Cuộc đối thoại đặc biệt
Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Trần Thanh Lâm; Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cùng một số đại diện cơ quan, ban ngành. Hội nghị quy tụ khoảng 138 đại biểu, khách mời khắp cả nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư cho hai đại biểu đặc biệt. Đó là tác giả Vũ Đức Nguyên (Vũ Nguyên) sinh năm 1991 sinh ra thiệt thòi hơn người khác với cơ thể khiếm khuyết nhưng mang một trái tim đẹp và đầy khát vọng; tác giả trẻ Trần Phú Minh Anh (15 tuổi) là đại biểu trẻ nhất đến từ TP.HCM đã có những tác phẩm khiến các nhà văn, độc giả kinh ngạc về tài năng và sự chững chạc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chọn và gửi quà tới tất cả đại biểu dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X. Đó là chiếc đồng hồ để trên bàn làm việc của những người cầm bút, với kỳ vọng họ sẽ tiếp tục sứ mệnh làm chủ nền văn học đương đại.
Trước khi phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh cùng hai tác giả trẻ, đặc biệt đọc hai câu thơ của Vũ Nguyên và dành lời động viên, khích lệ Nguyên tiếp tục theo đuổi con đường văn chương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng sự có mặt của ông ở hội nghị thể hiện sự quan tâm của Chính phủ cũng như các cấp lãnh đạo tới đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là các tác giả trẻ. “Công việc của các nhà văn, nhà văn hóa nghệ thuật thầm lặng hơn. Kết quả lao động sáng tạo của họ khó được nhìn thấy ngay như nhiều ngành nghề khác, nhiều khi giá trị phải nhiều năm sau mới nhìn thấy được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Mong muốn lắng nghe ý kiến, tâm tư của những người viết trẻ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại cởi mở, trả lời câu hỏi từ các nhà văn trẻ. Đại biểu Nguyễn Mạc Yên Hải (Mạc Yên) từ Cần Thơ mở đầu cuộc đối thoại với câu hỏi thẳng thắn về những định kiến bấy lâu trong việc dạy và học văn.
Phó Thủ tướng nói, ở thế hệ trước không riêng môn văn mà nhiều môn học khác cũng đều phải thuộc lòng. Những năm qua, Đảng và Nhà nước có chủ trương đổi mới giáo dục, thể hiện rõ nhất qua các Nghị quyết Trung ương đổi mới giáo dục toàn diện trong đó có đổi mới sáng tạo phương pháp giảng dạy.
“Điều quan trọng là trình độ giáo viên có đáp ứng được hay không, đòi hỏi chúng ta phải tập huấn dần. Chúng ta đã có thay đổi ngày càng rõ hơn, làm sao học sinh không chán học văn. Không riêng môn văn, mà còn nhiều môn khác nữa”, Phó Thủ tướng nói. Ông cho rằng Hội Nhà văn thời gian tới cũng cần chủ động tăng cường các hoạt động giao lưu giữa nhà trường với các tác giả.
Trả lời câu hỏi về chính sách đào tạo cho người viết văn trẻ toàn quốc của đại biểu Lê Ngọc (Ninh Bình), Phó Thủ tướng nói việc chuyển trường viết văn Nguyễn Du thành khoa viết văn không phải điều gì đáng ngại. Hiện nay nhiều sinh viên theo học ở nhiều trường đại học được tiếp cận, đào tạo về văn học nghệ thuật. “Đương nhiên trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật thì đào tạo, tạo điều kiện chỉ là một phần, điều quan trọng là làm sao tài năng ấy được phát huy”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Một số đại biểu khác cũng thắc mắc về chính sách phát triển văn học nghệ thuật, chính sách dành cho văn nghệ sĩ và xa hơn là chiến lược quốc gia bảo tồn nền tảng tri thức. Về điều này, Phó Thủ tướng nêu, từ trước tới nay đều có chiến lược, đề án, chương trình phát triển VHNT. Nhà nước dành kinh phí quan tâm từ đặt hàng, hỗ trợ sáng tác, dịch thuật nhưng chưa thực sự quan tâm nhiều tới mảng dịch quảng bá tác phẩm Việt Nam ra thế giới.
Văn học không thể thiếu vắng lương tri
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, nhà văn trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội, điều kiện công bố sáng tạo của mình hơn tất cả thế hệ trước. “Con đường sáng tạo của nhà văn trẻ nằm dưới chân họ, trái tim và trí tuệ của họ quyết định bước đi của họ. Tương lai của văn học phụ thuộc và sự sáng tạo của những cây bút trẻ”, ông nói.
