sáng tác bài “Hoa sữa”. Trước khi khách ra về, ông tặng một cây bút xinh xắn cùng một quyển sổ. Sau mới biết, không phải ông có tình cảm đặc biệt với tôi, chẳng qua Hồng Đăng có sở thích tặng quà, gặp ai cũng tặng.
Hơn mười năm sau, tôi gặp lại Hồng Đăng và vợ ông nhiều lần ở những cuộc vui trong nhà, ngoài phố do nhà văn Ngô Thảo tổ chức. Nhạc sỹ nói ít nhưng hay cười, bù lại, phu nhân của ông nói cười vui vẻ suốt bữa. Chị hay mang theo món mứt bằng vỏ bưởi tự làm, để mời bạn bè văn nghệ ăn chơi.
Ngồi với nhau bao bận, song tôi chưa lần nào dám hỏi chị Thúy, vợ Hồng Đăng: “Chị kém anh bao tuổi?”. Sau vài lần hò hẹn bất thành, vừa rồi tôi có dịp đến thăm vợ chồng Hồng Đăng. Trong không khí riêng tư và thân mật, tôi hỏi nhỏ chị Thúy băn khoăn giấu kín bấy lâu. Chị cười lớn, khai: “Chị kém ông ấy hơn 20 tuổi” (vẫn quyết không khai con số chính xác!). Đến lúc này, khi Hồng Đăng ở buổi hoàng hôn cuộc đời mới thấy đàn ông lấy vợ trẻ, lợi đủ đường. Còn ai chăm ông được như chị Thúy? Hiện tại, Hồng Đăng khó khăn trong đi lại, thính giác của ông đã kém nhạy, giọng nói bé, chậm, khá khó nghe, thế mà chị Thúy tỏ tường điều chồng muốn nói. Chị phiên dịch cho tôi, thậm chí “dịch” luôn những ý ông đang dự định nói. Nhưng để lấy được vợ trẻ trên 20 tuổi, đương nhiên nhạc sỹ có một nhược điểm, như ông tự thú: “Tôi hay lấy vợ”.
Vợ chồng nhạc sỹ đang sống trong một ngôi nhà có diện tích vừa phải, trên đường Hồng Hà (Hà Nội).Vị trí ngôi nhà tiện ích: Vừa gần bệnh viện, lại gần trung tâm thành phố. Thế nên, cứ thấy bạn văn nghệ í ới tụ tập, vợ chồng Hồng Đăng xuất hiện đúng giờ, ít khi vắng mặt. Nhà Hồng Đăng được sắp xếp theo hướng phục vụ người sử dụng, không mang nhiều màu sắc văn nghệ, ngoài những bức tranh treo trên tường, trong đó chân dung Hồng Đăng do bạn bè vẽ được treo từ cầu thang tới phòng khách. Ngoài ra, còn có một hai bức tranh khỏa thân lồ lộ, đáng chú ý là bức của danh họa Lưu Công Nhân. Chị Thúy kể: “Ngày xưa, Lưu Công Nhân hứa cho mình một cái máy giặt. Vì “bố” thấy mình lấy ông này, tối nào cũng giặt một chậu to vật, dòm thấy sợ. Để có tiền mua máy giặt, “bố” định mang tranh đi bán song lại tiếc tranh (Lưu Công Nhân rất ghét bán tranh). Thế là “bố” hì hục vác tranh mang đến nhà mình, thay cho việc mua máy giặt”. Nhưng hai vợ chồng Hồng Đăng không đổi tranh lấy máy giặt, họ treo tranh ngay phòng khách mấy chục năm nay, ai đến thăm nhà cũng được chiêm ngưỡng người đàn bà khỏa thân của danh họa được coi là “hoàng tử của giới mỹ thuật”.
Lênh đênh như “Hoa sữa”…
Đề cập đến công việc sáng tác, Hồng Đăng không có xu hướng thần thánh hóa. Ông nói chuyện sáng tác ca khúc y như chuyện người nông dân làm ruộng, rất đỗi bình thường. Những đứa con tinh thần của Hồng Đăng được sinh nở dễ dàng. Ông không có một không gian đặc biệt dành cho sáng tác. Ngồi ở đâu Hồng Đăng cũng viết được, không lệ thuộc vào nhạc cụ, mà mỗi “ca sinh nở” chỉ mất chừng hai ba chục phút. Ngay những tác phẩm nổi tiếng như “Hoa sữa” hay “Biển hát chiều nay”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”… cũng không hề tốn thời gian hơn. Ông sở hữu gia tài ca khúc đáng nể, tính khiêm tốn cũng chừng 700 bài hát. Đáng tiếc, còn ít nhất trên 300 ca khúc của ông chưa tới được công chúng.
