Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến: 'Càng yêu càng gặp tình vờ'

TP- Một trong những bài thơ được nhớ của chị là Chiến tranh với tứ thơ dữ dội, khốc liệt: “Em đã đoạt anh từ tay người đàn bà kia. Giống như người đàn bà kia đoạt anh từ tay người đàn bà khác”.

Chắc khi mới xuất hiện, nó đã gây sốc?

Khi viết xong bài thơ này, tôi có cảm  tưởng mình già đi mấy tuổi. Có đồng nghiệp nữ sợ hãi hỏi: Sao có thể viết khủng khiếp như thế? Đây là bài thơ thực sự mất nhiều nhan sắc nhất  của tôi, nhưng cũng được nhiều người nhớ và tôi cũng hài lòng nhất.

Sự khác nhau trong thơ giữa chị ngày xưa và chị bây giờ như thế nào?

Hồi trẻ dễ có cảm xúc, dễ có cơ hội để thăng hoa nhưng lại không có kỹ năng, kỹ xảo để thể hiện. Nay có kĩ năng, kỹ xảo (hay là trình độ nghề) tương đối tốt rồi thì gần như không còn “đối tượng” để thế chấp nữa.

Bài thơ mới viết đây của tôi không chỉ là tâm trạng của một người đàn bà từng trải, tiếc nuối vì thấy mình đã “khôn mất rồi”, cũng là tâm trạng của một người sáng tác khi mà thưa dần những yếu tố cần thiết cho yêu đương, cho sáng tạo: không phải ai cũng có mãi một thứ bùa ngải! Nhất là bùa ngải cho độc giả yêu dấu của mình.

Em đã khôn rồi
Khi em vấp ngã
Anh đang ở đâu
Khi anh buồn khổ
Sao không khẩn cầu?
Để nhận ra nhau
Nghìn trùng xa ngái
Còn đâu thơ ngây
Còn đâu khờ dại
Đã tàn đêm ngâu
Đã tan bùa ngải
Đã dư vinh quang
Đã thừa thất bại
Xin anh đi đi
Thôi đừng nhìn lại
Em đã khôn rồi
Lấy gì đối đãi!
Em đã khôn rồi
Nghìn trùng xa ngái!

Chính thời trẻ tuổi bồng bột, ngây thơ, khờ dại lại làm nên tình yêu và thi ca. Còn khi đã khôn rồi, vinh quang thất bại đã từng, đêm ngâu tình yêu gần cạn và bùa ngải tình yêu không còn hiệu lực thì cơ hội cho tình yêu, cho nghệ thuật lại mong manh.

Bởi khi người đàn bà đã khôn rồi thì không thể khờ dại được như cũ, không còn yêu một cách cả tin, nông nổi nữa. Yêu mà khôn thì làm sao yêu.

Nhưng trong tình yêu, phụ nữ hình như vẫn dại dột hơn đàn ông...

Tất nhiên rồi! Với đàn ông, tình yêu chỉ là một “phương tiện”, dù là phương tiện tối ưu trên con đường đi tới sự nghiệp của họ. Sự nghiệp là cứu cánh của người đàn ông, họ muốn có tình yêu để làm động lực vươn tới sự thành công chứ tình yêu không phải là mục đích chính của đời họ.

Trong khi đó, tình yêu là cứu cánh, là mục đích sống của người đàn bà. Bởi thế, tôi đã đúc kết: “Người đàn bà muốn giữ trọn vẹn người đàn ông cho riêng mình thì hãy yêu tất cả những gì mà người đàn ông của mình yêu, kể cả một người đàn bà cụ thể”.

Tình yêu và sự nghiệp, hai phạm trù, giống như trái đất, vừa tự quay quanh mình, vừa quay quanh mặt trời. Với đàn ông, quay quanh mặt trời mới là mục đích chính (sự nghiệp), quay quanh mình (tình yêu), là thứ yếu. Còn phụ nữ thì ngược lại, vì tình yêu là tất cả cuộc đời họ. Quy luật tự nhiên trong quan hệ xã hội là vậy.

Đúng là gieo tính cách gặt số phận. Trước đây tôi quá duy ý chí. Tôi đã hồ hởi, chân thành nhưng có biết đâu càng yêu càng gặp tình vờ. Tôi không thể biết trong tình yêu cũng cần có một chút “thủ đoạn”, nhưng khi biết, đã dùng đến  thủ  đoạn  thì  người đàn ông mình yêu đã  bỏ đi quá xa rồi!

Nhưng dù sao tôi vẫn nghĩ, thì dại dột vẫn là một thuộc tính dễ  thương nhất của đàn bà.

Thơ với phụ nữ là một con đường quá nhiều gian truân. Chị có khi nào cảm thấy chán nản?

Dấn thân vào nghiệp văn chương thì gian truân rồi. Muốn thành đạt, người ta phải vứt bỏ đời sống cá nhân sang một bên. Tôi luôn phải tách mình ra làm đôi để vừa nuôi đời sống của thân xác, vừa nuôi đời sống tinh thần, và hai đời sống va chạm mâu thuẫn nhau kinh khủng.

Nói thật, tôi sợ cái thế giới thực, nó lạnh nhạt quá. Ngày nay ít người còn  muốn chia sẻ với nhà thơ, xã hội thực tế đang dồn đuổi những tâm hồn thơ. Nếu bắt tay thỏa hiệp thì thơ hỏng.

Làm thơ bây giờ thật khó, có lẽ vậy nên tôi viết càng khó hơn. Nhưng với tôi, làm được một bài thơ hay vẫn là điều tuyệt vời nhất!

Cảm ơn chị.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy