Nhà thơ Ðoàn Thị Tảo: Cảm ơn sự cô đơn

TP - Bài thơ được nhiều người yêu thích nhất của Ðoàn Thị Tảo chính là bài “Cho một ngày chị sinh”, được Trọng Ðài phổ nhạc thành bài “Chị tôi”: “Thế là chị ơi/Rụng bông gạo đỏ/Ô hay trời không nín gió/Cho ngày chị sinh…”. Ở tuổi 77, Ðoàn Thị Tảo đang rậm rịch ra mắt tập sách mới, giới thiệu những sáng tác của Ðoàn Lê - Ðoàn Thị Tảo trong hội họa và văn chương.
Ðoàn Lê, Ðoàn Thị Tảo (đứng sau)

Coi thơ như bạn tâm tình

Đoàn Thị Tảo chẳng thuộc thơ ai. Đến thơ mình cũng chỉ thuộc một số câu. Và đây là một đoạn thơ khắc sâu trong trí nhớ của bà: “Tôi cô đơn nhất hành tinh/ Thế gian thừa đúng một mình tôi thôi/ Ước gì cũng có một người/Cũng cô đơn cũng ngậm ngùi giống tôi”/Cái buồn đem xẻ làm đôi/ Nửa cho bên ấy, nửa tôi để dành”. Đoàn Thị Tảo viết những dòng tự sự này ở giai đoạn tâm hồn chống chếnh: “Tôi cảm thấy bơ vơ kinh khủng, sau khi mẹ tôi mất”, bà nói.

“Mải chơi để lỡ chuyến đò/Ngẩn ngơ trách bến, oán bờ giận sông/Cái duyên giá những bao đồng/Bán đi thì tiếc cho không ngậm ngùi/Dùng dằng cau héo trầu hôi/Chợ trưa quán vắng trách người dửng dưng”. Những câu thơ trong bài “Lỡ” đã ngầm mách hoàn cảnh của Đoàn Thị Tảo: Bà chưa từng một lần mặc áo cưới. Nói “mải chơi để lỡ chuyến đò” là cách nói của văn chương, còn sự thực, Đoàn Thị Tảo là người phụ nữ giàu hi sinh: “Trên tay tôi không biết bao nhiêu đứa trẻ đã lớn lên, tôi bế bồng, chăm sóc chúng. Nhà tôi nhiều chị em lắm. Mẹ tôi sinh 7 người con. Bà cả sinh 5 người. Tổng cộng là 12 người con. Tôi sinh ở Hải Phòng năm 1945, 8 tháng tuổi đã phải chạy loạn”, bà kể.

Trong số những đứa trẻ mà Đoàn Thị Tảo từng chăm sóc, có các cháu của nhà văn, họa sỹ Đoàn Lê, chị gái của bà, nhân vật trong bài thơ nổi tiếng “Cho một ngày chị sinh”. Nhưng Đoàn Thị Tảo lại không có một đứa trẻ nào của riêng mình: “Lỗi không thuộc về người đàn ông bởi tôi không thể sinh nở”, bà trải lòng. Ngoài chăm cháu, Đoàn Thị Tảo còn chăm sóc mẹ ruột hơn chục năm trời. Khi cụ bà mệt nặng nhà thơ chấp nhận nghỉ việc: “Tôi không thể xa mẹ được lâu, nên quyết định không đi làm nữa”. Sự ra đi của mẹ, để lại khoảng trống bao la trong bà, khiến bà từng cảm thấy mình là người “cô đơn nhất hành tinh”.

Độc giả yêu thơ Đoàn Thị Tảo không biết rằng tác giả của những dòng thơ mềm mại, có phần yếu đuối ấy, lại từng là một nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản: “Tôi học Trường trung cấp cơ khí C30 của Bộ Công Nghiệp Nhẹ. Tôi từng làm ở Xí nghiệp C30 ở Tam Đảo, sau đó về Hải Phòng. Tôi làm cả kỹ thuật trục vớt dưới nước nữa cơ”. Sau khi nghỉ việc, Đoàn Thị Tảo tập trung chăm sóc người thân và sáng tác. Bà không có quan điểm văn chương riêng, sáng tác như một nhu cầu: “Tôi thường làm thơ vào lúc buồn, lúc cô đơn. Thơ như người bạn để tôi giãi bày tâm sự. Những tâm sự không thể chia sẻ cùng ai”.

Vì sáng tác nương nhờ cảm xúc, nên Đoàn Thị Tảo viết rất nhanh và không sửa, cũng không có ý thức giữ gìn bản thảo như nhiều nhà thơ chuyên nghiệp: “Viết xong tôi cũng hay vứt lung tung”. “Cho một ngày chị sinh” là một trong những sáng tác sinh nở nhanh mà hay của Đoàn Thị Tảo: “Bài thơ đó tôi sáng tác lâu lắm rồi, khi tôi còn trẻ lắm. Hồi đó xưởng phim của chị Lê đang đi sơ tán. Tôi viết để làm quà sinh nhật chị. Sau này khi làm phim “Người Hà Nội”, chị Lê đã đưa bài thơ cho nhạc sỹ Trọng Đài phổ nhạc, thành bài “Chị tôi”. “Cho một ngày chị sinh” viết nhanh lắm, không hề sửa chút nào”. Cả đời cầm bút, Đoàn Thị Tảo có 3 tập thơ và một tập truyện ngắn: “Tôi viết văn xuôi từ lâu lắm rồi. Nhưng không viết được truyện dài”.

