> Gangnam style, Nhà tri tiên Notradamus và Ngày tận thế
> Chúc một ngày… tận thế đầy ý nghĩa
> Làng duy nhất sống sót qua ngày tận thế
Chị có quan tâm đến sự kiện mà người ta gọi là “ngày tận thế 21-12-2012”? Chị từng nói trên báo Tiền Phong “thảm họa cũng có ích” ?
Cũng có quan tâm nhưng thi thoảng thôi. Chỉ nghĩ rằng nếu có ngày ấy thì nên nhanh nhanh chóng chóng kết thúc một sự gì đó.
Ví như nạn hồng thủy, như động đất, sự dịch chuyển quả đất để thay đổi kết cấu các lục địa… đều là tận thế đấy, nhưng không nên để con người bị ngấm sâu quá cái đau, kiểu “chết dần dần chết từ từ”.
Sự kiện ấy nếu có thì xin trời thương, cho nó xảy ra nhanh. Quan tâm ở mức ấy là cùng, chứ cũng không có gì nghiêm trọng lắm trong ý nghĩ.
Tôi vẫn nghĩ, giống như mọi tai nạn, người ta thường thay đổi sau mỗi sự kiện “động trời” – sau thảm họa lớn con người thay đổi theo chiều hướng tích cực. Bớt độc ác, ích kỉ, nghĩ nhiều đến người khác, sống nhẹ nhàng hơn vì cái kết nó hiển hiện ra, bất cứ lúc nào cũng có thể kết.
Nghe chị nói có vẻ thản nhiên?
Không thản nhiên cũng không được, một khi đã là ý trời. Thôi thì cứ nghĩ đến nó một cách bình thường. Vả lại phá như thế, vô trách nhiệm như thế thì thảm họa thiên nhiên nếu có, đâu có gì ngạc nhiên.
Chị nói rất thích xem phim thảm họa, ví dụ “Năm đại họa 2012”, “Titanic” (phim Mỹ), Đường Sơn đại địa chấn(phim Trung Quốc)…? Chị là người ưa cảm giác mạnh? Phải chăng cũng vì những thảm họa đó chỉ là giả tưởng hoặc diễn ra ở nơi khác, không liên quan gì đến ta?
Thảm họa thiên nhiên cũng gần với chiến tranh. Tôi cũng như cả thế hệ mình, đều nếm trải bom đạn. Như vậy có thể một dạng thảm họa đã từng đến với mình nhưng trời thương nên thoát được.
Thảm họa thiên nhiên sẽ ghê gớm hơn ngàn lần. Nó đã ám ảnh và càng đáng sợ hơn khi nó chưa xảy ra với ta. Không biết sẽ xoay xở thế nào khi gặp các sự cố ấy. Không thể nói trước được…
Tôi thích cảm giác đương đầu với cái chết trên… phim ảnh. Phim càng dữ dội càng hấp dẫn mình. Dũng cảm vậy thôi.
Khi ngồi tán phét, chúng ta thường nói đến cái chết một cách nhẹ nhõm- “chết bớt”, “chết quách”, “sống không mới mà chết cũng chẳng mới hơn”... Nghiêm túc thì sao?
Nói mạnh mồm thì ai chả nói được. Chết thử xem. Ngập trong bùn núi lửa, chìm trong nước sóng thần, đất nứt toác ngay dưới nền nhà… mà xem. Không đâu, không thể khoác lác điều ấy được.
Truyện ngắn “Hơi ấm bàn tay” của chị kết bằng câu: “Sống mới thật thích làm sao” nghe giản dị, không mới nhưng đó là cả một sự chiêm nghiệm sâu sắc?
Thời con gái, vào lúc không có bom đạn, không bận rộn gì, tôi thích thức dậy sớm, nằm im trong giường nghe âm thanh bên ngoài (dĩ nhiên thời đó không có tiếng xe máy). Nghe chim hót, nghe ai đó gọi nhau, nghe tiếng nước chảy trong vòi… và chả nghĩ ngợi gì. Cảm giác ấy mất lâu rồi nhưng tôi vẫn muốn tìm lại, bởi đó là cảm giác được sống một cách cụ thể nhất. Nó báo hiệu một ngày sắp đến.
Sống thật là thích.
Bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế và càng thấm sâu điều này: Tiền không mua được sức khỏe, không mua được tuổi thanh xuân. Nên quý trọng những cái mà Thượng đế đã ban cho con người. Nói thì là rất cũ rất xưa nhưng nên luôn nhắc mình điều đó. Càng ngày tôi càng thấy sống thật là thích.
Tọa đàm về tập truyện ngắn Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê diễn ra lúc 18h ngày 19-12 ở Trung tâm văn hóa Pháp 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Diễn giả: Tạ Duy Anh, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thái. Sách tập hợp một số truyện đã in báo và cả truyện mới của Lê Minh Khuê: Nghĩ ngợi quẩn quanh, Lãng mạn nửa mùa, Ráp Việt, Ngày còn dài, Sống chậm…