Nhà vệ sinh 600 triệu: Sở GD&ĐT Quảng Ngãi 'phản biện'

TP - Đó là khẳng định của ông Đỗ Văn Phu - Phó GĐ Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tại buổi họp báo do Sở này tổ chức chiều qua (13/6) xung quanh việc xây dựng “nhà vệ sinh 600 triệu đồng” tại các trường học trên địa bàn tỉnh mà Sở làm chủ đầu tư.

> Chủ tịch tỉnh lên tiếng vụ nhà vệ sinh hơn nửa tỷ đồng
> Chuyện toilet 'dát vàng' và ngân hàng khó tiêu tiền

Trước câu hỏi của phóng viên về sự thật công trình nhà vệ sinh gần 600 triệu đồng tại trường THCS Long Hiệp (huyện Minh Long), ông Phu cho biết: Đây là công trình cấp nước và nhà vệ sinh chứ không phải chỉ có nhà vệ sinh.

Công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường. Tổng mức đầu tư 593,013 triệu đồng (ngân sách 444,760 triệu, trường đóng góp 148,253 triệu).

Đến nay, đã thực hiện xong các hạng mục với trị giá 444,760 triệu đồng, bao gồm: Nhà vệ sinh cấp 4 (cao 1 tầng, diện tích xây dựng 29,2 m2, hệ thống cấp nước trong nhà vệ sinh) trị giá 236,456 triệu đồng; cấp nước sinh hoạt (bồn chứa 500 lít, hệ thống cấp nước chiều dài 194 mét cho khuôn viên trường) trị giá 95,421 triệu đồng; hệ thống điện bơm nước 46,140 triệu đồng; chi phí tư vấn và chi phí khác 66,743 triệu đồng.

Như vậy, theo lãnh đạo Sở, tiền xây dựng nhà vệ sinh (29,2 m2) có hệ thống cấp thoát nước vệ sinh trong nhà trị giá trên 236 triệu đồng chứ không phải gần 600 triệu đồng như một số tờ báo phản ánh.

Nhưng như thế, giá vẫn cao và liệu rằng xây dựng như thế có lãng phí không? Ông Phu đáp: Các công trình nhà vệ sinh này đều được xây dựng theo mẫu chuẩn của Bộ GD&ĐT nên cũng có một số mặt bất hợp lý khi triển khai thực tế, vì không phải trường nào cũng có điều kiện như nhau. Mà nếu không thực hiện theo mẫu chuẩn thì chủ đầu tư sẽ bị phê bình, nếu như sau này Bộ về kiểm tra.

Còn giá cao hay thấp đều phụ thuộc vào bản thiết kế. Mà thiết kế thì Sở Xây dựng thẩm tra và giá từng hạng mục thì do Sở KH&ĐT áp. Và do làm theo mẫu nên phần móng của công trình nhà vệ sinh phải xây dày, giằng sắt thép, phần hầm ngốn số lượng vật tư khá lớn. Nếu làm không theo thiết kế thì giá trị công trình này cũng chỉ phân nửa mà thôi.

Cũng theo ông Phu, thường các công trình xây dựng dân dụng của Nhà nước đều được thiết kế đưa khối lượng vật tư nhiều hơn so với công trình dân dụng của tư nhân, dẫn đến công trình bị đội giá là điều không thể tránh khỏi.

Không bị “ấn” công trình xuống(?!)

Liên quan đến vấn đề dư luận cho rằng một số trường không có nhu cầu nhưng Sở vẫn “ấn công trình xuống”, ông Phu khẳng định: Dư luận như thế là không đúng.

Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đều công khai đầy đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản, nơi nào có kiến nghị danh mục đầu tư thì Sở mới thực hiện.

Cụ thể như trường THCS Long Hiệp, trong quá trình triển khai dự án có mời hiệu trưởng tham gia quản lý dự án với tư cách giám sát cộng đồng (theo Công văn số 1916/GDĐT-DA ngày 9/12/2011 của Sở GD&ĐT) và đã bàn giao hồ sơ xây dựng công trình cho nhà trường trước thời điểm khởi công công trình.

Mặt khác, đây là công trình nằm trong danh mục đầu tư xây dựng năm 2010-2015 của Phòng GD&ĐT huyện Minh Long lập ngày 2/8/2010 thì không thể nói Phòng GD&ĐT huyện Minh Long không biết được.

Một số công trình mới đưa vào sử dụng nhưng bị hư hỏng là có thật. Sở đã và đang chỉ đạo BQL dự án phối hợp cùng lãnh đạo các trường, nhà thầu tiến hành kiểm tra, nếu còn trong thời gian bảo hành thì nhanh chóng khắc phục.

Còn nếu cho rằng những công trình này chất lượng kém thì Sở chưa thể khẳng định. Riêng trường tiểu học Long Sơn có đến 2 nhà vệ sinh là không thuộc trách nhiệm của Sở. Bởi lẽ, công trình nhà vệ sinh Sở triển khai xây dựng trước, nhưng sau đo, UBND huyện Minh Long vẫn tiếp tục cho đầu tư một công trình nhà vệ sinh khác.

“Chúng tôi đang thành lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra toàn bộ các công trình nước sạch và nhà vệ sinh do Sở làm chủ đầu tư để qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Nếu phát hiện tập thể, cá nhân nào có sai phạm trong vấn đề này Sở sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm”, ông Phu cho biết thêm.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, trong 3 năm (2010-2013) đã đầu tư hơn 12,27 tỷ đồng để xây dựng 21 công trình cấp nước sinh hoạt và xây dựng nhà vệ sinh kiên cố. Theo đó, công trình có giá thấp nhất là 300 triệu đồng và cao nhất gần 749 triệu đồng.

Theo Báo giấy