Giải thích với Tiền Phong, một PH nói: “Chúng tôi muốn trường MN Phú Cường trả lại số tiền mà trường đã lấy của các cháu trong suốt mấy năm qua”...
Thu bao nhiêu, tùy ý của hiệu trưởng!
Chị Nguyễn Thị Hạnh là một trong những nông dân nghèo nhất thôn Tân Phú (xã Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội). Một mình chị nuôi 2 đứa con thơ, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi.
Thu nhập từ 2 sào ruộng (khoảng 6 tạ lúa/ năm) không đủ nuôi sống 3 mẹ con, chị vẫn phải làm thuê làm mướn để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống và cho các con mình được đi học. Kể cả cháu bé (Tuấn Anh), chị cũng cho theo học trường MN từ khi cháu mới được 10 tháng tuổi.
Cứ đến đầu năm học, chị lại tất bật chạy ngược chạy xuôi để vay mượn đóng tiền học cho các con, sau đó thu xếp trả dần. Cho đến một ngày, chị được biết, trong các khoản mà trường MN Phú Cường thu của PH nhiều năm qua, có nhiều khoản không được phép cũng như có một số khoản thu vượt quy định.
Cụ thể, đầu năm học 2003 – 2004, chị phải đóng cho cháu Tuấn Anh (lúc đó 1 tuổi) 355.000đ các khoản gồm học phẩm, học phí, xây dựng trường, bổ sung cơ sở vật chất, quỹ hội cha mẹ HS, bảo hiểm (không rõ là bảo hiểm gì).
Trong đó, học phí là 25.000đ/ tháng (theo quy định của UBNDTP là 10.000đ/tháng). Ngoài ra, khoản “bổ sung cơ sở vật chất” trường thu 10.000đ/ năm là hoàn toàn không nằm trong danh mục được phép thu.
Hoặc “quỹ hội cha mẹ HS” (trường thu 20.000đ/năm) là khoản mà Sở GD&ĐT cấm các trường đứng ra thu, cho dù thu hộ. Tính sơ sơ, ngay từ đầu năm học đó chị bị trường MN Phú Cường “thu oan” 164.000đ - số tiền tương đương 1 tạ lúa (theo thời giá bấy giờ).
Đầu năm học 2004 – 2005, đầu mục các khoản thu được thay đổi, nhưng rốt cục chị vẫn phải đóng 360.000đ. Trong đó riêng học phí là 180.000đ (gấp đôi quy định của TP).
Vì các khoản thu được đặt ra phụ thuộc vào sự tùy hứng của hiệu trưởng nên sự “thiệt hại” của các PH là khác nhau. Năm học 2003 – 2004, hiệu trưởng trường quy định: “Phạt” 50.000đ/ hs/năm với những cháu vào lớp mẫu giáo (MG) lớn mà không qua MG bé và nhỡ; HS đẻ nơi khác mà nhập học tại địa phương thì thu 50.000đ/ hs/năm.
Hoặc về học phí, theo quy định của TP, chỉ có một mức ở bậc học MN. Thế nhưng trong năm học 2004 – 2005, hiệu trưởng trường MN Phú Cường đã chia lẻ ra nhiều đối tượng để thu khác nhau: mẫu giáo (MG) lớn: 25.000đ/ tháng, MG nhỡ và nhà trẻ: 20.000đ/ tháng, MG bé: 15.000đ/ tháng.
Thu không “đủ tiền”, giáo viên bị cắt lương!
Phụ huynh thôn Tân Phú đang chờ đợi để các con nhỏ được đi mẫu giáo. Ảnh: Hồng Vĩnh
Các khoản thu trên bị người dân Phú Cường phát hiện là sai quy định bắt đầu từ tháng 12/2004. Vì vậy, sang học kỳ II năm học 2004 – 2005, nhiều PH phản ứng bằng cách chỉ nộp những khoản theo Quyết định 73/2000/QĐ-UB của UBND TPHN. Hậu quả là GV phải gánh chịu.
Cô Trần Thị Chín kể: “Năm ngoái, lớp của tôi có 21 HS, nếu theo quy định của hiệu trưởng thì tôi còn thu thiếu khoảng 1,4 triệu đồng. Vậy là tôi bị trừ 100% lương tháng 6 (917.000đ) và 500.000đ trong lương tháng 7/2005. Tôi đòi giấy biên nhận nhưng hiệu trưởng không cho. Vì thế, cho đến giờ tôi vẫn chưa nhận số tiền còn lại của lương tháng 7”.
Không chỉ cô Chín, một số GV khác như cô Vui, cô Quyến... cũng đã trở thành “nạn nhân” của “cuộc đấu tranh tài chính” giữa PH và hiệu trưởng.
Theo phản ánh của các GV thì trong 4 năm qua (kể từ khi cô Nguyễn Thị Thanh Xuân làm hiệu trưởng) thì chưa bao giờ các khoản thu được thông qua hội đồng GV.
Nhiều đơn kiện của PH đã được gửi lên cơ quan quản lý các cấp đề nghị việc lạm thu ở trường MN Phú Cường phải được làm rõ. Phòng GD&ĐT cũng như Thanh tra huyện Sóc Sơn đã vào cuộc và kết luận: Trường vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính và đã thu một số khoản chưa đúng.
Ngày 15/8/2005, Phòng GD - ĐT huyện ra thông báo yêu cầu hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Xuân tạm nghỉ nhiệm vụ quản lý. Nhưng khi đi làm trở lại (ngày 5/9) thái độ của cô Xuân vẫn đầy thách thức đối với những PH “có ý kiến”.
Bà Nguyễn Thị Lộc (thôn Hương Gia) phẫn nộ: “Tôi với cô ấy cãi nhau. Tôi đòi lại những khoản lạm thu của con tôi thì cô ấy doạ gọi công an vào bắt tôi!”.
Phụ huynh không tín nhiệm hiệu trưởng, trẻ em thiệt
Thái độ thách thức với PH của cô Xuân không chỉ dừng lại ở đó. Ngay sau khai giảng, cô Xuân đưa ra một mẫu Đơn xin nhập học (do cô soạn thảo) yêu cầu tất cả các PH phải điền nếu muốn con mình theo học tại trường MN Phú Cường.
Trong đơn có điều khoản PH phải cam kết “thực hiện đúng chế độ đóng góp kịp thời; không có hành vi, thái độ gây rối trong nhà trường”. Trước việc này, sự phản đối của các PH dâng đến cao trào: cho con nghỉ học.
Các PH cho rằng lãnh đạo trường MN Phú Cường có ý “đe dọa PH”, đồng thời đòi hỏi trường “giải quyết xong tồn tại (việc thu sai quy định – PV) ” thì mới “cho các con cháu chúng tôi đi học”.
Hậu quả như báo Tiền Phong số 187 ra ngày 20/9/2005 đã đưa tin: Tại 2 cơ sở (trong số 5 cơ sở của trường MN Phú Cường), hiện nay không có một HS nào! Số HS ở các cơ sở khác cũng thưa thớt.
Trao đổi với chúng tôi, chiều 20/9/2005, ông Nguyễn Trung Thành – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn – cho biết: “Chúng tôi cũng đã báo cáo việc này với UBND huyện. Nếu không có gì thay đổi thì cuối tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ có thông báo về quyết định xử lý. Hướng xử lý là sẽ cho cô Xuân nghỉ nhiệm vụ quản lý”.
Ông Thành xác định, trách nhiệm khẩn cấp trước mắt của GV, nhà trường, của Đảng bộ và chính quyền xã Phú Cường nói riêng cũng như huyện Sóc Sơn nói chung là phải đưa các cháu nhỏ Phú Cường trở lại trường MN.