Nguyễn Quang Thiều dẫn chứng một loạt tên tuổi lớn như vua Quang Trung, nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Chế Lan Viên, nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn… đều làm nên nghiệp lớn, viết những tác phẩm lớn từ khi còn trẻ… Ông nhấn mạnh, chúng ta sống trong đời sống nhiều của cải vật chất hơn nhưng phải đối diện với những thách thức trong đó có con đường làm người và bảo vệ những giá trị làm người.
Câu hỏi “Vì sao chúng ta viết” cũng là chủ đề được lựa chọn xuyên suốt, là khẩu hiệu của Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tưởng là câu hỏi thông thường, nhưng Chủ tịch Hội Nhà văn cho rằng đó là câu hỏi tất cả những người cầm bút phải trả lời. Nếu rời bỏ câu hỏi đó là rời bỏ sự nghiệp viết, rời bỏ bản chất của văn học trong toàn bộ lịch sử phát triển nhân văn của nó.
“Chúng ta viết bởi chúng ta nhận ra trong thời đại chúng ta vẫn ẩn chứa nhiều tội ác, khi nhà văn cầm bút nghĩa là bước vào cuộc chiến đấu với cái ác”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói. Ông cũng dẫn lời của nhà văn Konstantin Paustovsky: “Niềm vui của nhà văn là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp” để củng cố một lần nữa quan điểm tác phẩm văn học nếu thiếu vắng sự nhân văn, thiếu vắng lương tri là điều vô nghĩa.
"Mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam đã mang đến một giọng nói của thời đại mình, mang đến những giá trị mới cho văn học Việt Nam và góp phần tạo ra những địa tầng mới cho văn hóa dân tộc. Mỗi thế hệ nhà văn xuất hiện lại mang tới những vẻ đẹp mới của sáng tạo, nhưng bản chất của nền văn học ấy không hề đổi thay ở bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử. Đó là nền văn học vì cái Đẹp, vì lẽ phải, vì con người, vì dân tộc. Và qua mỗi thế hệ nhà văn, di sản của nền văn học Việt Nam lại đầy thêm với sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật sáng tạo và làm ra những giá trị mỹ học mới. Tiếng Việt, tâm hồn Việt, minh triết Việt qua mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam lại được mở rộng chiều kích của mình", ông nêu.
Nhà thơ Trần Hữu Việt, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Nhà văn trẻ điểm danh đội ngũ những cây bút tuổi đời từ 35 trở xuống và nhận thấy những tác giả độ tuổi từ 20-30 chiếm đa số và là những người đang viết đều, viết khỏe trong đó có Vũ Đức Anh, Huỳnh Lê Triều Phú, Phạm Minh Quân, Phát Dương, Trác Diễm, Vũ Thị Huyền Trang... Đặc biệt phải kể đến Nguyễn Bình 20 tuổi, sinh viên đang học Thiên văn học ở Mỹ đã dịch kiệt tác Truyện Kiều sang tiếng Anh và được những nhà văn, dịch giả tên tuổi của Mỹ đánh giá cao; hay Trang Nguyễn 21 tuổi viết tác phẩm Chang hoang dã-gấu được NXB Pan Macmillan của Anh mua bản quyền toàn cầu và sau đó họ đã bán bản quyền cuốn sách này sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số cây bút trẻ tiêu biểu từng tham gia và trưởng thành từ những Hội nghị Viết văn trẻ lần trước, tham dự Hội nghị lần này khi đã là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Tuy tuổi đời dưới 35 nhưng họ kịp sở hữu nhiều tác phẩm và giải thưởng trong đó có Đinh Phương, Lý Hữu Lương, Văn Thành Lê, Lữ Thị Mai, Phan Đức Lộc, Lê Quang Trạng-hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam.
Với tư cách nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và một người cầm bút đi trước, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Tôi hình dung các nhà văn trẻ hiện nay có nhiều mối quan tâm, nhưng có lẽ mối quan tâm nhất là làm thế nào viết cho hay. Xã hội đòi hỏi các nhà văn của chúng ta cũng chỉ là viết cho hay. Với tư cách người đi trước, nếu có điều gì cần nói, tôi xin nói: Muốn viết cho hay trước hết và quan trọng nhất phải trở thành người đồng hành với đất nước, dân tộc còn đi khỏi quỹ đạo đó thì dù có tài năng mấy cũng rơi vào quên lãng”.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu lí do đồng hành với Hội Nhà văn để trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta viết, làm thế nào để có những tác phẩm chất lượng cao”.