> Mùa xuân cuối cùng của chiếc áo đầm và quần jeans D&G
Ông Shimada kể, hồi cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi được chính phủ Nhật Bản giao trọng trách phục hồi ngành lụa của nước này, ông nhiều lần thử nghiệm để tạo ra silk-fur.
Ông tạo ra những tấm vải rộng từ lụa, được làm bằng máy, nhưng những sợi lông chỉ dài 3-6 cm, không có độ suôn rủ như lông thú.
Hơn nữa, do làm bằng máy nên mặt vải xuất hiện lỗi, không có độ trơn mượt, mềm mại. Giá thành loại vải này quá cao - 600 USD/m. Vì thế, ông từ bỏ ý tưởng thiết kế thời trang từ silk-fur.
Năm 2010, khi đến Việt Nam làm việc, ông Shimada phát hiện rằng, để có những bộ trang phục silk-fur, cần phải có sự khéo léo của đôi bàn tay, sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, mà chỉ có những người thợ lành nghề mới làm được.
Quá trình làm việc với một số nhà thiết kế trẻ của Việt Nam giúp ông hào hứng trở lại với ý tưởng silk-fur. Ông dùng trực tiếp sợi tơ tằm để gắn thành những trang phục giả lông thú.
“Chỉ với 150-300 USD, bạn đã có thể có một bộ váy bằng silk-fur. Chúng không chỉ mềm mại quyến rũ, mà có rất nhiều màu sắc để lựa chọn. Silk-fur cũng có thể giặt được. Và hơn hết, silk-fur là loại tơ tằm tự nhiên, nên rất tốt cho sức khỏe”, ông nói.
Tuy nhiên, với các sản phẩm làm thủ công này, ông Shimada cùng đồng nghiệp vẫn phải liên tục cải tiến kỹ thuật, phải gắn sợi tơ làm sao cho khéo léo, vì chúng dễ tuột, nếu gắn nhiều keo thì trang phục bị cứng.
Đến nay, sản phẩm silk-fur của ông Shimada mới được trình diễn ở một số tuần lễ thời trang ở Hà Nội. Ông cũng chưa xuất nhiều sang Nhật Bản, bởi cũng như nhiều nước châu Á khác, phụ nữ chưa chuộng lông thú như ở các nước phương Tây, nơi có khí hậu lạnh giá.
Theo ông, nếu các công ty xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam làm cho thị trường Mỹ, châu Âu biết được có nguồn nguyên liệu thay thế lông thú, thì chắc chắn họ sẽ đặt hàng nhiều, nhất là khi sở thích dùng đồ lông thú vẫn chưa nguôi, trong khi phong trào bảo vệ động vật hoang dã ngày càng mạnh.
Hiện tại, nguồn nguyên liệu chính làm silk-fur đến từ làng dệt lụa Duy Tiên, Hà Nam. Sở dĩ ông Shimada chọn nơi này vì người dân trực tiếp trồng dâu, nuôi tằm, đảm bảo cho những sợi tơ nguyên chất, không bị pha tạp và thương mại hóa.
Đối tác của ông chỉ có vài chục hộ, làm theo kiểu hợp tác xã, mỗi gia đình làm một công đoạn. Ông Shimada nói rằng, Duy Tiên sẽ là nơi ông thử nghiệm và phát triển các loại hạt giống để tạo màu nhuộm của Nhật Bản.
Hiện các màu nhuộm của ông có được từ Trường Đại học Bách khoa, nhưng còn nghèo nàn và chưa như ý.
Ông Shimada nói, trong tháng 4 này sẽ trở lại Kyoto, thủ phủ của ngành công nghiệp màu tự nhiên của Nhật Bản. Ông nói rằng, với hệ thực vật phong phú như của Việt Nam thì chắc chắn đủ nguồn nguyên liệu để tạo các màu tự nhiên sắc nét, thay thế màu công nghiệp; vấn đề bây giờ chỉ là kỹ thuật.
Ông đang bắt tay các đối tác Nhật Bản để tận dụng nguồn tài nguyên quý giá này.
Ông Shimada từng làm phóng viên của hãng Jiji thời kỳ chiến tranh Việt Nam, rồi làm bác sĩ châm cứu, trao đổi nhiều với GS Nguyễn Tài Thu để tìm hiểu kỹ thuật châm cứu và nguồn cây thuốc của Việt Nam.