Tuy sức khỏe không như xưa nhưng Hồng Đăng còn hết sức minh mẫn, khả năng sáng tạo nghệ thuật vẫn còn. Thỉnh thoảng ông vẫn sáng tác song không nhiều: “Là vì có sáng tác cũng không có tiền dựng. Nghề này là nghề tốn tiền. Các ca khúc chưa sử dụng còn rất nhiều”, ông nói. Chị Thúy tiếp lời: “Ngay cả khí nhạc đã dựng hết đâu. Hợp xướng “Lửa rực cháy” có 5 chương mới dựng được 3 chương. Thanh xướng kịch “Sông Hồng ngàn năm reo hát” chỉ diễn được vài buổi”.
Liệu chăng những tác phẩm chưa được bước ra với công chúng của Hồng Đăng là những tác phẩm không hay? “Không phải không hay mà là không có cơ hội quảng bá”, nhạc sỹ giải thích thêm. Mới đây, ông đưa bài “Mưa bụi” (Thơ: Ngô Chính, nhạc: Hồng Đăng) đi dựng, ca khúc này giành giải C, Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sỹ Việt Nam 2018. Nhưng một giải thưởng của Hội chưa đủ sức để đưa “Mưa bụi” thành ca khúc phổ biến, nghe tên bài hát người ta chỉ nhớ tới dòng “Mưa bụi” của Đình Văn- Tài Linh, đình đám vào những năm 1990. Song Hồng Đăng không lấy đó làm buồn. Bởi suy cho cùng, có ca khúc nào của ông dễ dàng chinh phục công chúng ngay từ lần đầu tiên? Ngay như “Hoa sữa”, ca khúc trong bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” (đạo diễn Đức Hoàn) được trình bày qua tiếng hát Lê Dung, năm 1978, song phải đến khi Nhã Phương “đụng” vào, bài hát mới trở nên nổi tiếng, bắt đầu ở Sài Gòn, sau đó quay ngược ra chinh phục khán giả phía Bắc. Trường hợp “Biển hát chiều nay” cũng không nổi tiếng “ngay và luôn” mà khá trầy trật, mất thời gian. Rồi “Lênh đênh”, “Ký ức đêm”… cũng “mất mấy chục năm mà chưa đâu vào đâu”, vợ Hồng Đăng xót thay cho những “đứa con” của chồng. Trong số những “đứa con” được công chúng biết đến, hai vợ chồng Hồng Đăng đánh giá: “Biển hát chiều nay” là một trong những bài hát toàn vẹn nhất. Tuy nhiên, chất hào sảng, sang trọng ấy chỉ thích hợp khi dựng trên một sân khấu lớn, cũng chỉ hợp để nghe trong những hoàn cảnh nhất định: “Không giống như “Hoa sữa” ngồi đâu người ta cũng có thể nghe “Có lẽ nào anh lại quên em”, chị Thúy so sánh.
Nghe vợ nói chuyện, Hồng Đăng chậm rãi tổng kết: “Con người ta có số phận, tác phẩm cũng có số phận. Đưa lên đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi, thì may ra lên được. Nhưng nếu đưa lên rồi bẵng đi cũng mất toi một bài hát hay. Viết được một bài hát hay không dễ, tình cờ có người nào đó hát hay thì nó lên. Té ra, số phận của con người cũng như số phận của tác phẩm”.
Không biết hát cũng chẳng có ca sỹ “ruột”
So với Trần Tiến, Hồng Đăng thua vì không thể tự mình hát ca khúc của mình. Thậm chí có người nhận xét: Các ca khúc của Trần Tiến chỉ có Trần Tiến hát hay nhất. Hay như Trịnh Công Sơn có Khánh Ly, Phú Quang có Ngọc Anh 3A, Lê Minh Sơn có Thanh Lam… Hồng Đăng không có ca sỹ ruột. “Không gặp ca sỹ ruột, ông có tiếc không?”, tôi hỏi. Chị Thúy thay lời chồng: “Không phải tiếc hay không mà là cái duyên”. Tác giả “Hoa sữa” trầm ngâm: “Nó không đơn giản. Một bài hát hay tại sao không nổi? Một bài hát dở tại sao lại lên rất ghê. Có cái số phận trong đó”. Mọi thứ khó giải thích, hình như đều được người ta quy cho số phận. Hồng Đăng cũng không ngoại lệ. Ông nói: “Tôi cũng từng có mấy bài được giải thưởng quốc tế đấy chứ, như “Gửi một câu hát cho Tokyo”chẳng hạn. Thế rồi chúng rơi tõm xuống lúc nào người ta không biết. Rơi tõm xuống phải có người đỡ nhưng không ai đỡ”, chẳng nghe thấy tiếng thở than từ nhạc sỹ, song trong giọng nói của ông tôi nhận ra sự nuối tiếc, thương cảm cho số phận những “đứa con” của mình.
