Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ngày 25-4, Cục Bản quyền tác giả có công văn gửi Bộ trưởng Bộ VH - TT&DL về Biểu giá thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Cục Bản quyền có ý kiến: “Biểu giá được nâng lên cho giai đoạn 2011-2012 do VCPMC đưa ra là cơ sở cho việc thỏa thuận giữa bên có quyền và bên sử dụng quyền để được sử dụng tác phẩm”.
Cục lý giải: Các quyền tài sản của tác giả quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ là độc quyền, do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng tác phẩm đều phải thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
VCPMC là tổ chức đại diện cho các nhà soạn nhạc, soạn lời được ra đời hợp pháp, thực hiện các công việc theo quy định tại Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ và sự ủy thác của các chủ thể quyền.
Sau thỏa thuận bất thành với VCPMC, nhiều nhà sản xuất băng đĩa không chấp nhận nộp tiền theo mức mới, đồng thời ngưng sản xuất. Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Ghi âm Việt Nam (RIAV) nói:
“Tất cả nhà sản xuất thuộc RIAV kiến nghị tăng tiền tác quyền như vậy hơi đột ngột, bức xúc vì chưa có lộ trình. Giữa lúc chúng tôi thực hiện Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá mà VCPMC tăng như vậy tạo thêm khó khăn.
Trước mắt, chúng tôi ngưng sản xuất, vì nếu chấp nhận mức đó chúng tôi phải chịu lỗ. Chúng tôi có 5 chương trình CD đưa vào sản xuất, bình thường nộp 25 triệu đồng tác quyền, giờ lên gấp đôi. Còn bao chương trình khác nữa”.
Trước đó, một số Sở VH - TT&DL mở cuộc họp mời các nhà sản xuất đến, yêu cầu tham gia bình ổn, không được tăng giá đĩa trên thị trường. Đại diện hãng đĩa Rạng Đông cho rằng, với tình trạng băng đĩa lậu hiện nay, tỷ lệ bán băng đĩa thật chỉ bằng 1/10 trước đây. Hơn nữa, vì cam kết thực hiện Nghị quyết 11 mà giá bán không tăng, chỉ có nhà sản xuất phải chịu thiệt. Phía RIAV trình bày khó khăn với VCPMC, nhưng không được chấp thuận.
Đại diện RIAV cũng lo ngại mức tiền bản quyền phải nộp chưa dừng ở đây. “Theo biên bản của các nhạc sỹ và cách trả lời của ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC thì họ chưa dừng việc tăng giá ở đây. Họ sẽ tăng lên gấp 3 - 4 lần.
VCPMC so sánh: Một tô phở trước 10.000 đồng, giờ là 40.000 đồng. Nếu các nhà sản xuất bấm bụng chấp nhận chịu tăng giá, liệu bên VCPMC giữ yên giá đó được bao lâu, hay tiếp tục tăng theo kiểu giá phở”, bà Thu Dung nói.
Tuy nhiên, phía RIAV cho biết, đình công chỉ là giải pháp tạm thời. Không thể ngừng sản xuất mãi được, ảnh hưởng đến cả cộng đồng. “Chúng tôi đang tìm lối ra để vừa sản xuất, vừa đảm bảo quyền lợi của nhạc sỹ và các nhà sản xuất. Chúng tôi sớm có cuộc họp hội viên, từ đó có kiến nghị với cấp lãnh đạo trực tiếp để xem xét, can thiệp”, đại diện RIAV nói.
Nhiều nhạc sỹ lại ủng hộ mức tăng theo đề nghị của VCPMC, cho rằng tác quyền hiện nay còn thấp. Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, ông Đỗ Hồng Quân nói: “Hội Nhạc sỹ giao cho ban kiểm tra, mời nhạc sỹ Phó Đức Phương với tư cách ủy viên Ban chấp hành báo cáo, rồi mới có kết luận. Hiện mới dừng ở nghe ngóng tình hình, vì cần có sự đồng thuận và thông qua của ban thường vụ.
Ngoài chuyện tăng, giảm bản quyền trong một thời điểm, còn có nhiều vấn đề khác liên quan đến hoạt động của trung tâm VCPMC theo điều lệ Ban chấp hành thông qua”.
1,5 triệu đồng/tác quyền một tác phẩm DVD
Ngày 1-4, Cục Bản quyền tác giả gửi công văn yêu cầu VCPMC báo cáo biểu giá và việc tăng giá thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc giai đoạn 2011-2012. Ngày 8-4, VCPMC có công văn trả lời, mức giá đề nghị áp dụng là 1 triệu đồng/tác phẩm để sản xuất CD và VCD; 1,5 triệu đồng/tác phẩm DVD, tăng gấp đôi so với trước.
Theo thông tin từ VCPMC, riêng năm 2010 Trung tâm thu 32 tỷ đồng tiền tác quyền, dự tính năm nay thu 44 tỷ đồng. Hiện VCPMC cấp phép sử dụng quyền tác giả cho các đơn vị sử dụng âm nhạc có hoạt động thương mại trên 20 lĩnh vực: Phát thanh, truyền hình, sản xuất băng đĩa, sân khấu biểu diễn, hàng không, nhà hàng khách sạn, vui chơi giải trí, nhạc chuông, nhạc chờ, quảng cáo…