Như tôi là đẹp rồi!

Đoàn Lê từng được tụng ca là giai nhân đất Cảng. Đoàn Thị Tảo không sở hữu dung nhan diễm lệ như chị, liệu bà có chạnh lòng? Câu trả lời của Đoàn Thị Tảo thật bất ngờ: “Không. Tôi thấy như tôi là đẹp rồi. Người ta yêu quí tôi vì những điều khác, không phải vì nhan sắc, nên đẹp hay xấu chẳng có nghĩa lý gì”. Tôi hỏi Đoàn Thị Tảo, đã có người đàn ông nào nghe được mơ ước của bà: “Ước gì cũng có một người/Cũng cô đơn cũng ngậm ngùi giống tôi”? Bà cười, sôi nổi kể: “Tuy chưa từng trải qua hôn nhân nhưng tôi từng sống với một người: “Ơi người tôi gọi là chồng/Chẳng qua chút nghĩa đèo bòng vậy thôi/Sung xanh chát lặng cả người/Gừng già xay muối mặn mòi cực thân…”. Người đàn ông mà bà gọi là chồng, hơn bà 15 tuổi: “Khi mẹ tôi mất thì tôi ở hẳn với ông ấy”. Ông chính là “sếp” của bà, khi bà là nhân viên kỹ thuật. Sau này, Đoàn Thị Tảo còn giúp “chồng” nuôi con riêng vài năm. Ông đã bỏ bà ra đi năm 2005.

Một ngày của Ðoàn Thị Tảo bây giờ bắt đầu bằng tụng kinh và luyện tập nhẹ nhàng khoảng 1 tiếng: “Sau đó tôi nấu ăn sáng. Tôi không bao giờ đi ăn ở ngoài. Trước đây chị Lê còn sống cũng thế. Tôi nấu nướng, hai chị em cùng ăn. Khách khứa đến chơi tôi cũng nấu nướng”. Ðoàn Thị Tảo tự nhận: Giỏi bếp núc, đan lát, khâu vá, xứng là người phụ nữ đảm đang! Bà sử dụng máy tính ở mức có thể tự làm bản thảo sách. Ngoài “Cho một ngày chị sinh”, Ðoàn Thị Tảo còn khoảng chục bài thơ được phổ nhạc nhưng không phổ biến. Tiền tác quyền thu được từ những tác phẩm được phổ nhạc của Ðoàn Thị Tảo không nhiều. Bà bảo: “Tôi làm gì có tiền. Cuốn sách sắp ra cũng là do con cháu giúp đỡ”.

Sắp sang tuổi 78, Đoàn Thị Tảo vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và sống thanh thản: “Trước đây thơ tôi buồn rười rượi. Quãng thời gian trông mẹ ốm, có lúc tôi như người điên, nửa đêm còn mở cửa đi tới nhà người thân ở rất xa. Quá nửa đường tôi bừng tỉnh nhưng không dám về, vì đường về xa hơn đường tới nhà người thân”, bà nhớ lại những ngày buồn. Nhìn lại hành trình sống của mình, Đoàn Thị Tảo không hối tiếc: “Tôi cảm ơn cả sự cô đơn. Không bị thử thách bởi cô đơn thì không làm được thơ”, bà nói.

Gia tài văn chương của Đoàn Thị Tảo không đồ sộ. Bà được bạn đọc yêu mến ở mảng thơ ca hơn mảng văn xuôi. Thơ của Đoàn Thị Tảo gần gũi với phụ nữ. Bà được “phái đẹp” yêu thương vì thế. “Tôi là một nhà thơ tình. Đến bây giờ vẫn làm thơ tình”, nữ thi sĩ tự nhận. Trong gia tài thơ tình Đoàn Thị Tảo, không thể thiếu những sáng tác lấy cảm hứng từ biển: “Em viết câu thơ dài về tình yêu trên bãi cát/Sóng xô về xóa sạch vết thời gian/Chẳng giận biển em trách mình nông cạn/Sóng vô tình- Còn em bâng khuâng”.

Sau khi Đoàn Lê qua đời, Đoàn Thị Tảo sống một mình ở Đồ Sơn (Hải Phòng): “Nhà tôi cách bãi 1 khoảng 200 m. Xuống đây chơi đi”. Nói chuyện với ai, Đoàn Thị Tảo cũng mời qua chơi với bà. Bà rất nhiệt tình trò chuyện, song trước khi tâm sự, bà đòi tôi phải trả lời một câu: “Thế cháu có yêu cô không đã?”.

Nữ thi sĩ nâng niu từng chút vui trong đời. Còn ai nhớ những câu thơ viết trong đêm giao thừa của bà: “Người mang tặng ta trước lúc giao thừa/Hành trang sang năm mới/Ta tự hứa với mình/Chơi dè để dành cho mới/Thật cẩn thận kẻo tuột tay đánh rơi/Niềm vui ơi chớ bay về trời”.