Ngay cả ca khúc dành cho thiếu nhi, Hồng Đăng vẫn còn rất nhiều. Chị Thúy dùng ipad mở cho tôi nghe bài hát về chú vịt con và chiếc ô, được một đài truyền hình dựng. Hồng Đăng sáng tác cho trẻ nhỏ rất có duyên. Lâu nay người ta vẫn than, các nhạc sỹ bỏ quên mảng ca khúc thiếu nhi. Thì ra các nhạc sỹ không quên trẻ thơ nhưng vì sự may, rủi nào đó mà rất nhiều ca khúc dành cho các em vẫn bị nằm trong kho, còn các em lại bị “đói”, đến mức đôi khi phải mang bài hát của người lớn ra dùng tạm.
Ở buổi hoàng hôn cuộc đời, ước mơ của Hồng Đăng vẫn là khoe được “đàn con” đông đúc của mình với công chúng. Ông cũng mong thực hiện tiếp một đêm nhạc riêng. Liệu ước mơ có thành hiện thực? Chị Thúy miêu tả cuộc đời của chồng mình: “Cả đời ông này là lênh đênh. Mười mấy tuổi đã theo bố lang thang từ Nghệ An ra chiến khu. Rồi cứ thế lênh đênh đi mãi”. Bù lại, kẻ “lênh đênh” như Hồng Đăng được rất nhiều người yêu mến: “Ở Sài Gòn đi đổ xăng tại vỉa hè, người bán xăng không lấy tiền vì nhận ra nhạc sỹ. Vào bệnh viện đi lên, đi xuống cầu thang, có người hỏi, anh là nhạc sỹ Hồng Đăng phải không, em hay nhìn thấy anh trên ti vi”, chị Thúy kể. Nhưng đáng nhớ nhất là đêm nhạc đầu tiên của Hồng Đăng “Lênh đênh biển” ở Nhà hát Lớn, Hà Nội. Khi bị vỡ tài trợ, bạn bè, đồng nghiệp đã nhiệt tình giúp ông, không toan tính: “Dũng (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng-pv) không lấy tiền, Bảo Phúc, Bảo Chấn không lấy tiền, Dương Thảo làm múa cũng không lấy tiền... Chúng tôi chỉ mất tiền sân khấu, tiền tập cho anh em”, chị Thúy bùi ngùi nhớ lại.
Hồng Đăng sở hữu gia tài ca khúc đáng nể, tính khiêm tốn cũng chừng 700 bài hát. Đáng tiếc, còn ít nhất trên 300 ca khúc của ông chưa tới được công chúng.
Được vợ chiều
Nhạc sỹ nổi tiếng tìm được bến đỗ cuối cùng êm đẹp. Vợ chồng Hồng Đăng đã sống với nhau 30 năm, họ không có con chung. Chị Thúy vốn học xây dựng nhưng yêu âm nhạc, nhất là nhạc của chồng. Chị chính là “từ điển sống” về âm nhạc Hồng Đăng, cũng là người lưu giữ những bản thảo của chồng. Và hơn hết, là người tận tụy, chăm chút Hồng Đăng ở buổi xế chiều bằng sự vui vẻ, nhiệt thành hiếm thấy. Hồng Đăng tếu táo gọi vợ là “Cao Bà Quát”. Còn chị Thúy mách tội chồng: “Ông ấy bắt nạt tôi như ranh”, kèm theo tiếng cười thích thú. Chị kể: Khách đến mà Hồng Đăng phụ trách việc pha trà thì lần nào cũng làm vỡ thứ gì đó, không nắp ấm cũng là cái chén.
Nhiều người tò mò, tiền tác quyền âm nhạc của Hồng Đăng có cao không? Đây là câu trả lời của “tay hòm chìa khóa”, phu nhân nhạc sỹ: “Cao lắm. Có quý được trên hai triệu đồng”.