Nhà nghiên cứu 'tay ngang' và kí ức Tây Nguyên

TP - Hơn 15 năm đam mê sưu tầm, anh Huỳnh Đăng Hiền (46 tuổi, TP Kon Tum, Kon Tum) đang sở hữu bộ sưu tập hàng nghìn hiện vật cổ xưa, đa chủng loại, chất liệu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hơn thế, anh còn lưu giữ được những giá trị to lớn về những câu chuyện lịch sử, tinh thần, văn hóa của các dân tộc tại Kon Tum.

Dù là nhà nghiên cứu “tay ngang”, nhưng bằng tình yêu lịch sử, văn hoá dân tộc, anh Hiền đã sưu tập hơn 3.000 hiện vật cổ xưa có liên quan đến từng giai đoạn lịch sử của vùng đất Bắc Tây Nguyên.

Đam mê sau những chuyến đi nước ngoài

Một buổi sáng trời rả rích mưa, chúng tôi có hẹn với nhà sưu tầm hiện vật cổ xưa để “mục sở thị” bộ sưu tập của anh. Giữa thôn nhỏ ở phường Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum, nổi bật lên một ngôi nhà sàn người dân tộc, trong khuôn viên rộng các hiện vật văn hoá được sắp xếp ngăn nắp, rõ ràng theo từng khu vực. Đến thời điểm hiện tại, anh Hiền là một trong những nhà nghiên cứu có số lượng hiện vật xưa lớn nhất tỉnh Kon Tum.

Hơn 3.000 hiện vật hiện hữu tạị nhà anh Hiền.

Trước đây, anh không mấy quan tâm đến những món cổ vật hay hiện vật văn hóa của các dân tộc, nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TPHCM và công tác tại các công ty nước ngoài ở Việt Nam, anh thường xuyên đi công tác nước ngoài. Qua lời kể của bạn bè quốc tế, anh thấy được niềm tự hào của mỗi dân tộc khi nhắc đến hiện vật trưng bày. Về nước, với tình yêu lịch sử, văn hoá dân tộc, anh bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và sưu tập những món hiện vật liên quan đến đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống trên mảnh đất Kon Tum.

Theo anh Hiền, năm 2008, anh bắt đầu rong ruổi đến từng thôn làng và sưu tầm những món hiện vật đầu tiên. Nhiều món anh mua bằng tiền của mình, món được tặng bằng tình cảm trân quý của người dân bản địa. Chính những tấm lòng ấy, anh càng được tiếp thêm động lực trên hành trình khám phá, sưu tập. “Việc sưu tập hiện vật đến từ niềm đam mê của bản thân nên tôi rất trân quý để lưu giữ, trưng bày chứ không bán hay trao đổi. Trong suốt quãng thời gian hơn 15 năm qua, tôi cũng chưa từng tham gia bất kỳ hội nhóm nào và chỉ chính thức công bố bộ sưu tầm của bản thân trong những năm gần đây”, anh Hiền bộc bạch.

Khuôn đúc mũi tên đồng hình cánh én.

Hiện vật độc bản ở Tây Nguyên

Dẫn chúng tôi tham quan, anh Hiền giới thiệu các món hiện vật hiếm mang ý nghĩa lịch sử có niên đại hàng ngàn năm, như khuôn đúc mũi tên đồng hình cánh én, tẩu thuốc, rìu đá có vai, đá khoan lỗ, dụng cụ đồng thau… Phần lớn trong số này được anh sưu tầm tại khu vực Di chỉ khảo cổ Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy). Trong đó có bộ sưu tầm chóe cổ mang ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ giao thương, di cư đến mảnh đất Kon Tum như: gốm Bàu Trúc (từ thế kỷ thứ X-XIII), Gò Sành (từ thế kỷ XIII-XV), Quảng Đức (thế kỷ XVI)…

Đặc biệt, trong số hơn 3.000 hiện vật, anh Hiền dành sự quan tâm đặc biệt cho khuôn đúc mũi tên đồng hình cánh én. Khuôn đúc này vừa được anh mang đi trưng bày tại Hội thảo thông báo Khảo cổ học toàn quốc năm 2023 ở Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia khảo cổ nhận định, khuôn đúc này giống với khuôn đúc tại Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2020.

Tẩu thuốc của người Chăm.

Nhắc đến việc có được cổ vật, anh Hiền mỉm cười chia sẻ, khoảng năm 2020, trong quá trình đi sưu tập tại huyện Sa Thầy, khuôn đúc mũi tên vô tình nằm trong nhiều hiện vật Lung Leng của một gia đình. Sau này chọn lọc, anh mới phát hiện và cất giữ.

Theo anh Phạm Bình Vương, Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum), người có nhiều năm nghiên cứu về khảo cổ, văn hóa Kon Tum, việc anh Hiền phát hiện về khuôn đúc mũi tên đồng hình cánh én được giới khảo cổ tại Việt Nam đánh giá cao trong Hội thảo vừa qua.

Ngoài những hiện vật cổ, nhà nghiên cứu “tay ngang” này còn sưu tập thêm nhiều món hiện vật đặc trưng của các dân tộc tại Tây Nguyên như: tẩu thuốc của người Chăm; vòng đeo tay, khuyên tai bằng đồng, các sản phẩm thủ công làm từ đất nung của nhiều dân tộc khác. Tận dụng mảnh sân vườn, anh Hiền còn bày trí các hiện vật văn hóa của các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum như: hòm gỗ xưa dùng chôn cất người chết chưa qua sử dụng, cối gỗ, tượng nhà mồ, mặt nạ, thuyền độc mộc. Ngoài ra, anh còn sở hữu nhiều hiện vật lao động sản xuất từ giữa thế kỷ XIX của người Kinh như: cối xay gạo bằng đá, bàn ủi con gà, cưa gỗ, dao kiếm… cùng nhiều kỷ vật chiến tranh bi-đông, mũ cối, tư trang.

Lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa

Lâu nay, bộ sưu tập hiện vật của anh Hiền đã trở thành địa điểm đáng tin cậy của nhiều nhà nghiên cứu về khảo cổ, văn hóa Kon Tum nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung. Gặp ai, anh cũng chào đón niềm nở, cởi mở. Vốn yêu thích lịch sử, văn hoá các dân tộc, nên anh luôn quý mến những người thích tìm hiểu cội nguồn, sẵn sàng giới thiệu từng hiện vật một. Đặc biệt, khách có niềm đam mê mãnh liệt, anh sẵn sàng mở tủ cho cầm, sờ hiện vật.

Anh Huỳnh Đăng Hiền vui vẻ giới thiệu các hiện vật.

Theo anh Phạm Bình Vương, bộ sưu tầm của anh Huỳnh Đăng Hiền có sức ảnh hưởng khá quan trọng trong công tác nghiên cứu lịch sử khu vực Di chỉ khảo cổ Lung Leng và mảnh đất Kon Tum xưa. Đặc biệt hỗ trợ cho Nhà nước trong công tác bảo tồn di sản và gìn giữ giá trị lịch sử văn hóa của người dân tộc tại chỗ. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ anh trong việc kiểm kê, phân loại, bảo quản và giám định để làm rõ thêm những thông tin liên quan đến các hiện vật,” anh Vương khẳng định.

Hiện hơn 3.000 hiện vật xưa cổ ấy…đều được anh Hiền chọn lọc, vệ sinh, chỉnh lý và cất giữ một cách cẩn trọng, gọn gàng trong tủ. “Qua các món hiện vật, tôi mong muốn sẽ làm dày thêm lịch sử của quê hương Tây Nguyên. Và khi người ta nhắc đến Kon Tum, không chỉ nghĩ đến cồng chiêng, múa xoang, mà còn là một nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc chỉ có vùng đất này”, anh Hiền bộc bạch.

Nhiều chuyên gia khảo cổ học đánh giá, bộ sưu tập hiện vật gốc, độc bản, độc đáo, tiêu biểu của anh Hiền có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước. Là sản phẩm có giá trị thực tiễn cao, thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làm gia tăng giá trị và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại, qua đó gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy và lan tỏa những giá trị này cần có thêm nhiều nguồn lực và sự chung tay của cả cộng đồng.